Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng dịp khai trường
Thứ hai - 09/09/2019 09:20
Sở Y tế Bình Định vừa ban hành Công văn số 2354/SYT-NVY ngày 04/ 9/2019 yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) dịp khai trường.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường chỉ đạo, giám sát, phát hiện sớm, khống chế xử lý triệt để ổ dịch và dập tắt dịch; chỉ đạo, hỗ trợ và hướng dẫn chuyên môn cho Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác chuyên môn phòng chống dịch bệnh TCM;
Tăng cường thực hiện các hoạt động truyền thông về các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh TCM bằng nhiều hình thức và theo khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống bệnh TCM; chú ý đến các nhóm đối tượng đích là bà mẹ, người chăm sóc trẻ tại các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể tại địa phương; triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; tuyên truyền việc thực hiện ăn chín, uống chín, ở sạch, bàn tay sạch và sử dụng đồ chơi sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; xây dựng và phân phối tranh ảnh, tờ rơi tuyên truyền về biện pháp phòng chống bệnh TCM nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh TCM cho cộng đồng. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh tập huấn về công tác giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh TCM cho tuyến huyện; cung cấp tài liệu chuyên môn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho TTYT các huyện, thị xã trong công tác khử trùng, vệ sinh tại các trường học nhất là việc sử dụng hóa chất cloramin B theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất, kịp thời hỗ trợ cho tuyến dưới khi có dịch xảy ra.
Đối với TTYT các huyện, thị xã, thành phố, Sở Y tế yêu cầu cần chủ động tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các ban ngành đoàn thể tăng cường tuyên truyền, thực hành các biện pháp phòng, chống bệnh TCM. Đồng thời, phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo tại địa phương tăng cường thực hiện công tác giám sát dịch bệnh, giám sát điều kiện vệ sinh, môi trường, phòng học tại các trường học đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình; các cơ sở giáo dục yêu cầu có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; ngay từ đầu năm học tổ thức vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; cho trẻ mắc bệnh nghỉ học ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước; kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền tại địa phương chỉ đạo xử lý dịch tại các trường học/nhà trẻ, mẫu giáo có số mắc tăng cao.
Ngoài ra, cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tuyên truyền các biện pháp vệ sinh phòng bệnh TCM đặc biệt chú trọng đối tượng nguy cơ mắc bệnh TCM, nguồn truyền, đường truyền, các triệu chứng chính, các dấu hiệu chuyển bệnh nặng, các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh đồ dùng sinh hoạt, nhà cửa bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; tăng cường các hoạt động truyền thông hướng dẫn bố mẹ, người chăm sóc trẻ khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất; tổ chức khám, cách ly, điều trị bệnh nhân TCM đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phân loại đúng và chuyển tuyến kịp thời các ca bệnh nặng, không để xảy ra trường hợp tử vong do bệnh TCM; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch; sẵn sàng triển khai xử lý khi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh; hỗ trợ tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh và xử lý dịch theo quy định.
Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh – Phần mở rộng tổ chức khám, cách ly, điều trị bệnh nhân TCM đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phân loại đúng và chuyển tuyến kịp thời các ca bệnh nặng, không để xảy ra trường hợp tử vong do bệnh TCM; đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân; ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết; chú trọng công tác tập huấn, đào tạo, tự đào tạo về TCM cho các nhân viên y tế được phân công khám, điều trị TCM để kịp thời phát hiện, phân loại, cấp cứu, điều trị, phân tuyến, chuyển viện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế./.
Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh