Phòng tránh dị vật đường ăn

Thứ năm - 12/12/2019 09:38
Dị vật đường ăn là bệnh lý có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng nhiều nhất là trẻ em và người già - những nhóm đối tượng bị hạn chế về năng lực phòng ngừa và xử lý.
Cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế có phòng khám Tai Mũi Họng để xử lý kịp thời các trường hợp mắc dị vật đường ăn.
Cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế có phòng khám Tai Mũi Họng để xử lý kịp thời các trường hợp mắc dị vật đường ăn.
Dị vật đường ăn là một tai nạn, có tính phổ biến, nếu không xử lý kịp thời, đúng cách có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Theo số liệu thống kê, hàng tháng, BVĐK tỉnh Bình Định tiếp nhận khoảng gần 100 trường hợp đến khám và khoảng 10% trong số này buộc phải nhập viện lấy dị vật do nằm trong thực quản.
Loại hình dị vật rất đa dạng, nhưng thường gặp nhất là xương động vật (cá, gà); ở trẻ em dị vật còn là các vật dùng nhỏ (kim băng, đồng xu, đồ chơi nhỏ); người già thường bị hóc các loại dị vật như: vỉ thuốc, thức ăn cứng. Đặc biệt và đáng lưu ý là ở người lớn tuổi dị vật là răng giả cũng hay xảy ra và rất nguy hiểm.
BsCKII Nguyễn Thành Long, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, BVĐK tỉnh Bình Định cho biết: “Khi trẻ đang ăn, đang chơi mà ho sặc sụa; nghẹn, không nói được, không thở được, tím mặt... lập tức phải nghĩ đến chuyện dị vật đã chẹn một phần thanh quản hoặc khí quản, gây khó thở. Đứa trẻ đang bị ngạt thở không thể nói, ho cũng như khóc. Trẻ sẽ bất tỉnh trong vòng vài phút kế tiếp, nếu không được làm thông đường thở. Khi trẻ chảy dãi hoặc các dấu hiệu khác chứng tỏ không nuốt được thường có nghĩa là dị vật bị tắc ở thực quản, đây là một tình trạng rất nguy hiểm. Trường hợp này cần đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế có phòng khám Tai - Mũi - Họng để xử lý kịp thời!”.
“Để phòng tránh dị vật đường ăn, khi chế biến thức ăn có xương phải lọc kỹ, nấu các món cá không nên quá chín làm xương rã lẫn trong thức ăn. Nhà có trẻ em, trẻ thiểu năng trí tuệ, bệnh nhân tâm thần… cần cất giữ cẩn thận những vật dùng nhỏ như: nút áo, kim băng, tiền xu… Khi ăn không nên cười đùa dễ bị hóc xương. Khi cho trẻ ăn cá, tôm phải lấy hết xương cá, vỏ tôm; không la mắng, ép ăn dễ làm trẻ hóc, sặc thức ăn vào đường thở. Các bậc phụ huynh nên trông cháu nhỏ thật cẩn thận, không nên cho bé chơi các loại đồ vật có kích thước nhỏ hoặc mang hoa tai bằng kim loại dễ làm cho các bé tò mò rồi bỏ vào miệng ngậm, nuốt; nhất là không để bé tự ăn các loại hạt, đảm bảo khu vực bé chơi không có vật có thể làm bé bị hóc dị vật.…”, bác sĩ Long lưu ý.
Cách xử lý khi phát hiện trẻ em bị hóc dị vật
         Khi phát hiện con mình đã nuốt dị vật, có dấu hiệu hóc dị vật, cha mẹ và người thân nói chung phải thật bình tĩnh sơ cứu, tìm cách đưa dị vật khỏi đường thở; chỉ ráng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ khi nhìn thấy, còn không thì đừng nên ráng móc ra; đồng thời gọi ngay cấp cứu 115 hỗ trợ, can thiệp. Thời gian vàng để cứu trẻ bị hóc dị vật chỉ trong khoảng 4 - 10 phút. 
        Khi đối tượng hóc dị vật là trẻ lớn, phụ huynh đứng ở đằng sau trẻ, nắm hai tay vào nhau và vòng ra đằng trước bụng trẻ, đặt ở ngay phía trên rốn và phía dưới đỉnh xương ức, dùng lực đẩy vào bụng và hướng lên trên. Ðối với trẻ nhỏ, phụ huynh vỗ vào lưng trẻ và ấn vào ngực trẻ để tống dị vật ra. Nếu khi ấn ngực không hiệu quả, dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay138
  • Tháng hiện tại522,514
  • Tổng lượt truy cập53,433,457
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây