Kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.1955-27.2.2021: NHỮNG CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG – LẶNG THẦM CHỐNG DỊCH COVID-19
Thứ bảy - 27/02/2021 22:17
Cách đây 66 năm, vào ngày 27.02.1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị y tế toàn quốc với những lời dạy quý báu: “Lương y phải như Từ mẫu”; kể từ đó ngày 27.02 hàng năm được chọn là ngày Thầy thuốc Việt Nam - ngày toàn xã hội tôn vinh những đóng góp, cống hiến, sự hy sinh thầm lặng của các thầy thuốc trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây cũng là dịp những chiến sỹ áo trắng nhìn nhận, đánh giá lại hoạt động của mình, nhằm nỗ lực phấn đấu hơn nữa, xứng đáng với niềm tin yêu và lòng kính trọng của xã hội đối với một nghề cao quý - Nghề thầy thuốc. Trong suốt những năm qua, các thế hệ Thầy thuốc Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đặc biệt, từ đầu năm 2021, ngành Y tế Bình Định đã nỗ lực “gồng mình” với cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Có thể nói, trong những ngày qua, nhân viên y tế làm nhiệm vụ chống dịch vẫn luôn tự hào với sứ mệnh được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là những chiến sĩ áo trắng. Họ luôn là những chiến sĩ áo trắng trên trận chiến chống lại dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 hiện nay. Với họ, từ khi dịch quay trở lại vào thời điểm gần tết, trong khi mọi người, mọi nhà chuẩn bị đón tết, thì nhân viên y tế lại phải đương đầu với dịch bệnh COVID-19. Họ tạm gác nỗi niềm riêng tư, công việc gia đình, tập trung chống dịch. Họ là những người trực chiến tại các chốt kiểm tra y tế như chốt tại Cảng Hàng không Phù Cát, Cảng biển Quy Nhơn, ga Diêu Trì, ga Bồng Sơn; Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn, Quốc lộ 1D Quy Nhơn - Sông Cầu, Quốc lộ 19 trên địa bàn huyện Tây Sơn giáp tỉnh Gia Lai… Ngay từ khi xuất hiện làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 3 này, bắt đầu từ cuối tháng 01.2021, là ngày cả nước quyết liệt chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” - Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện trở lại tại Việt Nam. Và đó cũng là những ngày, đội ngũ chiến sĩ áo trắng sẵn sàng với cuộc chiến chống dịch âm thầm, lặng lẽ và đầy trách nhiệm. Đối mặt với những nguy cơ cao từ dịch bệnh để bảo vệ sự bình an, bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng. Với họ, niềm vui lớn nhất, đó là những ca bệnh nghi ngờ đều âm tính với SARS-CoV-2. Và đến thời điểm này, Bình Định vẫn chưa có ca mắc COVID-19. Đây là tín hiệu rất vui mừng. Để đảm bảo công tác chống dịch an toàn, Khoa Vi sinh - Bệnh viện Đa koa tỉnh làm việc với tốc độ nhanh và chính xác các kết quả xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2. Quy mô xét nghiệm có thể đáp ứng trung bình 150 mẫu/ngày. Vào những ngày cao điểm, Khoa đã làm xét nghiệm 198 mẫu/ngày. Vào thời điểm đó, Khoa Vi sinh đã dốc toàn lực, huy động lực lượng nhân viên y tế của khoa để làm nhiệm vụ xét nghiệm và cho kết quả nhanh vào sáng hôm sau. Khi mà chiều hôm trước các đơn vị y tế của tỉnh và huyện, thị xã, thành phố gửi mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 về khoa. Nhất là những ngày giáp tết số lượng mẫu tăng cao, hầu như ngày nào cũng 157 mẫu/ngày; 165 mẫu/ngày trở lên; riêng ngày 09.02.2021 có đến 182 mẫu. Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hồ Tình - Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã chia sẻ: “Điều may mắn đến giờ này cho Bình Định chúng ta là chưa có trường hợp nào nhiễm COVID-19, tuy nhiên làn sóng thứ 3 này, tỉnh Gia Lai có ca bệnh lại ngay sát tỉnh Bình Định thì đây là áp lực rất lớn đối vối ngành Y tế, trong đó bộ phận xét nghiệm cũng là một áp lực lớn để kịp thời cho kết quả sớm nhất. Tại Khoa vi sinh lực lượng xét nghiệm trẻ đa số có con nhỏ. Họ sẵn sàng phục vụ chống dịch, tạm gác việc gia đình, gửi con nhỏ về cho ông bà nội ngoại chăm nôm để chạy đua với thời gian, vì phải làm việc xuyên đêm để có kết quả xét nghiệm sớm nhất, kịp thời báo cáo lãnh đạo”. Vì là đợt dịch này rơi vào dịp tết, Khoa đã đảm bảo lực lượng làm công tác xét nghiệm kịp thời và nhanh nhất. Những kỹ thuật viên xét nghiệm làm việc trong phòng xét nghiệm suốt 4-5 tiếng đồng hồ trong phòng xét nghiệm. Vả lại họ còn phải “gồng mình” trong trang phục bảo hộ y tế. Khi thực hiện nhiệm vụ ghi hình, chúng tôi thử có dịp được mặc bộ trang phục chống dịch chỉ vỏn vẹn 1 tiếng đồng hồ mà người đã ước đẫm mồ hồi, nói chi những nữ kỹ thuật viên xét nghiệm phải sử dụng nhiều giờ liền trong phòng thí nghiệm. Chúng tôi thật sự cảm kích trước những vất vả, khó khăn mà những nhân viên y tế làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19. Với họ ngày đêm làm việc trong phòng xét nghiệm với nhiệm vụ đặc biệt và nhiều rủi ro, đầy áp lực trước số lượng mẫu xét nghiệm nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2. Sau nhiều giờ đồng hồ xét nghiệm cho kết quả âm tính là dường như nỗi vui mừng không gì tả xiết đối với nhân viên y tế. Họ mừng là tỉnh ta không có ca nhiễm.
Đối mặt với những nguy cơ cao về dịch COVID-19, đội ngũ kỹ thuật viên lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ SARS-CoV-2, luôn trong tư thế sẵn sàng, bất kể ngày đêm. Khi có trường hợp nghi ngờ, từ vùng dịch về, kỹ thuật viên xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố ngay lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Bác sĩ Lê Văn Chiến, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật – Trung tâm y tế thành phố Quy Nhơn, cho biết: “Toàn Khoa có tổng số 30 nhân viên y tế. Đợt dịch này, phân công phụ trách địa bàn cho từng nhóm điều tra, truy vết; bộ phận xét nghiệm thì có 02 kỹ thuật viên của khoa, Trung tâm Y tế tăng cường thêm 02 kỹ thuật viên. Áp lực lớn nhất là ngày 11.2.2021 (tức ngày 30 Tết âm lịch), nhân viên xét nghiệm đã tất bật cả ngày đêm để lấy 96 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp nghi ngờ tại các phường, xã và kịp thời gửi mẫu về cho Khoa Vi sinh - BVĐK tỉnh, là ngày mà số lượng mẫu nhiều nhất từ trước đến nay. Chỉ sợ nhất là bị ốm, vì các nhân viên phải làm quần quật suốt ngày, đêm. Có 4 nhân viên xét nghiệm thay phiên đi, mỗi lần như thế là 01 nhân viên xét nghiệm, trung bình 20-30 mẫu/ngày”. Để có được những mẫu bệnh phẩm chuyển về phòng xét nghiệm tìm vi rút SARS-CoV-2. Việc lấy mẫu vô cùng vất vả, nguy cơ phơi nhiễm luôn rình rập đối với những kỹ thuật viên xét nghiệm.
Để góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân trước, trong, sau tết và thành công lớn nhất đến thời điểm hiện nay, tỉnh ta chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19, phải kể đến đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chống dịch tại các chốt kiểm tra y tế. Với họ, những ngày không quên – không ngủ.Liên tục nhiều giờ liền ròng rã với nhiệm vụ đo thân nhiệt cho tất cả những người qua chốt và hướng dẫn khai báo y tế. Với lượng người đông, ồ ạt, không hề đơn giản. Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh luôn tìm ẩn, rình rập với những chiến sĩ áo trắng khi phải tiếp xúc với nhiều người từ vùng dịch. Tại chốt kiểm tra y tế Quốc lộ 19 trên địa bàn huyện Tây Sơn giáp tỉnh Gia Lai. Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 quay trở lại, chốt đã được thành lập gồm 55 cán bộ, nhân viên các ngành gồm lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh (03người); Trung tâm Y tế huyện (16 người); Ban Chỉ huy Quân sự huyện (05 người); Công an huyện (09 người); Đoàn viên thanh niên thuộc Huyện đoàn Tây Sơn(17 người); UBND xã Tây Thuận 05 người (trong đó có 03 dân quân xã). Với nhiệm vụ kiểm tra các phương tiện và người từ vùng có dịch về tỉnh Bình Định theo tuyến Quốc lộ 19. Theo ghi nhận, tính đến nay, chốt kiểm tra y tế Quốc lộ 19, tiếp nhận hơn 2.000 lượt/ngày người từ Gia Lai đi qua chốt kiểm tra y tế. Những ngày cao điểm 28, 29 và 30 tết có khoảng 5.000 lượt/ngày qua chốt.
Để có được những kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đến thời điểm này, là công sức của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân. Đặc biệt là chiến công thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng ở các cơ sở y tế nơi tuyến đầu chống dịch. “Với sự quyết tâm, quyết liệt của toàn ngành Y tế và sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong toàn tỉnh.Đặc biệt là sự đồng lòng ủng hộ của người dân trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh đi về tỉnh, và các biện pháp chống dịch đã triển khai rất quyết liệt kể cả trong dịp tết khi số lượng người từ các vùng dịch về địa phương rất nhiều, chưa bao giờ chúng ta đưa con số cách ly tại nhà lên gần 10 nghìn người vào cùng một thời điểm. Số cách ly tập trung trên gần 500 người bố trí tại 5 khu cách ly. Số cách ly tập trung tại bệnh viện cũng tăng lên trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của tất cả lực lượng tham gia phòng chống dịch với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành. Đến nay, tình hình dịch bệnh kiểm soát khá tốt là với những tín hiệu đáng mừng về tình hình dịch bệnh tại các ổ dịch như Hải Dương, Quảng Ninh, đặc biệt với những điểm đã gỡ phong tỏa như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai đã có những dấu hiệu tích cực và khả quan. Trong thời gian đến, công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện đảm bảo an toàn, hiệu quả đưa hoạt động kinh tế văn hóa, xã hội của tỉnh về trạng thái bình thường, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội cũng như song song với phòng chống dịch trong thời gian tới”, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế đã chia sẻ.
Những chiến sĩ áo trắng đã không quản ngại gian khổ, hy sinh để ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thời gian qua, ngành Y tế Bình Định đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao, đặc biệt đã đóng góp rất nhiều công sức cho công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh nhà, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân./.
Tác giả bài viết: Thu Hiền (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)