Trước nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng do thời tiết chuyển mùa xuân hè. Nguyên nhân chính là do thời tiết nóng ẩm, tình trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; khó khăn trong việc triển khai các biện pháp kiểm soát điều kiện an toàn trong chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, việc kinh doanh nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, không bảo đảm an toàn khó kiểm soát được triệt để; tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng và nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, nước giải khát, nước đá, kem tăng cao ở gia đình, các bếp ăn tập thể, các địa điểm du lịch, lễ hội…
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại Siêu thị Coopmart Quy Nhơn.
       Thực hiện chỉ đạo tại công văn số 1585/ATTP-NĐTT ngày 23/5/2019 của Cục An toàn thực phẩm về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, Sở Y tế Bình Định đã ban hành Công văn số 1533/SYT-NVY ngày 10/6/2019 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan tăng cường công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè.
      Sở Y tế yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền giáo dục kiến thức về các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và tập trung vào các nội dung chủ yếu: tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng lợn, gia cầm chết do dịch bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín; hướng dẫn lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; phổ biến các quy định bảo đảm ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp…; yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền người dân, chú trọng đối với đồng bào vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng động, thực vật có độc, lạ, nghi ngờ không đảm bảo an toàn để chế biến thắc ăn như nấm độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, quả lạ…
Hinh bai ATTP mua he 2
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn thành phố.
     Bên cạnh đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì, phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ngộ độc thực phảm, bệnh lây truyền qua thực phẩm tại cộng đồng; giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, căn tin tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, quán ăn đường phố… trên địa bàn quản lý. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết không để các loại thực phẩm không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông trên thị trường. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, hóa chất để phối hợp tham gia phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, để phục vụ việc kiểm định chất lượng mẫu thực phẩm khi có yêu cầu.
       Đối với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, Sở Y tế yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyền truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng không sử dụng lợn, gia cầm chết do dịch bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín; hướng dẫn lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; tuyên truyền để người dân biết dịch tả heo Châu Phi không lây sang người tuy nhiên không nên sử dụng sản phẩm từ heo chưa được nấu kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng các sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc để tránh mắc các bệnh nguy hiểm khác lây từ heo sang người như: liên cầu khuẩn, sán dây lợn…; tuyên truyền cho người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang, có thể tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh và được chế biến hợp vệ sinh; tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các thực vật có độc, lạ nghi ngờ không đảm bảo an toàn để chế biến thắc ăn như nấm độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, quả lạ và tập trung chú trọng đối với đồng bào vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
     Đồng thời, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể theo phân công, phân cấp; chỉ đạo, hướng dẫn Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tuyên truyền, thông tin, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý; tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh thực phẩm; kịp thời tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời các sự cố mất ATTP xảy ra trên địa bàn.
      Sở Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai các hoạt động tăng cường bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè và báo cáo kết quả thực hiện về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để tổng hợp báo cáo về Sở Y tế và Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế theo đúng quy định./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh