Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Thứ năm - 14/12/2023 10:20
Chiều ngày 13/12/2023, Sở Y tế Bình Định tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Lãnh đạo Sở; Trưởng, Phó các phòng chuyên môn, Phó Chánh Thanh tra Sở, Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng, tất cả công chức Văn phòng Sở; đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở và các khoa/phòng: Tổ chức cán bộ/Tổ chức - Hành chính, Kế hoạch - Tổng hợp/Kế hoạch Nghiệp vụ, Tài chính kế toán, Dược; đại diện Lãnh đạo Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố và đại diện Lãnh đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị Ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế đã giới thiệu về một số nội dung cơ bản của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 ngày 09 tháng 01 năm 2023. Theo đó Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 gồm 12 Chương và 121 Điều, tăng 3 Chương và 30 Điều so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12. Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Nhiều nội dung mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận hành lang pháp lý quan trọng trong lĩnh vực khám bệnh trên quan điểm “Lấy người bệnh là trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển”. Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cũng đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh trong đó có các tổ chức xã hội nghề nghiệp, xét nghiệm tham gia quy trình xây dựng Luật khám bệnh, chữa bệnh phổ biến giáo dục, đào tạo, tạo kiến thức chuyên môn pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho hội viên tham gia phản biện xã hội về khám bệnh, chữa bệnh và triển khai Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp, huy động nguồn lực xã hội.
Một trong những điểm mới quan trọng về quản lý người hành nghề đó là Luật đã quy định tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện. Đây là một nội dung quan trọng thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và là bước đột phá trong hội nhập Quốc tế, là hoạt động thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo người hành nghề sức khỏe. Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề; quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề. Luật đã bổ sung thêm một số đối tượng bao gồm cấp cứu viên ngoại viện, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng và đối tượng phải cấp giấy phép hành nghề. Luật cũng quy định giấy phép hành nghề là 5 năm. Sau đó phải tiếp tục gia hạn giấy phép sau khi đã có đủ điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục.
Luật cũng quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo; áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Luật đã bổ sung quy định liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động (bao gồm khám bệnh, chữa bệnh tại nhà), khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; chính sách ưu đãi đối với khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận. Bổ sung quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; Điều chỉnh một số nội dung liên quan đến sai sót chuyên môn và thành lập hội đồng chuyên môn giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh.
Đáng chú ý, về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh Luật đã điều chỉnh phân cấp chuyên môn kỹ thuật từ 4 cấp hành chính (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) thành 3 cấp chuyên môn: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ. Quy định việc hỗ trợ cho đào tạo các chuyên ngành cần thu hút gồm tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu…
Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, quy định cụ thể về giá khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Đồng thời cụ thể hóa một số nội dung về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quy định cụ thể trách nhiệm thiết lập và vận hành hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh… Bên cạnh đó, bổ sung một số nội dung về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề...
Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Luật bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hàng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh, đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân. Phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên.
Bên cạnh đó, đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, quy định cụ thể chính sách của Nhà nước trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh: Có chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu. Hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước; tương ứng với mức quy định nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.
Đồng thời, bổ sung một số quy định về tài chính: Bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó Luật khẳng định "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao". Bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được: Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Luật cũng Quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.
Hội nghị cũng đã triển khai các văn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện Trạm Y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Tại Hội nghị, Ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế đã nêu lên vai trò quan trọng của việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 để bổ sung, thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12. Luật đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu rõ từng nội dung của Luật để áp dụng trong công tác khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch và tiếp tục phổ biến các nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm người hành nghề, các tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hiểu đúng, làm đúng theo các quy định pháp luật về Khám bệnh, chữa bệnh...
Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh