Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 672/BYT-DP ngày 17/02/2017 của Bộ Y tế về việc phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người; chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định về việc tăng cường các giải pháp thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế ban hành Công văn số 287/SYT-NVY ngày 23/02/2017 về việctăng cường thực hiện các giải pháp công tác phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người gửi cho các đơn vị y tế trực thuộc.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương nghiêm túc triển khai thực hiện việc tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn ngừa cúm gia cầm lây sang người. Tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm hoặc các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm hoặc các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời để hạn chế các biến chứng, tử vong.
Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị dự phòng kiện toàn lại bộ máy phòng, chống dịch thuộc đơn vị và xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, trang thiết bị để phòng, chống dịch tại cộng đồng; đối với các cơ sở điều trị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để tiếp nhận, cách ly, điều trị người bệnh. Cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, lưu ý đối vời các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh theo quy định và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch. Tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế các tuyến về chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm và giám sát, phòng chống bệnh cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) ở người. Đồng thời thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
Đối với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Sở Y tế yêu cầu tăng cường thực hiện công tác kiểm dịch y tế, tổ chức giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống; tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y để kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm tại địa phương nhằm chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh về việc tổ chức triển khai công tác tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm năm 2017 và tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh cũng như Công văn số 284/SYT-NVY ngày 22/02/2017 của Sở Y tế về việc phối hợp với cơ sở thú y tuyên truyền, giám sát dịch tễ phòng, chống dịch bệnh động vật./.
Tác giả bài viết: Thu Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn