Trong khuôn khổ hoạt động Chương trình Sức khỏe Việt Nam năm 2020, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế phối hợp với Vụ Giáo dục thể chất – Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tập huấn phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng hợp lý ở trẻ em/học sinh cho cán bộ ngành Y tế, ngành Giáo dục của 18 tỉnh/thành phố Miền Trung và Tây nguyên trong 2 ngày 11-12.12.2020, tại thành phố Quy Nhơn.
TS. Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc tập huấn. (ảnh Thu Hiền)
Tại lớp tập huấn, các chuyên viên của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo chuyển tải các chuyên đề về Thực trạng bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ ở trẻ em/học sinh; Tăng cường vận động thể lực phòng chống bệnh không lây nhiễm tại trường học; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025; Tác hại của thuốc lá ở học sinh và hướng dẫn phòng chống tác hại của thuốc lá tại trường học; Tác hại sử dụng rượu bia ở trẻ em và cách phòng chống; Dinh dưỡng hợp lý trong phòng chống bệnh không lây nhiễm ở học sinh; Hướng dẫn đánh giá tình trạng dinh dưỡng và nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn cho học sinh tại trường học; Tác hại tiêu thụ nhiều muối và các giải pháp can thiệp tại trường học.        
MG 5457
Toàn cảnh tập huấn Hướng dẫn phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng hợp lý ở trẻ em/học sinh (ảnh Thu Hiền)
Cùng với các nội dung được chia sẻ tại lớp tập huấn, các chuyên gia y tế nhấn mạnh: Phần lớn các bệnh không lây nhiễm là hậu quả của các yếu tố/hành vi nguy cơ sức khỏe được hình thành từ rất sớm trong cuộc sống, từ khi còn đang trong độ tuổi trẻ em, học sinh. Những yếu tố/hành vi nguy cơ phổ biến ở trẻ em/học sinh đó là dinh dưỡng không lành mạnh như uống nhiều nước ngọt, ăn thừa muối, ăn thức ăn nhanh, nhiều mỡ, năng lượng, ăn thiếu rau/trái cây; thiếu vận động thể lực, ngồi tại chỗ, thừa cân, béo phì…Theo thống kê năm 2019, trẻ em từ 13-17 tuổi uống rượu bia ít nhất 1 lần trong 30 ngày qua chiếm tỉ lệ 22,37%; hút thuốc lá 2,76%; học sinh thừa cân là 10,62%...
MG 5461
TS. Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng phòng Không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế báo cáo chuyên đề Thực trạng Bệnh không lây nhiễm và yếu tố nguy cơ ở trẻ em/học sinh. (ảnh Thu Hiền) 
Do đó, các chương trình can thiệp để phòng ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ sức khỏe khác ở học sinh trong độ tuổi này là vô cùng quan trọng và cần thiết. Vì vậy, cần sự phối hợp của ngành Giáo dục và đào tạo tăng cường các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm trong trường học như xây dựng các chính sách, quy định; bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất trường học; xây dựng môi trường vì sức khỏe trong trường học; bảo đảm dịch vụ chăm sóc, quản lý sức khỏe học sinh và giáo viên; tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh trong việc tăng cường vận động thể lực ở học sinh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối cho học sinh bán trú; khuyến khích ăn các thực phẩm có lợi cho sức khỏe tuổi học sinh... Nếu không có các biện pháp phòng chống thì những hành vi nguy cơ hôm nay sẽ là bệnh không lây nhiễm ngày mai./.

Tác giả bài viết: Thu Hiền - Khoa TT-GDSK- Trung tâm kiểm soát bệnh tật