Viêm da cơ địa là khi da mất dần độ ẩm, người bệnh thường có cảm giác ngứa, dẫn đến gãi làm da trầy xước và tổn thương nhiều lên. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng lại hay tái phát, khó chữa dứt điểm, gây nhiều phiền toái cho người bệnh, nhất là khi thời tiết chuyển mùa.
Viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm thể tạng, chàm cơ địa, là một bệnh da thường gặp. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường hay gặp nhất là ở trẻ em dưới 2 tuổi. Viêm da cơ địa không phải là một bệnh nghiêm trọng, nhưng tiến triển dai dẳng hay tái phát, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Bệnh viêm da cơ địa luôn có liên quan tới một cơ địa dị ứng (tiền sử bị các bệnh dị ứng như hen phế quản, mề đay, viêm da tiếp xúc, dị ứng thức ăn…).
Ai cũng có thể mắc viêm da cơ địa.
- Đối với trẻ dưới 2 tuổi: Viêm da cơ địa ở trẻ mắc bệnh từ 3 tháng, trung bình từ 8 tháng cho tới 2 tuổi. Giai đoạn này thương tổn chủ yếu là mụn nước tập trung thành đám trên nền da đỏ ở mặt, trán, má, cằm, mũi, quanh miệng. Thương tổn cũng có thể lan rộng xuống tứ chi và thân mình.
- Đối với trẻ 2 - 12 tuổi: Viêm da cơ địa ở trẻ em 2 - 12 tuổi thương tổn là các sẩn nổi cao hơn mặt da, rải rác hoặc tập trung thành mảng da dày, lichen hoá. Có thể gặp mụn nước tập trung thành đám. Thương tổn có thể kèm theo bội nhiễm.
Vị trí thương tổn: Mặt duỗi hay nếp gấp như khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt. Thương tổn có thể ở một bên hoặc đối xứng và thường rất ngứa.
- Đối với thanh thiếu niên và người lớn: Viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn thường tiến triển từ giai đoạn trẻ em chuyển sang, có thể khởi phát ở tuổi dậy thì hoặc ở tuổi lớn hơn.
Thương tổn đa dạng thường là các sẩn nổi cao hơn mặt da, rải rác hoặc tập trung thành đám, những mảng da đỏ khô lichen hoá, các vết xước do gãi. Thương tổn có thể kèm theo bội nhiễm và rất ngứa. Vị trí tổn thương hay gặp ở các nếp gấp như khoeo chân, khuỷu tay, hậu môn, sinh dục, núm vú.
Ngoài những biểu hiện điển hình trên, viêm da cơ địa có thể có các biểu hiện không điển hình, có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, giai đoạn nào của bệnh bao gồm: Các biểu hiện khô da, viêm da lòng bàn tay bàn chân, chàm xung quanh nang lông, dày sừng chân lông.
Khi nghi ngờ bị viêm da cơ địa, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng, kịp thời, tránh để bệnh gây ra biến chứng. Người bệnh hoặc người nhà của bệnh nhân không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc về điều trị, vì điều này sẽ làm cho bệnh nặng hơn, thậm chí gây biến chứng.
Để phòng bệnh viêm da cơ địa, cần hạn chế tiếp xúc với các loại dễ gây dị ứng như mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hoặc hóa chất gây dị ứng, lông chó, mèo, các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, dễ kích thích (tôm, cua...).
Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, cần cảnh giác bệnh xuất hiện hoặc tái phát, nếu thấy dấu hiệu cần đi khám bệnh ngay. Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và vệ sinh môi trường sống tốt. Nếu đã mắc viêm da cơ địa, nên tắm nước ấm thay vì nước lạnh. Hàng ngày nên uống đủ nước và ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Tác giả bài viết: Theo SK-ĐS
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn