Sự hình thành và phát triển

                         GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT LỊCH SỬ SỞ Y TẾ BÌNH ĐỊNH
1. Lượt sử hình thành và phát triển:
      Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ, hoạt động y tế Bình Định chỉ tập trung đơn lẽ vào nhiệm vụ cứu thương chiến trường là chính. Ngày 15/2/1960  Y sĩ Lê Mai (Nguyễn Mẫn - năm1960 được BYT công nhận là Bác sỹ) là người  đầu tiên được Bộ Y tế chi viện về tới Bình Định, khởi đầu cho việc hình thành bộ máy ngành Y tế Bình Định. Giữa năm 1960 Ông mở lớp đào tạo cán bộ y tế đầu tiên cùng với sự thoát ly lên của một số y tá, cứu thương hình thành Tổ Y tế trong Ban Kinh tài trực thuộc Tỉnh ủy Bình Định, bắt đầu phục vụ thời kỳ chống “Chiến tranh đặc biệt 1961-1965”.
      - Tháng 2/1961, Tỉnh ủy tách Tổ y tế ra khỏi Ban Kinh tài tỉnh, thành  lập Ban Quân Dân y tỉnh Bình Định do bác sĩ  Lê Mai làm trưởng ban cùng với 3 cứu thương và 2 nhân viên tạp vụ. Lúc này, tuyến huyện và xã chưa có tổ chức y tế, tuy nhiên một ít huyện đã có một vài cán bộ y tế từ nguồn cứu thương do bác sĩ  Lê Mai đào tạo giữa năm 1960 đưa về và một số người từ cơ sở y tế hợp pháp trong lòng địch thoát ly lên. Tháng 4/1961 Bệnh xá tỉnh 20 giường được thành lập. Những tháng cuối năm 1961 Ban Quân Dân y tỉnh xây dựng thêm 3 trạm xá khu vực: Trạm xá Khu Trung có 15 giường bệnh, Trạm xá Khu Nam có 15 giường bệnh, Trạm xá Khu Bắc có 10 giường bệnh. Ngoài ra có  Đội vệ sinh phòng bệnh, phòng chống hóa chất độc hại, cuối năm 1961 đổi tên thành Đội Y tế lưu động miền núi.
      - Cuối năm 1962, Ban Quân Dân y tỉnh có 7 đơn vị trực thuộc gồm 4 cơ sở điều trị, Tổ đông y, Kho thuốc và Đội y tế lưu động miền núi với đội ngũ cán bộ nhân viên gần 80 người, trong đó có 2 bác sĩ , 4 y sĩ, hơn 40 y tá, hộ sinh, cứu thương, 4 chính trị viên và 30 nhân viên khác. Các huyện miền núi, đồng bằng đều có y tá phụ trách y tế; các xã vùng giải phóng ở miền núi và phần lớn các thôn làm chủ ở đồng bằng đã có y tá phụ trách y tế thôn, xã.  Ngày 15/2/1963, thành lập Trường cán bộ y tế tỉnh do bác sĩ Trưởng Ban quân dân y tỉnh phụ trách.
      - Tháng 6/1965, Ban Quân Dân y tách ra, thành lập Ban Dân y tỉnh  (là tiền thân của Sở Y tế ngày nay), bao gồm có 6 đơn vị tuyến tỉnh trực thuộc là 2 Đội y tế lưu  động, 1 Bệnh xá 100 giường, Trường  cán bộ y tế, 1 Kho thuốc, 1 Tổ bào chế Đông y. 10 Ban Dân y huyện, 10 Bệnh xá huyện , 96 Ban y tế xã. Đến cuối năm 1969 công tác xây dựng ngành Y tế của Bình Định cả ba tuyến (tỉnh, huyện, xã) cơ bản hoàn thành và hoạt động tốt.
      - Đến năm 1972 tại Ban Dân y tỉnh  đã hoạt động bài bản, có 22 người, gồm Văn phòng Ban gồm 1 tổ hành chính quản trị 5 người và 3 phòng chuyên môn là: Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng nghiệp vụ Y; Phòng quản lý Dược. Tổng số cán bộ y tế cuối năm 1972 là 2.683 người, trong đó tuyến tỉnh, huyện 457 người, tuyến xã 2.226 người (trong đó 11 BS, 3 DSĐH, 55 Y sỹ, 15 DSTH).
      - Để phục phục vụ hoạt động Y tế sau cuộc giải phóng đất nước 1975, từ 28/3/1975 đến  2/4/1975, Y tế các tuyến thực hiện tiếp quản các cơ sở y tế của địch ở tất cả các địa phương. Giữa tháng 5/1975 Ban Dân y tỉnh đổi tên thành Ty Y tế tỉnh Bình Định, lãnh đạo Ty có 1 Trưởng Ty (kiêm giám đốc Bệnh viện tỉnh) 2 phó trưởng Ty và 1 Chính trị viên. Các đơn vị trực thuộc gồm: BVĐK tỉnh, Trạm vệ sinh phòng dịch, Công ty Dược, Xưởng Dược, Trường cán bộ y tế, Viện Điều dưỡng (Trại Điều dưỡng của Ban tổ chức Tỉnh ủy chuyển giao). Ban Dân y huyện chuyển thành Phòng Y tế. Ban Y tế xã chuyển thành Trạm y tế xã (phường). Tính đến 15/4/1975 toàn Ngành có 1498 cán bộ (tỉnh 438 người, huyện 196 người, xã 864 người), trong đó có 21 BS, 5 DSĐH, 86 Y sỹ, 22 DSTH.
      - Tháng 9/1975  thành lập tỉnh Nghĩa Bình, Ty Y tế Nghĩa Bình ra đời.
      - Tháng 6/1989 thực hiện  chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Bình Định và Quãng Ngãi, đổi tên lại là Sở Y tế Bình Định và duy trì cho đến hôm nay. Lúc này Sở Y tế Bình Định có các đơn vị trực thuộc: Công ty Dược-TTBYT, BVĐK tỉnh, TTVSPD, TTPCSR-BC, TTKN Dược, TT Da liễu, TT Mắt, TTBVBMTE-KHHGĐ, BVCK Tâm thần, BVCL Lao, BVYHCT, Nhà Điều dưỡng –PHCN. Nhân lực lúc này có 1908 người (1 tiến sỹ, 2 BSCK nội trú, 7 thạc sỹ, 83 BSCKI, 203 BS, 32 DSĐH, 1208 cán bộ y tế trung cấp, 368 cán bộ y tế sơ cấp, 349 cán bộ y tế khác).
      - Tính đến cuối năm 2018 Sở y tế tỉnh Bình Định có 31 đơn vị trực thuộc, gồm: 3 đơn vị hành chính  là Văn phòng Sở Y tế, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số-KHHGĐ (có11 Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố trực thuộc); 17 đơn vị sự nghiệp tuyến tỉnh (3 Bệnh viện đa khoa: đa khoa tỉnh, đa khoa Khu vực Bồng Sơn, đa khoa Khu vực Phú Phong, 5 Bệnh viện chuyên khoa: Mắt, YHCT, PHCN, Lao và Bệnh phổi, Tâm thần; 9 Trung tâm chuyên ngành: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe và Trung tâm Phòng chống Sốt rét và Các bệnh nội tiết, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm – Mỹ phẩm, Trung tâm Da liễu, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Giám định y khoa); 11 đơn vị sự nghiệp cấp huyện (TTYT huyện, thị xã, thành phố- có 159 trạm y tế trực thuộc). Nhân lực toàn ngành có 5.245 người, đạt 34,1/vạn dân; số bác sĩ: 942, đạt 6,1/vạn dân; số dược sĩ đại học 87, đạt 0,6/vạn dân; số trạm y tế có BS: 159/159 (trong đó có 143 trạm có BS tại chỗ).
      - Thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung Đảng (Khóa XII) về sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Y tế tiến hành hợp nhất và sáp nhập các đơn vị để đầu năm 2019 hoạt động như: thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (trên cơ sở hợp nhất 5 đơn vị Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe và Trung tâm Phòng chống Sốt rét và Các bệnh nội tiết) trực thuộc Sở Y tế.  Sáp nhập Trung tâm Da liễu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tổ chức lại thành Khoa Da liễu thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tổ chức lại Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn trên cơ sở hợp nhất Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phú Phong và Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn. Hợp nhất Bệnh viện Phục hồi chức năng với Bệnh viện Y học cổ truyền. Sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào Trung tâm y tế huyện và tổ chức lại thành Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố. Như vậy Sở Y tế Bình Định còn lại 24 đơn vị trực thuộc, gồm: 3 đơn vị hành chính  là Văn phòng Sở Y tế, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số-KHHGĐ; 10 đơn vị sự nghiệp tuyến tỉnh (2 Bệnh viện đa khoa: đa khoa tỉnh, đa khoa Khu vực Bồng Sơn; 4 Bệnh viện chuyên khoa: Mắt, YHCT& PHCN, Lao và Bệnh phổi, Tâm thần; 4 Trung tâm chuyên ngành: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm – Mỹ phẩm, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Giám định y khoa); 11 đơn vị sự nghiệp cấp huyện (TTYT huyện, thị xã, thành phố- có 159 trạm y tế trực thuộc). Cơ cấu nhân lực năm 2019 toàn ngành là 5.389 người, gồm: Bác sỹ: 942 (Tiến sỹ: 4, CKII: 107 CKI: 328, BS: 452); Dược sỹ: 87 (Thạc sỹ: 2, CKI: 19, DSĐH: 66); Điều dưỡng (Trung học, cao đẳng, đại học): 1756; Y tế công cộng: 28; Y sỹ: 623; Kỹ thuật viên (Trung học, cao đẳng, đại học): 393; Cử nhân Sinh học: 38; Cử nhân Hóa học: 12; Hộ sinh (Trung học, cao đẳng, đại học): 418; Dược sĩ (Cao đẳng, Trung học): 261; Dược tá: 07; Lương y: 6; Dân số: 144; Khác: 674.
      2. Thành tích nổi bật của Sở Y tế Bình Định:
      - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2004)
      - Huân chương Lao động hạng Nhất (1999)
      - Huân chương Lao động hạng Nhì (1983, 1986)
      - Huân chương Lao động hạng Ba (1978)
      - Cờ thi đua của Chính phủ (2018)
      - Bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh và nhiều danh hiệu khác ./.                                                                             
 
Phan Văn Hớn
(Theo Lịch sử Y tế Bình Định giai đoạn 1945-1975; Sở Y tế Bình Định 10 năm đổi mới và phát triển (1989-1999); Báo cáo số 15/BC-SYT ngày 21/1/2019 và các tài liệu của Sở Y tế)
Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập152
  • Máy chủ tìm kiếm71
  • Khách viếng thăm81
  • Hôm nay18,760
  • Tháng hiện tại228,211
  • Tổng lượt truy cập53,735,505
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây