Theo Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm của phường Trần Phú, TP. Quy Nhơn đến các hàng quán trên đường Nguyễn Huệ, Ngọc Hân Công Chúa, Ngô Văn Sở đều dễ dàng nhìn thấy hàng quán được bày bán hai bên đường và rất nhiều trong số đó thức ăn không được che đậy cẩn thận, bụi bặm, ruồi nhặng đễ dàng đậu, bám nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất cao. Qua kiểm tra thực tế tại Quán Phở Hồng, ở đường Ngọc Hân Công Chúa, Đoàn cũng đã chỉ cho chủ cơ sở thấy thực phẩm không đảm bảo an toàn như bánh phở không được che đậy và để vào dụng cụ đựng thực phẩm cẩn thận, tô chén sạch không kê cao, không có thớt để chế biến thực phẩm sống và chín riêng, người trực tiếp chế biến không đeo khẩu trang, găng tay…Khi Đoàn kiểm tra về thủ tục giấy tờ theo quy định về an toàn thực phẩm như giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm thì chị Lê Thị Ánh Hồng – chủ cơ sở cho biết: “Do bận bịu công việc nên quên đi khám sức khỏe và đăng ký học tập huấn. Sau đợt kiểm tra này tôi sẽ đi khám sức khỏe và đăng ký học tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Hay tại một số cơ sở thức ăn đường phố như Quán Mực Cá rim của chị Trương Thị Hương; Quán Nem chả, bánh khọt của chị Nguyễn Thị Kim Loan… được bày bán trên vỉa hè đường Ngô Văn Sở, thực tế kiểm tra cho thấy, thực phẩm chế biến không được bỏ vào bao bì, không có tủ kính để che đậy cẩn thận, người chế biến và người trực tiếp bán không có giấy khám sức khỏe và giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm…
Có thể nói, món ăn đa dạng, thực khách tha hồ chọn lựa từ lẩu, cơm tấm, bún, bánh canh... cho đến đồ ăn vặt như mực, cá viên chiên, xe đẩy trái cây... được bán với mức giá mà hầu như ai ai cũng có thể mua được. Chính vì mức giá rẻ, phù hợp túi tiền của đại đa số người lao động và học sinh, sinh viên nên họ cũng dễ dàng lựa chọn thức ăn đường phố và coi là món ăn vặt khoái khẩu.
Trao đổi với bạn Nguyễn Thị Diễm, 22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn, ở phường Nguyễn Văn Cừ bạn cho biết: “Thức ăn đường phố có nhiều món, dễ thay đổi món ăn, các món ăn lại rẻ, ngon và cũng đỡ ngán”.
Việc buôn bán khá đơn giản, chỉ cần sắm một chiếc xe đẩy và vài bộ bàn ghế nhựa là đã có thể bày ra một quán ăn sẵn trên vỉa hè, đường phố, thịt nướng ngay tại vỉa hè khói bụi; dụng cụ chứa thức ăn thì không đạt tiêu chuẩn, thức ăn phần lớn không được che đậy hay che đậy sơ sài, người bán hàng dùng tay trần để chế biến, hay có bao tay nhưng vẫn cầm tiền rồi bốc thực phẩm, hay những cái tô, chiếc đũa được rửa ngay tại nơi bán với lượng nước ít ỏi... điều này tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
Theo Bác sỹ Cao Thị Mỹ Hòa – Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm của phường Trần Phú cho biết: “Thức ăn đường phố đa phần là những cơ sở hàng rong, dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, tự phát thường xuyên thay đổi theo thời vụ và đổi chủ liên tục, nhận thức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm còn hạn chế nên việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm còn chưa tốt. Đa số các cơ sở nhỏ, lẻ không có giấy tờ thủ tục liên quan vềan toàn vệ sinh thực phẩm. Người trực tiếp tiếp xúc thực phẩm không được khám sức khỏe, không đeo găng tay, khẩu trang. Chủ cơ sở không tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm… nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra. Do đó, thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018” phường Trần Phú đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề, hàng rong… Thông qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm tăng cường trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm”.
Năm 2017, phường Trần Phú đã thành lập 03 Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm đã thực hiện kiểm tra, giám sát tại 71/81 cơ sở thức ăn đường phố, trong đó có 06 cơ sở thức ăn đường phố đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, trên địa bàn phường Trần Phú có 198 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong đó kinh doanh thức ăn đường phố là 102 cơ sở. Đa số các cơ sở không có đầy đủ giấy tờ, thủ tục theo quy định.
Bác sỹ Hòa cho biết thêm: “Trong thời gian tới, sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân Phường tổ chức tập huấn cấp giấy xác nhận kiến thức. Bên cạnh đó, Đoàn cũng sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm, người tiêu dùng bằng các hình thức như nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân. Bồi dưỡng chuyên môn về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý và cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, Đoàn cũng tích cực kiểm tra, giám sát đột xuất cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố để yêu cầu thực hiện theo đúng Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm...”.
Thức ăn đường phố mang đến sự tiện lợi cho khách hàng vì thuận tiện, nhanh chóng, hợp túi tiền,… nên giữ chân được số lượng thực khách vô cùng đông đảo. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc có nguyên nhân từ thức ăn đường phố, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý những cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm vỉa hè.
Tác giả bài viết: Thu Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn