Ngành Y tế Bình Định phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 - 2025
Thứ sáu - 23/08/2019 08:17
Thực hiện Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 02/8/2019 của UBND tỉnh Bình Định về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Công chức, viên chức tỉnh Bình Định thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025; Sở Y tế Bình Định xây dựng Kế hoạch số 65/KH-SYT ngày 14/8/2019 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Công chức, viên chức ngành Y tế thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025 (gọi tắt là Phong trào thi đua).
Mục đích của phong trào thi đua là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức, lao động; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức, viên chức, lao động gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, thân thiện; gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động của đơn vị, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo đó, đối với tập thể thực hiện việc: “Thi đua xây dựng đơn vị văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp” theo các tiêu chuẩn cụ thể: xây dựng, ban hành các quy định, nội quy, quy chế của đơn vị về văn hóa công sở; thực hiện đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc tại đơn vị; thực hiện việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị; xây dựng và giữ gìn đơn vị văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp; tổ chức các Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, bám sát các nhiệm vụ chính trị của đơn vị để thu hút, tập hợp sự tham gia của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…
Đối với cá nhân thực hiện việc “Thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp”cụ thể: thực hiện chấp hành nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm; thực hiện chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử; phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân; thực hiện “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ); thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức, lối sống; trang phục gọn gàng, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc; giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; không có biểu hiện cơ hội, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao; phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia các Phong trào thi đua yêu nước do cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức phát động, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị...
Trong thời gian đến, Sở Y tế phối hợp Công đoàn Ngành chỉ đạo Công đoàn cơ sở cùng với chính quyền tổ chức thực hiện Phong trào thi đua rộng rãi, thiết thực và hiệu quả trong toàn Ngành. Việc thực hiện Phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, triển khai thường xuyên, sâu rộng trong toàn ngành với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể phù hợp các quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của từng đơn vị.
Đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu đơn vị trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Phong trào thi đua, có đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết tổng kết kịp thời phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tỉên tiến, gương người tốt, việc tốt, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong Phong trào thi đua...tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp, quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua. Kết quả triển khai tổ chức thực hiện Phong trào thi đua là một tiêu chí để đánh giá thi đua và xem xét khen thưởng hàng năm cho các tập thể, cá nhân./.
Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh