NGUYÊN NHÂN, CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ DỰ PHÒNG BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Thứ hai - 19/11/2018 09:18
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD: Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là bệnh lý hô hấp mạn tính có thể dự phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không có khả năng hồi phục hoàn toàn, sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các hạt bụi hoặc khí độc hại mà trong đó khói thuốc lá, thuốc lào đóng vai trò hàng đầu.
Ngoài nguyên nhân chính là do thuốc lá, chiếm đến 90% nguyên nhân. Đặc biệt, mối liên quan thời tiết và COPD đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu. Các nghiên cứu cho thấy, COPD trở nên xấu đi và dễ có đợt cấp thường xuyên hơn trong những tháng mùa đông. Trong những ngày đông lạnh, tốt nhất nên tránh không khí lạnh càng nhiều càng tốt, đặc biệt lạnh khô dễ kích hoạt hình thành đợt cấp của COPD.
Tuy nhiên, COPD không phải là vô vọng. Nếu biết dùng thuốc trong điều trị và biết cách kiểm soát bệnh, bệnh nhân có thể sống cùng COPD, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi.
Để làm chậm quá trình tổn thương phổi, bệnh nhân COPD cần xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý, môi trường sống trong lành, dinh dưỡng đầy đủ, luyện tập phù hợp… là những yếu tố hạn chế sự phát triển của bệnh hiệu quả.
Yếu tố cơ địa
Yếu tố di truyền được biết đầy đủ nhất là thiếu hụt α1-antitrypsine, ở những người có thiếu hụt α1-antitrypsine bẩm sinh sẽ dẫn đến phát triển khí thũng phổi toàn tuyến nang và chức năng phổi giảm nhanh chóng. Thiếu hụt globulin miễn dịch (IgA) bẩm sinh ở thành phế quản sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn phế quản tái diễn và sẽ dẫn đến phát triển COPD.
Tăng đáp ứng đường thở: theo giả thuyết Dutch, tăng đáp ứng đường thở là yếu tố nguy cơ góp phần phát triển COPD.
Khuyết tật của phổi trong quá trình phát triển: sự khuyết tật của phổi có liên quan đến các quá trình phát triển của thai nhi trong lúc mang thai, cân nặng của trẻ khi đẻ, phơi nhiễm các yếu tố độc hại trong quá trình sống của trẻ em, nhất là nhiễm khuẩn hô hấp trong thời kỳ đầu phát triển của trẻ cũng là những yếu tố nguy cơ phát triển COPD.
Giới tính cũng là một yếu tố nguy cơ nhưng chưa rõ ràng. Trước đây đa số nghiên cứu thấy tỷ lệ mắc COPD ở nam nhiều hơn nữ, nhưng gần đây các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ này ngang nhau. Hiện nay tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá  ngày càng tăng và tỷ lệ nữ mắc COPD cũng tăng.
Yếu tố môi trường
Khói thuốc lá (hút thuốc lá chủ động và thụ động) là yếu tố nguy cơ chính gây ra COPD. Người hút thuốc có sự rối loạn chức năng phổi và có nhiều triệu chứng hô hấp hơn những người không hút thuốc lá. Tắc nghẽn đường thở liên quan chặt chẽ đến thời gian và mức độ hút thuốc lá. Ho, khạc đờm, khó thở thường gặp ở người hút thuốc lá hơn là người không hút thuốc lá. Hầu hết bệnh nhân COPD đều có tiền sử hút thuốc lá. Bệnh COPD tăng tỷ lệ với số lượng điếu thuốc lá được hút trên ngày, số gói trên năm và khi hút thuốc được bắt đầu ở tuổi trẻ. Hút thuốc lá thụ động cũng là nguy cơ quan trọng phát triển COPD. Hút thuốc lá khi có thai có thể là yếu tố nguy cơ phát triển COPD sau này vì khói thuốc lá ảnh hưởng đến sự tăng trưởng phổi và gây rối loạn hệ thống miễn dịch của thai nhi. Ở những người không hút thuốc bình thường FEV1 (Forced Expired Volume in one second - Nghĩa là thể tích thở ra tối đa trong giây đầu tiên) giảm hàng năm khoảng 30ml còn ở người hút thuốc lá FEV1 giảm nhanh gấp đôi, tỷ lệ giảm hàng năm khoảng 60ml. Ở một số người hút thuốc cực kỳ nhạy cảm với khói thuốc lá, chức năng phổi của họ giảm nhiều và nhanh với tỷ lệ hàng năm khoảng 100ml và có thể hơn thế nữa.
Các bụi và hoá chất nghề nghiệp: khi tiếp xúc nhiều và kéo dài với bụi và hoá chất nghề nghiệp có thể gây phát triển COPD và nếu đồng thời có hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ mắc COPD.
Nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn ở trẻ em có thể phát triển COPD khi về già, tình trạng kinh tế xã hội đói kém, môi trường sống bị ô nhiễm, sống chật chội, đông đúc cũng liên quan tới phát triển COPD.
Dự phòng
Bỏ thuốc lá, tránh tiếp xúc với bụi độc hại, điều trị tốt các nhiễm khuẩn đường hô hấp; luyên tập hồi phục chức năng phổi.
Về môi trường sống: Tránh khói thuốc lá; tránh các chất ô nhiễm: khói thải, nước thải, sơn, hóa chất tẩy rửa và những mùi mạnh như nước hoa… gây khó thở; tránh thay đổi không khí đột ngột (từ lạnh sang nóng và ngược lại), quá nóng hoặc quá lạnh, ra gió, nơi ẩm thấp và tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng hô hấp.
Đồng thời có lối sống lành mạnh: Ngưng hút thuốc lá: Đây là việc quan trọng đầu tiên nên làm đối với những người hút thuốc lá; tránh những xúc cảm quá mức: quá buồn, quá vui hoặc bực tức, căng thẳng. Hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép; làm việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản; chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần.
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ vì đây cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh, chú ý tránh các thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, thịt gà, bò… hoặc những thực phẩm, đồ uống nào mà trước đây đã bị dị ứng.
Luyện tập: Tái phục hồi gắng sức bằng biện pháp hoạt động thể lực được hướng dẫn của nhân viên y tế.
bbb

Tác giả bài viết: BS. VÕ VĂN PHÚC Bệnh viện Phục hồi chức năng Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập148
  • Máy chủ tìm kiếm103
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay2,656
  • Tháng hiện tại487,826
  • Tổng lượt truy cập46,295,543
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây