Theo bác sĩ Đinh Văn Thông, Phó trưởng Khoa khám - cấp cứu - chỉ đạo tuyến Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi, những năm gần đây số bệnh nhân đến khám tại BV được chẩn đoán COPD có chiều hướng tăng mạnh. Hiện số lượng bệnh nhân điều trị COPD chỉ ít hơn bệnh nhân lao. Bệnh thường phát hiện ở những người trên 40 tuổi, chủ yếu là nam giới. Trước khi đến khám tại BV Lao và Bệnh phổi, họ đã tự đến một số cơ sở y tế khác, không đúng chuyên ngành nên điều trị không đúng phác đồ, khi phát hiện ra bệnh thì đã ở giai đoạn nặng.
COPD có thể dẫn đến suy tim, hoặc gây đau nhức đầu do thiếu oxy cung cấp cho não. Hiện nay, các liệu pháp điều trị COPD chỉ giúp bệnh nhân qua khỏi cơn khó thở, chứ không giúp hồi phục hoàn toàn. Tình trạng bệnh thường nặng thêm theo thời gian, bởi các chức năng ở phế quản, phổi đã suy giảm nhiều. Ngoài việc sử dụng thuốc, các bác sĩ còn hướng dẫn cách để bệnh nhân tập luyện, nhằm tăng các chức năng hô hấp.
Theo bác sĩ Đỗ Phúc Thanh, bệnh nhân COPD thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có những biến chứng nên việc can thiệp ít mang lại hiệu quả và là gánh nặng về y tế và kinh tế cho gia đình bệnh nhân và xã hội. Do đó, điều đầu tiên mọi người cần làm, kể cả khi chưa phát hiện mắc COPD cần bỏ thuốc lá ngay lập tức. Khám sức khỏe và đo chức năng hô hấp định kỳ cho các đối tượng có triệu chứng ho, khạc đờm mạn tính hoặc không có triệu chứng nhưng có tiền sử tiếp xúc yếu tố nguy cơ để phát hiện và điều trị sớm COPD. Cần triển khai các mô hình CLB về COPD trên địa bàn tỉnh và giáo dục sức khỏe trên thông tin đại chúng để giúp cộng đồng biết về COPD. Các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng cần triển khai nghiêm Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tác giả bài viết: Thúy Vi & Thu Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn