Bình Định: Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 toàn tỉnh.
Thứ tư - 11/08/2021 16:12
Ngày 9/8/2021, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 3310/QĐ-UBND kèm theo Kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2021 - 2022 nhằm huy động mọi nguồn lực tổ chức tốt việc tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Chiến dịch được triển khai từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022 tại tất cả địa phương của tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch là có tối thiểu 92% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng Covid-19 đến cuối năm 2021 và trong quý I/2022. Dự kiến, vắc xin do Bộ Y tế cung ứng, phân bổ cho tỉnh để triển khai chiến dịch là 2.076.296 liều, trong đó 2.057.078 liều để tiêm chủng cho người chưa được tiêm, 19.218 liều cho người đã tiêm được 1 mũi vắc xin trước đó. Dự kiến, lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ trong năm 2021 là 1.966.752 liều.
Trong đó ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế, các lực lượng tham gia chống dịch tại các địa phương, lực lượng Công an, Quân đội; người cung cấp dịch vụ thiết yếu và các đối tượng khác theo thứ tự ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, ưu tiên các huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ, của tỉnh; các địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; địa phương có giao lưu đi lại lớn. Đặc biệt, các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.
Được biết, Chiến dịch tiêm vắc xin đợt này sẽ tổ chức tiêm tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động). Việc tổ chức tiêm chủng thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các Hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm chủng; đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu về phòng chống COVID-19 tại điểm tiêm chủng.
Về cơ sở vật chất: Bố trí khu vực chờ trước tiêm chủng, sàng lọc, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi và xử trí tại biến sau tiêm chủng 30 phút đảm bảo thông thoáng, đủ ghế ngồi và giữ khoảng cách giữa các đối tượng được tiêm chủng, nhân viên y tế, người nhà. Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng để phòng chống dịch theo thứ tự như sau: Bàn đón tiếp, hướng dẫn → Khu vực chỗ trước tiêm chủng → Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bản tiêm chủng → Bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng → Khu vực theo dõi và xử trí sau tiêm chủng. Có nhà vệ sinh và thực hiện lau sạch nhà vệ sinh bằng dung dịch khử khuẩn hàng ngày. Tại mỗi cơ sở tiêm chủng, nếu tổ chức nhiều điểm tiêm thì nên tách biệt nhau để tránh tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong thời gian tổ chức tiêm chủng tại điểm tiêm,
Về trang thiết bị: Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao cho tiêm chủng, biểu mẫu tiêm chủng. Chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết. Có bồn rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch rửa tay ngay tại điểm tiêm chủng. Các bề mặt thường xuyên tiếp xúc phải được vệ sinh bằng các biện pháp thích hợp (ít nhất 1 lần/buổi khi có dịch tại cộng đồng và ít nhất 1 lần/ngày khi không có dịch tại cộng đồng). Chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang ngay tại vị trí cửa ra vào và các vị trí đối tượng tiêm chủng, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, thang máy…) Sắp xếp bàn tiêm chủng với nguyên tắc sắp xếp các dụng cụ thuận tiện cho cán bộ y tế khi thao tác. Trên bàn tiêm chủng gồm có các thiết bị cần thiết cho việc bảo quản, tiêm vắc xin như: phích vắc xin, bơm kim tiêm, khay đựng panh, panh, lọ đựng bông khô và lọ đựng bông có cồn, hộp chống sốc, bút. Không để thuốc hoặc dụng cụ đựng bệnh phẩm trên bản tiêm. Hộp an toàn, túi hoặc hộp đựng vỏ lọ vắc xin, thùng rác đặt ở vị trí thích hợp. Các tài liệu chuyên môn theo quy định; các áp phích, tờ rơi hướng dẫn các bước thực hiện tiêm chủng, lịch tiêm chủng, theo dõi, chăm sóc, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng treo, dán trên tường tại nơi thực hiện tiêm chủng để cán bộ y tế, các đối tượng tiêm chủng và người dân có thể đọc, xem được.
Về nhân lực: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/06/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế. Nhân viên tham gia tiêm chủng phải được tập huấn về an toàn phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp, thực hiện theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tại mỗi điểm tiêm chủng phải có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên.
Về tổ chức buổi tiêm chủng: Bước 1: Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi tiếp đón; hướng dẫn, kiểm tra đối tượng tiêm chủng và người nhà đi cùng thực hiện khai báo y tế điện tử; phát khẩu trang cho đối tượng tiêm chủng (nếu đối tượng không mang); thực hiện đo thân nhiệt cho đối tượng tiêm chủng. Bước 2: Cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế để người được tiêm chủng đọc, điền thông tin và ký nếu đồng ý tiêm chủng. Bước 3: Sàng lọc đối tượng trước khi tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng. Thông báo cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, liều lượng, đường dùng của loại vắc xin được tiêm chủng. Tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID19. Bước 4: Thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
Sau khi tiêm chủng: Theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu tiên và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Liên hệ với bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao ≥ 39°C, tím tái, khó thở... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chúng phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo Sở Y tế trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến. Tổng hợp các trường hợp tai biến nặng, báo cáo theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Điều 14, 15, 16 Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế. Thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế; Công văn số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Công văn số 5679/BYT-MT ngày 16/7/2021 của Bộ Y tế về việc tiếp tục quản lý xử lý vỏ lọ vắc xin COVID-19 và các văn bản có liên quan.
Theo đó Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này đảm bảo đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trực tiếp chỉ đạo tổ chức tiêm chủng cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế; bảo đảm nhân lực, vật tư, thuốc men bảo đảm an toàn trong tiêm chủng và xử lý tốt các sự cố bất lợi trong quá trình tổ chức tiêm chủng. Phối hợp Sở Tài chính tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để triển khai Kế hoạch này theo đúng quy định. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, chịu trách nhiệm thực hiện Kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo an toàn, đúng quy định. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các địa phương. Phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng thuộc đơn vị, địa phương quản lý; đồng thời, huy động lực lượng tham gia, hỗ trợ việc điều tra, lập danh sách đối tượng thuộc nhóm được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Phối hợp với Bảo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bản tỉnh tổ chức phát các thông điệp truyền thông về chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; truyền thông về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến dịch, đối tượng, thời gian, địa điểm tiêm chủng, tác dụng, lợi ích của vắc xin, phản ứng có thể gặp sau tiêm chứng và cách xử trí…
Chiến dịch tiêm chủng sẽ sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 để triển khai. Nền tảng bao gồm 04 thành phần: Cổng công khai thông tin tiêm chủng (https://tiemchungcovid19. gov.vn); hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng; hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; ứng dụng sổ sức khỏe điện tử.
Các Sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin cho phòng COVID-19 và thực hiện tiêm chủng theo hướng dẫn của ngành y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ảnh về Sở Y tế để được hướng dẫn thực hiện. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này./.