Bình Định: Tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 3.

Thứ sáu - 23/07/2021 15:33
Bình Định tiếp tục triển khai kế hoạch về chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đợt 3 này sẽ có 39.450 liều vắc xin được tiêm, thời gian tổ chức tiêm chủng đợt 3 thực hiện từ ngày 23/7/2021 và hoàn thành đợt tiêm chủng trước ngày 15/8/2021; hoàn thành tiêm chủng lần 1, đợt 3 trong tháng 7/2021. Được biết, tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 3 này với mục tiêu trên 95% đối tượng trong diện ưu tiên theo số lượng vắc xin được phân bổ đợt 3 được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong tháng 7/2021 và đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Cán bộ y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 3 cho các đối tượng liên quan trên địa bàn thành phố Quy Nhơn (Ảnh Thu Phương)
Cán bộ y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 3 cho các đối tượng liên quan trên địa bàn thành phố Quy Nhơn (Ảnh Thu Phương)
      Chiến dịch này được triển khai trên quy mô trên toàn tỉnh. Trong đó ưu tiên các huyện, thị xã, thành phố đang có dịch. Căn cứ lượng vắc xin được phân bổ, các đơn vị tổ chức tiêm chủng cho đối tượng ưu tiên, miễn phí theo thứ tự ưu tiên cho đến khi hết số lượng vắc xin được phân bổ. Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau đề tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân. Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng. Huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể bao gồm Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ... hỗ trợ triển khai tiêm chủng.
     Căn cứ số lượng vắc xin phòng COVID-19 được cấp trong đợt 3 là 39.450 liều (33.600 liều Moderna; 5.850 liều Comirnaty). Đối tượng được ưu tiên tiêm chủng đợt 3 này theo thứ tự các nhóm ưu tiên chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19, cụ thể: Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (công lập và tư nhân); Người tham gia phòng chống dịch chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); Lực lượng Quân đội; Lực lượng Công an; Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam; Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước, gas, xăng dầu, vệ sinh môi trường...; Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; Người sinh sống tại các vùng có dịch; Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch,...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế...; cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch; Các chức sắc, chức việc các tôn giáo; Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế.
       Theo đó, đợt này triển khai tiêm chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tiêm chủng (tại các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động). Việc tổ chức tiêm chủng thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm chủng. Đảm bảo quy định về phòng chống dịch COVID-19 tại điểm tiêm chủng. Các huyện, thị xã, thành phố thành lập điểm tiêm chủng lưu động ngoài bệnh viện để tiêm chủng cho các đối tượng trên địa bàn. Điểm tiêm chủng phải đủ rộng, thoáng mát để phân thành các khu vực: Khu vực chờ đợi trước tiêm chủng; Khu vực đón tiếp và làm thủ tục, nhập liệu; Khu vực khám sàng lọc trước tiêm chủng; Khu vực tiêm chủng; Khu vực theo dõi sau tiêm chủng. Bố trí 01 phòng cấp cứu từ 04 - 06 giường được trang bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện cấp cứu,…; chuẩn bị sẵn sàng xe cứu thương được trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu và Tổ cấp cứu ngoại viện (01 bác sĩ, 01 điều dưỡng) để chuyển đối tượng tiêm về Bệnh viện/Trung tâm Y tế khi cần thiết.
       Để tổ chức buổi tiêm chủng đản bảo an toàn, các đơn vị thực hiện theo Công văn số 1734/BYT-DP ngày 17/3/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; Công văn số 4198/BYT-KCB ngày 22/5/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và Công văn số 5488/BYT-KCB ngày 09/7/2021 về việc hướng dẫn đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng 10 COVID-19. Tổ chức khám sàng lọc trước tiêm chủng thực hiện theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế. Các cơ sở tiêm chủng lập danh sách đối tượng tiêm chủng theo nhóm và thứ tự ưu tiên. Trên cơ sở số lượng vắc xin được phân bổ để có kế hoạch tiêm chủng, thông báo cho đối tượng đến điểm tiêm chủng theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch; phải sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong tiêm chủng. Bố trí khu vực chờ trước tiêm chủng, sàng lọc, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng 30 phút đảm bảo thông thoáng, đủ ghế ngồi và giữ khoảng cách giữa các đối tượng được tiêm chủng, nhân viên y tế tham gia công tác tiêm chủng. Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc một chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng để phòng chống dịch theo thứ tự như sau: Bàn đón tiếp, hướng dẫn→ Khu vực chờ trước tiêm chủng → Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bàn tiêm chủng → Bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng → Khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng. Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao cho tiêm chủng, biểu mẫu tiêm chủng. Chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để xử trí cấp cứu trong trường hợp cần thiết. Đối với, nhân viên tham gia tiêm chủng phải được tập huấn về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19; thực hiện theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhân viên tham gia tiêm chủng và người đến tiêm chủng, người nhà phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân như: đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với người khác tại điểm tiêm chủng. Bên cạnh đó, tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng. Thông báo cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, liều lượng, đường dùng của loại vắc xin được tiêm chủng. Tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Sau khi tiêm chủng phải theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu tiên và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo Sở Y tế trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến…
      Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố tổ chức các Tổ cấp cứu tại đơn vị mình. Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn dự phòng tối thiểu 05 giường/bệnh viện để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến năng sau tiêm chủng. Thực hiện 5K, giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm tiêm chủng. Phương án xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng. Thực hiện xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo các Hướng dẫn chuyên môn (Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-BYT ngày 22/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế) và Công văn số 4198/BYT-KCB ngày 22/5/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Các điểm tiêm chủng phải chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, phương tiện cấp cứu phản vệ theo quy định tại Thông tư số 51/2017/TT-BYT; phân 14 công nhân viên có kinh nghiệm trực tiếp theo dõi và xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng để xử trí ngay tại chỗ các trường hợp phản ứng nặng (nếu có). Các cơ sở tiêm chủng, TTYT tuyến huyện thực hiện báo cáo hàng ngày và báo cáo kết thúc chiến dịch về tình hình tiếp nhận vắc xin, sử dụng vắc xin cùng với báo cáo kết quả tiêm chủng. Sử dụng Hồ sơ sức khỏe của Bộ Y tế để thực hiện báo cáo…
Hình 2 bài viết tiêm vắc xin đợt 3
Quang cảnh buổi  tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 3 tại Nhà thi đấu đa năng của Trường Đại học Quy Nhơn (Ảnh Thu Phương)
       Ngoài ra, công tác truyền thông phải kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng về chiến dịch tiêm chủng, vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt mình, các thông điệp, khuyến cáo tiêm chủng an toàn, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, kêu gọi người dân ủng hộ chiến dịch và Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam; thông qua các bài viết, phóng sự, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, chương trình truyền hình, phát thanh... Phối hợp các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức truyền thông mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả về hoạt động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Xây dựng các thông điệp, khuyến cáo, tài liệu truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; cung cấp trên Kho dữ liệu điện tử tài liệu truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để các địa phương sử dụng truyền thông đến người dân đi tiêm chủng. Thực hiện Chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; tổ chức các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông ứng dụng Internet về Chiến dịch. Thông báo rộng rãi Đường dây nóng của Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các địa phương để cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời cho người dân về tiêm chủng vắc xin phòng COVID19. Truyền thông về các tấm gương điển hình trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Thời gian thực hiện truyền thông được thực hiện liên tục trong quá trình tổ chức tiêm chủng…
       Lãnh đạo ngành Y tế cho biết: Quan điểm tổ chức tiêm vắc xin phải đúng đối tượng, nhanh, an toàn tuyệt đối. Để đảm bảo an toàn, có thể ở mỗi điểm tiêm vắc xin, địa phương bố trí điểm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (có trả phí) cho người có nhu cầu và trường hợp khám sàng lọc có yếu tố nghi ngờ. Để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng lần này, tất cả các địa phương đã sẵn sàng triển khai, ở một số địa phương như tại thị xã Hoài Nhơn đã triển khai 2 điểm tiêm ở Nhà thi đấu đa năng của thị xã (phường Bồng Sơn) và hội trường UBND phường Tam Quan, cùng 01 điểm dự phòng ở hội trường UBND phường Tam Quan Bắc. Đồng thời, tổ chức tiêm cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, người làm việc thường xuyên ở cảng cá, các đơn vị tiếp xúc nhiều với người dân và doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ ưu tiên tiêm trước cho nhóm thủ kho, tài xế vận tải hàng hóa… Huyện Hoài Ân bố trí điểm tiêm vắc xin tại Nhà thi đấu đa năng của huyện, vắc xin tiếp tục tiêm cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, những người thường xuyên di chuyển, tiếp xúc nhiều người như lái xe tải đường dài. Theo đặc thù của địa phương, huyện cũng lên danh sách tiêm cho nhóm tài xế vận chuyển gia súc, gia cầm, nông sản… Huyện Tây Sơn cũng đã chuẩn bị các điểm tiêm vắc xin tại nhà văn hóa xã Tây Giang, xã Bình Tường và thị trấn Phú Phong. Ở các điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, các địa phương đã phối hợp với các cơ sở y tế chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí khu vực khám sàng lọc, ngồi chờ, bàn tiêm, phòng theo dõi sau tiêm… đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và phòng, chống dịch./. 
  

Tác giả bài viết: Thùy Vy – Thu Phương - Trung tâm kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay5,309
  • Tháng hiện tại178,108
  • Tổng lượt truy cập52,796,449
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây