Vitamin A là một vi chất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ, đặc biệt là trẻ từ 06 đến 36 tháng tuổi. Khi thiếu vitamin A sẽ làm cho trẻ chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Thiếu Vitamin A nặng sẽ gây khô mắt, quáng gà: nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn. Ngoài ra Vitamin A còn bổ sung cho người bệnh xơ gan nguyên phát do mật hay gan ứ mật mạn tính thường hay thiếu hụt Vitamin này.
Có 3 nguyên nhân chính gây thiếu Vitamin A: Do khẩu phần ăn bị thiếu hụt Vitamin A. Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải lấy từ thức ăn, vì vậy nguyên nhân chính gây thiếu Vitamin A là do chế độ ăn nghèo Vitamin A và Beta-caroten. Sữa mẹ là nguồn cung cấp Vitamin A quan trọng của trẻ nhỏ. Trẻ không được bú mẹ rất dễ thiếu vitamin A. Mắc các bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng: Trẻ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là bị bệnh sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy và nhiễm ký sinh trùng đường ruột như giun đũa... sẽ gây thiếu Vitamin A. Suy dinh dưỡng: Trẻ em bị suy dinh dưỡng thường kèm theo thiếu Vitamin A vì cơ thể thiếu đạm để chuyển hóa Vitamin A. Ngoài ra, thiếu một số vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa Vitamin A trong cơ thể.
Để phòng thiếu Vitamin A cho trẻ: Các bà mẹ cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ, vì sữa mẹ là nguồn cung cấp Vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Cải thiện bữa ăn bằng thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, thịt gà, chất béo từ thịt, trứng, sữa, kem, bơ… Bữa ăn của trẻ cần có đủ dầu hoặc mỡ để giúp hấp thu tốt Vitamin A. Ăn các loại rau có nhiều tiền chất Vitamin A như: các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ (cà rốt, bí đỏ, rau dền, đu đủ chín, cà chua, gấc…); các loại rau màu xanh sẫm; dầu cọ và một số loại dầu ăn khác có bổ sung Vitamin A. Ngoài ra, bổ sung Vitamin A liều cao là một trong những giải pháp phòng thiếu Vitamin A ở trẻ. Trẻ cần được uống bổ sung viên nang Vitamin A liều cao 6 tháng một lần tại các trạm y tế phường theo liều sau: - Trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú sữa mẹ: uống 50.000 đơn vị. - Trẻ 6 đến 12 tháng tuổi: uống 100.000 đơn vị. - Trẻ 13 đến 36 tháng tuổi: uống 200.000 đơn vị. - Trẻ từ 37 đến 60 tháng tuổi nguy cơ cao: uống 200.000 đơn vị. - Bà mẹ ngay sau sinh trong vòng 1 tháng: uống 200.000 đơn vị.
Tác giả bài viết: Thúy Kiều (Khoa Dinh dưỡng – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)