Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 688/SYT-NVY ngày 25/3/2019, yêu cầu Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, BVĐK tỉnh, BVĐK tỉnh - Phần mở rộng, BVĐK khu vực Bồng Sơn, Trung tâm Y tế 11 huyện, thị xã, thành phố, Công ty Cổ phần BVĐK Hòa Bình triển khai thực hiện việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH.
Phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết
       Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH trên các phương tiện thông tin đại chúng để hướng dẫn cho người dân chủ động tham gia diệt lăng quăng/bọ gậy; đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH để người dân biết, tích cực, chủ động thực hiện phòng chống dịch, đưa người có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình bệnh nhân, các ổ dịch hiện đang lưu hành và mới phát hiện; tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện ổ dịch; thành lập đoàn kiểm tra, giám sát kịp thời tại các khu vực đang ghi nhận ổ dịch và khu vực nguy cơ cao; tổ chức tập huấn công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho chuyên trách, cộng tác viên trong công tác phòng chống dịch SXH; chủ động phối hợp với BVĐK tỉnh để tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý, cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ làm công tác điều trị tại các huyện, thị xã, thành phố.
hinh diet lang quang phong chong SXH 2
Diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết 
      Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, Y tế công cộng, Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm  tăng cường giám sát ca bệnh SXH tại các cơ sở khám chữa bệnh để ghi nhận bệnh nhân mắc mới tại cộng đồng; giám sát, điều tra các ổ dịch cũ, các vùng nguy cơ, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài; có kế hoạch phun thuốc chủ động phòng chống SXH ở các xã, phường, thị trấn có nguy cơ; tăng cường hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh tại các xã, phường, thị trấn; vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy phòng chống dịch bệnh SXH. Đồng thời, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, giám sát, đôn đốc các trạm y tế xã, phường, thị trấn tham mưu UBND các địa phương tổ chức các hoạt động, chiến dịch, huy động các ban, ngành, hội, đoàn thể, thanh niên, học sinh tham gia tổng vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh SXH. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật trong việc tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi xử lý ổ dịch.
      Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu phải đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng cấp cứu những ca bệnh nặng, hàng loạt; không để ca bệnh tử vong do SXH; kịp thời phát hiện ca bệnh SXH để phân loại, cấp cứu, điều trị, phân tuyến, chuyển viện theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/02/2011 về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue.
       Sở Y tế yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế /.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK)