Nhằm nâng cao năng lực về công tác tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh cho cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng và phòng chống dịch tỉnh Bình Định, ngày 20/3/2019, Sở Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên môn về công tác tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Ông Lê Quang Hùng – Giám đốc Sở Y tế, Lãnh đạo các Phòng chức năng thuộc Sở; Lãnh đạo và các bộ phận chuyên môn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng trạm Y tế 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế phát biểu trong buổi Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Đánh giá tình hình công tác tiêm chủng năm 2018 và kế hoạch năm 2019; Hướng dẫn công tác tư vấn và truyền thông trong tiêm chủng; Tập huấn về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế; Hướng dẫn xử lý các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng; Hướng dẫn xử trí suy hô hấp, tuần hoàn ở trẻ <1 tuổi; Hướng dẫn khám tổng quát trẻ <01 tuổi và phát hiện các bệnh lý thường gặp; Hướng dẫn việc triển khai áp dụng GSP trong bảo quản vắc xin và dây chuyền lạnh theo Thông tư số 36/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Y tế quy định về thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc và Báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại huyện Hoài Nhơn, Tây Sơn, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn và phương án phòng chống dịch hiện nay và trong thời gian đến.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu: “Các Trạm Y tế khi tiêm chủng phải cân, đo, khám, tư vấn, quan sát và khai thác thông tin tiền sử dị ứng vắc xin của trẻ, tiền sử của bà mẹ để thực hiện đúng quy trình sàng lọc trong tiêm chủng mở rộng; các Trạm Y tế phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị y tế theo đúng quy định; xử lý cấp cứu đối với những trường hợp sốc phản vệ và phản ứng muộn sau tiêm chủng phải theo đúng quy trình đã đề ra; các Trạm Y tế phải có bảng phác đồ chống sốc phản vệ. Ngoài ra, các Trạm Y tế phải đảm bảo dây truyền lạnh theo quy định; tiêm chủng mở rộng được thực hiện vào buổi sáng, nhiều lần trong tháng... Đối với công tác phòng chống sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn phải tập trung tăng cường các biện pháp phòng chống dịch như triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy); thực hiện tốt giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời; phun hoá chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật để xử lý triệt để các ổ dịch; các cơ sở tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ; các Trung tâm Y tế chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, phương tiện, cơ số thuốc điều trị cũng như hóa chất để đảm bảo công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; hướng dẫn thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng ở khu dân cư, chủ động phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có nguy cơ cao nhằm xử lý triệt để, khống chế kịp thời, không để bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe trong cộng đồng dân cư và các trường học về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết...”             
          
                                                           Một số hình ảnh Hội nghị 

 
IMG 2635[1]
 
vvv
 
IMG 2620[1]
 

Tác giả bài viết: Thu Phương