BỆNH VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN TỈNH BÌNH ĐỊNH: HIỆU QUẢ TRONG ĐIỀU TRỊ CHO BỆNH NHÂN LIỆT

Thứ ba - 14/08/2018 16:24
Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh các hoạt động khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh, đặc biệt là kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và y học hiện đại đem lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng điều trị chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nói chung và bệnh nhân bị tai biến, liệt nói riêng
Nhân viên đang tập cho bệnh nhân
Nhân viên đang tập cho bệnh nhân
Trong khuôn khổ Đề án 1816, cuối năm 2014, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh được Bệnh viện Châm cứu Trung ương chuyển giao hai đơn vị kỹ thuật gồm: đơn vị tư vấn điều trị và kiểm soát đau cột sống và đơn vị điều trị và chăm sóc đặc biệt cho người liệt. Gần 4 năm triển khai thực hiện, các đơn vị kỹ thuật được chuyển giao đem lại nhiều kết quả tốt cho bệnh nhân bị liệt.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Sinh, 67 tuổi, ở thị xã An Khê, Gia Lai bị tai biến mạch máu não nhập viện điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Chia sẻ về tình trạng bệnh tật của chị gái, bà Nguyễn Thị Thêm, 65 tuổi cho biết: “Chị gái tôi bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não nhập viện trong tình trạng tay chân bị liệt một bên, đi lại khó khăn. Sau khi được điều trị vật lý trị liệu, chị gái tôi đi lại gần như bình thường, sức khỏe ổn định…”.
Kỹ thuật viên trưởng Phan Nguyên Toàn, Khoa Châm cứu dưỡng sinh – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết: “Trong điều trị bệnh nhân bị tai biến, liệt các phương pháp phục hồi chức năng phải được áp dụng càng sớm càng tốt. Trong giai đoạn cấp và bán cấp cần sớm đưa bệnh nhân ra khỏi giường để tránh việc teo cơ và cứng khớp, duy trì tập vận động của các khớp, tránh co rút cơ. Trong giai đoạn bán cấp tập theo sức khỏe của bệnh nhân. Chăm sóc bệnh nhân liệt đòi hỏi cán bộ y tế phải có nhiều sức khỏe, kiến thức y học và tâm huyết vì đối với bệnh nhân liệt đòi hỏi sự chăm sóc toàn diện, từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt cá nhân…, nhưng bằng sự yêu nghề các điều dưỡng của Khoa đã vượt khó khăn chăm sóc bệnh nhân tận tình nhanh chóng phục hồi sức khỏe”. Các bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đã sớm nắm bắt làm chủ được những kỹ thuật cao trong điều trị, chăm sóc người liệt, giúp cho nhiều bệnh nhân có điều kiện tiếp nhận dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn, ít tốn kém hơn. Bên cạnh đó, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
 
          Việc phục hồi đối với những bệnh nhân bị liệt do tai biến mạch máu não là cực kỳ quan trọng. Để giúp bệnh nhân phục hồi tốt hơn so với tình trạng liệt thì đòi hỏi người bệnh phải kiên trì tập luyện và tích cực vận động có sự hỗ trợ hướng dẫn của nhân viên y tế và từ các dụng cụ tập luyện vật lý trị liệu như ròng rọc dùng để tập cho bệnh nhân cứng khớp sau tai biến hoặc do di chứng tai biến để lại, bị viêm dính khớp vai; ghế xoay tập cho bênh nhân yếu cơ thân mình; ghế trượt dùng cho bệnh nhân cứng khớp gối háng, cổ chân hoặc tập mạnh cơ tứ đầu, tam đầu đùi; ghế tập dang khép khớp háng; thanh song song tập đi cho bệnh nhân sau tai biến; dụng cụ linh hoạt ở tay dùng để tập các động tác ở tay…
Gói kỹ thuật “Điều trị và chăm sóc đặc biệt cho người liệt” được Bệnh viện Châm cứu Trung ương chuyển giao từ năm 2014, gồm một số nội dung như hướng dẫn châm cứu bằng kỹ thuật dùng trường châm (kim dài), xóa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, tắm thuốc, hướng dẫn luyện tập phục hồi… Đây là những phương pháp nâng cao, nhằm xử lý, điều trị hiệu quả hơn đối với các bệnh nhân bị liệt do tai biến mạch máu não hoặc do chấn thương, các dạng bệnh liên quan đến hệ thần kinh. Với việc châm cứu bằng kim dài, các bác sĩ có thể châm cùng lúc nhiều huyệt, giảm số lượng kim châm trên cơ thể bệnh nhân. Phương pháp này có tác dụng điều khí tốt hơn, bệnh nhân nhanh hồi phục hơn, giảm số ngày điều trị. Với kỹ thuật điều trị và chăm sóc đặc biệt cho người liệt. Chất lượng điều trị được nâng cao, số ngày điều trị bình quân cũng được rút ngắn từ 22 ngày xuống còn 16, góp phần giảm chi phí cho người bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Bác sĩ CK 2 Lê Phước Nin, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết:“ Năm 2016, có 2.713 trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị tại 02 đơn vị tư vấn điều trị, kiểm soát đau cột sống và đơn vị chăm sóc đặc biệt cho người liệt. Năm 2017, có 3.008 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2018, có 1.379 trường hợp. Như vậy qua thống kê cho thấy số lượng và tỷ lệ người bệnh đến điều trị tại Bệnh viện sau khi tiếp nhận các đơn vị kỹ thuật trên tăng cao hàng năm. Qua đó, cho thấy hiệu quả việc chuyển giao kỹ thuật rất rõ rệt, chất lượng điều trị được nâng cao ngày càng thu hút người bệnh đến với Bệnh viện điều trị tăng lên hàng năm theo diện bệnh sử dụng gói kỹ thuật này”.
Trong thời gian tới, cán bộ y bác sĩ Bệnh viện tiếp tục học tập, tiếp thu những kỹ thuật tiên tiến nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh nói chung và người bệnh bị liệt nói riêng. Bên cạnh đó, Bệnh viện tiếp tục đầu tư, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền để phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Đặc biệt, Bệnh viện triển khai nhiều kĩ thuật cao, kĩ thuật mới trong khám chữa bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lí bệnh viện... nhằm xây dựng bệnh viện ngày càng phát triển, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của người dân trong chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền.
 

Tác giả bài viết: Thu Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập228
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm214
  • Hôm nay7,586
  • Tháng hiện tại95,999
  • Tổng lượt truy cập52,714,340
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây