Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh Bình Định về An toàn thực phẩm triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023: Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Thứ sáu - 14/04/2023 20:38
Ngày 14/4/2023, tại Sở Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh Bình Định về an toàn thực phẩm tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Sở Y tế có các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh và Tổ giúp việc tham dự. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 11 điểm cầu các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố có sự tham dự của các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành cấp huyện và Tổ giúp việc.
Hội nghị đã triển khai Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh thực hiện Chi thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Định và Quyết định 964/QĐ-UBND ngày 31/3/2023 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Với chủ đề: Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, tháng hành động diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5; Mục tiêu của tháng hành động là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP. Bên cạnh đó đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch truyền thông, huy động các cơ quan thông tin đại chúng tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP. Qua đó biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp quy định của pháp luật trên địa bàn. Đồng thời cảnh báo đến người tiêu dùng những tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Hiểu đúng, tìm hiểu kỹ các thông tin về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Tại Hội nghị các ngành, địa phương đã báo cáo các tham luận về kết quả quản lý bảo đảm ATTP trong thời gian qua và tăng cường các giải pháp bảo đảm ATTP trong thời gian đến theo chức năng nhiệm vụ của các ngành và của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh./.