Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Tháo gỡ các vấn đề lớn của ngành y tế

Thứ năm - 28/12/2023 09:49

Ông Lê Quang Hùng

Ông Lê Quang Hùng
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng nhận định, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 đã có nhiều cập nhật phù hợp với thực tiễn. Tạo cơ hội, hành lang pháp lý để tháo gỡ những vấn đề lớn của ngành y tế, nhất là những khó khăn, bất cập đã bộc lộ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Theo ông Lê Quang Hùng, trong tháng 12.2023, Sở Y tế đã triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đến đơn vị trực thuộc, cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) để triển khai thực hiện. Theo đó, luật sửa đổi lần này thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, gồm có 12 chương với 121 điều, tập trung vào các nhóm chính sách lớn, như: Nâng cao kỹ năng hành nghề KCB, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở KCB; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ KCB; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong KCB; tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Đánh giá năng lực người làm nghề y trước khi cấp giấy phép

* Triển khai thực hiện từ đầu năm 2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có những điểm mới nào quan trọng, thưa ông?

- Trong luật này có nhiều nội dung mới, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực KCB trên quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”. Đồng thời, giải quyết những vướng mắc, bất cập, điều chỉnh một số nội dung phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong KCB.

Đó là quy định tổ chức thi đánh giá năng lực người làm nghề y trước khi cấp giấy phép hành nghề, do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Tôi cho rằng, đây là một nội dung quan trọng, thể chế hóa Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và là bước đột phá trong hội nhập quốc tế, thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc khối ngành sức khỏe và nâng cao chất lượng người làm nghề. Giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm (thay vì cấp một lần như hiện nay) và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề...

Điểm mới quan trọng nữa là những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân. Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động KCB, bổ sung quy định cụ thể về tài chính bệnh viện. Bên cạnh đó là quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ KCB; quy định giá dịch vụ KCB của cơ sở y tế nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định...

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực người làm nghề y trước khi cấp giấy phép hành nghề, và giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm (thay vì cấp một lần như hiện nay). Ảnh: M.H

* Luật sửa đổi cũng đã gỡ khó cho cơ chế để đảm bảo nhân lực bác sĩ các chuyên ngành vốn được gọi là những “chuyên ngành hiếm”…

- Đó cũng là sự thay đổi rất đáng chú ý mà không riêng người học, ngay cả đội ngũ quản lý như chúng tôi và cơ sở KCB rất mong chờ!

Luật ban hành năm 2009 chỉ quy định Nhà nước miễn học phí đối với người học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần. Trong khi đó, ngoài bổ sung thêm các chuyên ngành tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu, tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng quy định nhà nước sẽ hỗ trợ cả sinh hoạt phí trong toàn khóa học cho người học chứ không chỉ hỗ trợ mỗi học phí như trước đây. Đây là những hỗ trợ sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người học khi lựa chọn vào những chuyên ngành sức khỏe khó tuyển sinh, khó tuyển dụng, và thực tế các bệnh viện ở Bình Định cũng rất thiếu đội ngũ này.

Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

* Với những điều chỉnh nói trên, luật sẽ tác động như thế nào đến chất lượng KCB, cũng như trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ?

- Đầu năm 2024, luật có hiệu lực sẽ tháo gỡ ngay các vấn đề liên quan đến việc huy động nguồn lực cho KCB, đặc biệt giá dịch vụ KCB; huy động xã hội hóa để đủ nguồn lực cần thiết đảm bảo chất lượng KCB.

Nhóm nội dung thứ hai tác động đến chất lượng KCB là luật bổ sung, điều chỉnh việc đánh giá năng lực của người hành nghề, cấp giấy phép hành nghề có thời hạn và đảm bảo sự cập nhật kiến thức y khoa liên tục, như tôi đã đề cập ở trên.

Nhóm thứ ba đó là luật hóa các tiêu chuẩn chất lượng KCB; đồng thời, thay đổi những nội dung liên quan đến đánh giá chất lượng KCB.

Tôi cho rằng, đây là 3 nhóm vấn đề lớn mà luật đề cập đến và được thể chế hóa cụ thể.

* Vấn đề tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ KCB - một trong những “điểm nghẽn” của ngành y tế, nhưng sẽ tác động rất lớn đến người dân khi thực hiện điều chỉnh theo luật, thưa ông?

- Liên quan tới tự chủ bệnh viện, cơ sở KCB được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, phát triển các hoạt động chuyên môn và phục vụ KCB. Bệnh viện được quyết định mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động KCB theo quy định, trừ trường hợp do Nhà nước định giá. Đồng thời, được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động KCB; được quyết định giá dịch vụ KCB nhưng không vượt quá giá do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, trừ giá dịch vụ theo yêu cầu và giá hình thành từ hoạt động hợp tác công tư.

Riêng với giá dịch vụ KCB, kết cấu của giá gồm 4 yếu tố là chi phí trực tiếp (như thuốc, sinh phẩm...); tiền lương, công; chi phí quản lý; chi phí khấu hao thiết bị. Lâu nay, giá dịch vụ này mới kết cấu được 2 yếu tố tiền lương và chi phí trực tiếp; trong khi đó giá vật tư tăng, nhưng bệnh viện chỉ được áp dụng giá dịch vụ KCB cũ nên nguồn tài chính, chênh lệch thu chi không có, đãi ngộ cho nhân viên thấp.

Tôi cho rằng, quy định tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế được luật hóa là “chìa khóa” để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và đội ngũ y tế. Bệnh viện được tự chủ nhân lực và giá dịch vụ theo yêu cầu rất quan trọng, tạo điều kiện cho cơ sở KCB công lập tăng thêm quyền để tạo ra các dịch vụ có chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu của người bệnh với mức chi phí phù hợp, cũng là giải pháp để tăng thu hút nhân lực cho cơ sở KCB.

* Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: MAI HOÀNG (Thực hiện) (Theo Báo Bình Định)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay5,023
  • Tháng hiện tại503,832
  • Tổng lượt truy cập53,414,775
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây