Bình Định: Tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình ATTP năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 và phát động “ Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019

Thứ tư - 17/04/2019 03:32
Thực hiện Kế hoạch số 210/KH-BCĐTƯATTP ngày 04/3/2019 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm  triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019; Quyết định số 898/QĐ-UBND ngày 20/3/2019 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bình Định, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh (gọi tắt là Ban chỉ đạo tỉnh) đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tháng hành động diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5/2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
.
.
      Sáng ngày 16/4/2019, Ban chỉ đạo tỉnh đã tổ chức Tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 và phát động “ Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019.
      Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh; đại diện Lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc các sở, ngành liên quan; các cơ quan thông tin đại chúng đóng trên địa bàn tỉnh; Lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
      Tại Hội nghị, thay mặt Ban chỉ đạo tỉnh, Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm ATTP năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện công tác bảo đảm ATTP năm 2019 của tỉnh Bình Định. Công tác ATTP luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh. Các đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý chất lượng ATTP; tuyên truyền thực hiện đúng các quy định trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động, Tết Trung thu, lễ hội…; các hội, đoàn thể đã tích cực vận động hội viên tham gia các hoạt động bảo đảm ATTP và thực hiện đúng quy định của pháp luật về ATTP do các đơn vị, địa phương tổ chức; 
      Ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã tổ chức được 222 lớp và cấp 9.819 giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho các đối tượng là chủ cơ sở, người quản lý, người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (trong đó: ngành Y tế tổ chức 158 lớp với 6.544 người, ngành Nông nghiệp tổ chức 53 lớp với 2.515 người, ngành Công Thương tổ chức 11 lớp với 760 người). Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức như: nói chuyện chuyên đề (701buổi/24.748 người); hội nghị, hội thảo, tập huấn, giám sát chuyên môn (34 lớp/1.903 người); tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã (11.308 lượt); treo băng rôn, áp phích, cấp phát tờ rơi (33.635 tờ); pano (10 cái); cấp, phát băng đĩa (726 cái); tạp chí ATTP (1.000 cuốn). Ngoài ra, Sở Y tế đã phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tổ chức lớp tập huấn cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm cho trên 30 học viên; phối hợp với Trường Đại học Y Dược Thái Bình và Cục An toàn thực phẩm tổ chức Khóa đào tạo chứng chỉ quản lý ATTP cho 52 cán bộ tuyến tỉnh và huyện làm công tác quản lý ATTP.
      Trong năm 2018, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương tiếp tục triển khai công tác cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở thực phẩm theo phân công và phân cấp quản lý, kết quả cả tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 324 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống; 137 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và 219 tàu cá công suất trên 90 CV. Trong đó, theo quy định và theo phân cấp của Bộ Y tế, Sở Y tế đã triển khai hướng dẫn quản lý ATTP thống nhất đối với loại hình các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên toàn tỉnh. Số cơ sở ngành Y tế hiện đang quản lý: 6.478 cơ sở (tuyến tỉnh 639 cơ sở, tuyến huyện 1.686 cơ sở, tuyến xã 4.153 cơ sở). Trong năm 2018, đã cấp mới 311 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (tuyến tỉnh 168 cơ sở; tuyến huyện 143 cơ sở), lũy cấp 1.739/2.325 cơ sở, chiếm tỉ lệ 74,8% (tuyến tỉnh 593/639 cơ sở, tỉ lệ 92,8%; tuyến huyện 1.146/1.686 cơ sở, tỉ lệ 68%); đã cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/xác nhận công bố phù hợp quy định về ATTP cho 61 sản phẩm. Ngoài ra, từ ngày 02/02/2018 đến nay, Sở Y tế đã cấp 07 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, 02 giấy xác nhận nội dung quảng cáo và tiếp nhận 280 bản tự công bố của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
     Đối với công tác thanh tra, kiểm tra ATTP năm 2018 Sở Y tế được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu… trên địa bàn tỉnh. Các đoàn liên ngành đã thanh, kiểm tra 6.371 lượt cơ sở, bao gồm tất cả các nhóm đối tượng, được xác định tùy theo nội dung cụ thể của từng đợt kiểm tra; đã phát hiện 542 cơ sở vi phạm, chiếm 8,5% trên tổng số cơ sở được thanh, kiểm tra (trong đó, có 120 cơ sở vi phạm bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền với số tiền phạt là 350.400.000 đồng, số còn lại chủ yếu là cảnh cáo, nhắc nhở). Các sở, ngành đã tổ chức thanh, kiểm tra chuyên ngành 1.030 cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh (trong đó, ngành Y tế 441 cơ sở, ngành Nông nghiệp 432 cơ sở, ngành Công Thương 157 cơ sở). Phần lớn các cơ sở thực hiện tốt các quy định về ATTP,  tuy nhiên, vẫn còn 208 cơ sở không đạt yêu cầu (Y tế 61 cơ sở, Nông nghiệp 100 cơ sở, Công Thương 47 cơ sở), đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 668.000.000 đồng.
      Bên cạnh đó, Sở Y tế đã triển khai thực hiện Kế hoạch Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm với tổng số mẫu giám sát là 3.221 mẫu (trong đó, xét nghiệm tại labo 111 mẫu, xét nghiệm nhanh 3.110 mẫu), số mẫu không đạt là 167 mẫu (tỉ lệ 5,2%). Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP đã tiến hành lấy 33 mẫu sản phẩm nước uống đóng chai và 01 mẫu nước đá dùng liền của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh để kiểm nghiệm một số chỉ tiêu vi sinh, kết quả có 25 mẫu (24 mẫu nước uống đóng chai và 01 mẫu nước đá dùng liền) có các chỉ tiêu được kiểm nghiệm đạt, 08 mẫu có kết quả chỉ tiêu Coliform không đạt và 01 mẫu có kết quả chỉ tiêu Coliform và E.coli không đạt. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tăng cường công tác lấy mẫu giám sát, trong năm 2018 đã lấy 2.275 mẫu, tăng 80,4% so với năm 2017, kết quả có 32 mẫu vi phạm (chiếm 1,4%), qua đó phản ánh một phần mức độ tuân thủ các quy định của nhà nước trong việc sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản...trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản... 
      Trong năm 2018, Sở Y tế đã triển khai công tác giám sát ATTP tại các sự kiện, lễ hội quan trọng của tỉnh khi có yêu cầu và đã không xảy ra sự cố về ATTP trong các sự kiện, lễ hội được tổ chức. Tuy nhiên, trong năm 2018, đã xảy ra 03 vụ NĐTP, với 11 người mắc, trong đó có một người bị tử vong do ăn phải Ốc bùn răng cưa mà gia đình tự đánh bắt tại vùng biển xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn. Ngoài ra, ngày 16/11/2018 có 201 công nhân của Công ty Cổ phần Đầu tư An Phát, huyện Hoài Nhơn được phát hiện dị ứng với cá ngừ sau khi dùng bữa trưa tại bếp ăn tập thể. 
      Sở Y tế cũng đã triển khai công tác triển khai thực hiện mô hình điểm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với loại hình thức ăn đường phố trong năm 2018. Có 8/11 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện với tổng số 11 mô hình (tại 02 phường, 05 thị trấn và 04 xã). Công tác tuyên truyền, hướng dẫn kết hợp kiểm tra, giám sát các quy định của pháp luật về ATTP được đẩy mạnh, tăng cường, nhờ đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hành của phần lớn cơ sở, về cơ bản đạt được trên 85% các tiêu chí đề ra và không có vụ NĐTP do thức ăn đường phố xảy ra trên địa bàn xã, phường, thị trấn trong thời gian triển khai mô hình điểm.
      “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 được diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh với chủ đề: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Mục tiêu của Tháng hành động là tăng cường công tác giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các địa phương trọng điểm. Nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giảm thiểu ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
      Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019, sẽ thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, chuyên ngành để thanh, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ở các địa bàn trọng điểm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đảm bảo an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến, tăng cường nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật; phổ biến, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng…
      Cũng tại Hội nghị, các đại biểu được nghe một số tham luận của lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, các hội, đoàn thể, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về công tác giám sát và xử lý vi phạm tồn dư kháng sinh cấm và các chất độc hại trong sản phẩm nông lâm thủy sản; kết quả triển khai thực hiện xây dựng chợ mô hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại Quy Nhơn; công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại về thực phẩm trên địa bàn tỉnh; các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua và sử dụng phải thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo ATTP; công tác tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ về sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn; công tác bảo đảm ATTP trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng; công tác bảo đảm ATTP tại các khu du lịch, lễ hội; công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh…
       Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh: ”Với sự nỗ lực, cố gắng chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ về công tác bảo đảm ATTP hiện nay trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có một số tồn tại, đó là: việc tuyên truyền nhận thức cho người dân đặc biệt ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiệu quả chưa cao; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng vì lợi nhuận đã mua hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tuy có nhiều cố gắng nhưng trong công tác phối hợp các ngành chức năng, các địa phương còn nhiều lỗ hổng, chưa đồng bộ; công tác kiểm tra liên ngành chưa thống nhất, việc xử lý vi phạm ATTP của các đoàn thanh, kiểm tra còn nhiều hạn chế, còn có sự chồng chéo giữa các đoàn thanh, kiểm tra nên gây phiền hà cho cơ sở sản xuất, kinh doanh; cần tăng cường việc đào tạo, tập huấn hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra đúng theo chức năng nhiệm vụ, quy định của nhà nước...”.
      Chính vì vậy, để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, của các cơ quan quản lý nhà nước và của cả cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP; để hạn chế thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền từ thực phẩm trong năm 2019, đặc biệt là trong dịp lễ hội; để triển khai có hiệu quả và thực hiện tốt các mục tiêu “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019, Ông Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu:” UBND các cấp, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm sau:
      Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo ATTP theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; 
      Hai là, các Sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, UBND cấp huyện thực hiện quản lý ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn theo phân công, phân cấp của các Bộ chủ quản và của UBND tỉnh; 
      Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP đối với người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm; 
      Bốn là, các cơ quan thông tin đại chúng, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và không sử dụng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 
      Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm sản phẩm thực phẩm và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP đặc biệt ở các bếp ăn tập thể các trường học, khu công nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, hàng quán trước trường học, khu du lịch, khu công nghiệp và công khai các cơ sở vi phạm theo quy định. 
      Đồng thời, đề nghị các tổ chức, các hội đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh phối hợp, hỗ trợ tuyên truyền, giám sát việc thực hiện bảo đảm ATTP nói chung và các hoạt động của “Tháng hành động” nói riêng, nhằm mang lại những kết quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về công tác quản lý, đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh./.

Một số hình ảnh Hội nghị:


 
 
 

Tác giả bài viết: Thùy Vy - Khoa TT-GDSK

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay8,056
  • Tháng hiện tại512,768
  • Tổng lượt truy cập53,423,711
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây