Đoàn Giám sát của Ban Dân tộc làm việc tại Sở Y tế
Thứ tư - 22/05/2019 15:47
Ngày 22/5/2019, Đoàn Giám sát của Ban Dân tộc (Hội đồng nhân dân tỉnh) có buổi làm việc với Sở Y tế về việc giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về y tế đối với vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, tỉnh Bình Định có 11 huyện, thị xã, thành phố; 159 xã, phường, thị trấn; 1.122 thôn, làng; trong đó có 53 xã, 316 thôn, làng miền núi, vùng dân tộc thiểu số được phân định theo các khu vực I, II, III; có 02 huyện vùng cao, 01 huyện miền núi, 17 xã vùng cao và 31 xã miền núi. Tính đến cuối năm 2018, dân số toàn tỉnh là 1.529.020 người. Có 31 dân tộc thiểu số, sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 06 huyện (An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát); với 10.621 hộ gia đình, 39.073 người (tỷ lệ 2,56% dân số toàn tỉnh), trong đó chủ yếu là 3 dân tộc: Chăm, Bana, H,rê. Tính từ 2016 đến 2018 tổng ngân sách nhà nước đã bố trí cho các cơ sở y tế vùng dân tộc thiểu số để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đạt 60 tỷ đồng; có 65 viên chức ở vùng dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ đại học và sau đại học. Năm 2018, số giường bệnh kế hoạch/vạn dân của các bệnh viện tại các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số đạt 19,4 (tăng 1,2 giường kế hoạch so với năm 2016). Tính đến cuối năm 2018, có 50/53 xã có dân tộc thiểu số sinh sống được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các huyện miền núi từng bước nâng cao chất lượng các mặt hoạt động, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế để điều trị đa khoa và chăm sóc cơ bản. Các điều kiện phục vụ người bệnh được nâng cao chất lượng như nhà vệ sinh, giường, nệm, màn, quạt, nước uống cho bệnh nhân, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Đồng thời, đảm bảo cung ứng thường xuyên và đủ thuốc có chất lượng đến các cơ sở y tế phục vụ người dân tại vùng dân tộc thiểu số, đi đôi với tăng cường quản lý, tuyên truyền thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản được triển khai động bộ ở tất cả các địa phương trên toàn tỉnh; các chương trình y tế-dân số tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ và có hiệu quả. Tuyến trên đã chỉ đạo để hỗ trợ trực tiếp các trạm y tế miền núi về chuyên môn kỹ thuật, tạo sự phối hợp và gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý. Cán bộ nhân viên y tế không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức, phong cách và thái độ phục vụ... Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát đã đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung cho cuộc giám sát của Sở Y tế. Đánh giá cao sự triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chương trình y tế - dân số tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số như tiêm chủng mở rộng; phòng, chống các dịch bệnh; chăm sóc sức khỏe sinh sản, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em; y tế học đường; vệ sinh môi trường… Các điều kiện phục vụ người bệnh tại các cơ sở y tế vùng dân tộc thiểu số được chú trọng bổ sung và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, Đoàn cũng đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về y tế đối với vùng dân tộc thiểu số như việc hỗ trợ, củng cố trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở vật chất; công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở... Các ý kiến đề xuất kiến nghị sẽ được tổng hợp báo cáo thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và gửi tới các cơ quan có liên quan trong thời gian tới./.
Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật