Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Chủ nhật - 02/01/2022 15:23
Ngày 31/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Đồng thời, ngày 28/12/2021, Bộ Y tế đã có thông báo về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới cũng phân loại biến thể này là "biến thể đáng lo ngại", đồng thời yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gen vi rút biến thể mới này.

Tại Bình Định, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Số ca mắc mới trong những ngày gần đây trung bình trên 500 ca/ngày. Trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ cao lây lan, bùng phát diện rộng trong cộng đồng do có nhiều ổ dịch mới; nhiều ca bệnh cộng đồng mới được phát hiện thông qua tầm soát tại các địa phương đã cho thấy dịch bệnh đã lan rộng và âm ỉ lây lan trong cộng đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 22/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XX) về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022; để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19"; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 theo Quyết định số 4269/QĐ-UBND ngày 25/10/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” của tỉnh; Quyết định số 4531/QĐ-UBND ngày 15/11/2021 về việc ban hành các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 tương ứng với từng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quyết định phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh hàng tuần nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội của người dân trong dịp Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cùng với phát huy vai trò hệ thống giám sát y tế, lực lượng công an xã, tổ COVID cộng đồng và của người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó linh hoạt, kịp thời, chủ động kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống.

2. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc "5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân". Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Tuyên giáo các cấp để người dân hiểu rõ, chủ động, bình tĩnh, tự giác cùng phòng, chống dịch.

3. Cán bộ công chức, viên chức, người lao động và toàn thể Nhân dân trong tỉnh: Trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm 2022 hạn chế di chuyển khi không cần thiết để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Trường hợp do nhu cầu phải đến/về địa phương từ vùng có dịch, yêu cầu phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.

4. Đảm bảo duy trì chế độ thường trực phòng, chống dịch 24/24h ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, đặc biệt là lực lượng y tế, công an, quân đội; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế theo phương châm "bốn tại chỗ" để đáp ứng kịp thời với các tình huống dịch bệnh.

5. Tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp nhập cảnh là chuyên gia, công dân Việt Nam từ nước ngoài về lưu trú, làm việc tại địa phương, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron.

6. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa bàn, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao như: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

7. Dừng tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm tập trung đông người (trừ các hội nghị theo yêu cầu nhiệm vụ và được cơ quan có thẩm quyền cho phép).

8. Sở Y tế:

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc phối hợp với các địa phương, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng hướng dẫn, tư vấn việc điều trị F0 tại nhà đảm bảo theo yêu cầu của Bộ Y tế; nâng cao năng lực, chất lượng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại trạm y tế lưu động, các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Tập trung rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các cơ sở thu dung điều trị COVID-19, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm đảm bảo điều trị bệnh nhân COVID-19;

- Thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” theo đúng quy định của Bộ Y tế ngay từ trạm y tế, tổ COVID cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị nhằm tổ chức hiệu quả việc quản lý, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà; chuyển tuyến đúng đối tượng, giảm áp lực cho các cơ sở thu dung, điều trị. Phấn đấu tỷ lệ người khỏi bệnh cao và sớm nhất, tỷ lệ tử vong thấp nhất.

- Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ, thuốc, vật tư xét nghiệm.... để thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" đáp ứng diễn biến tình hình dịch trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức phân luồng bệnh nhân; bảo đảm đầy đủ nguồn lực, các trang thiết bị y tế, phương tiện phòng hộ, thuốc, vật tư xét nghiệm, oxy y tế, máy thở, giường cấp cứu và các điều kiện cần thiết; tuân thủ phác đồ điều trị COVID-19 của Bộ Y tế.

- Tăng cường hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực, đối tượng cụ thể...).

- Tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, sớm hoàn thành việc tiêm chủng đủ mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi với phương châm “cẩn trọng, an toàn, đúng quy trình tiêm chủng”; đồng thời tổ chức tiêm liều bổ sung, nhắc lại cho các đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

9. Công an tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam đến/về tỉnh nhằm kiểm soát, ngăn chặn biến chủng Omicron xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh; nhất là người đến từ các quốc gia đã phát hiện biến chủng Omicron.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19 vào các dịp Lễ, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

10. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách:

- Chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tới từng phân xưởng/khu vực sản xuất; chủ động thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 định kỳ cho công nhân, người lao động.

- Yêu cầu người quản lý doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh kiểm tra, giám sát, chỉ đạo Tổ an toàn COVID-19 của đơn vị thực hiện nghiêm việc kiểm soát người lao động trong đơn vị, đặc biệt thực hiện triệt để việc khai báo y tế để thực hiện xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

11. Sở Tài chính trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu đề xuất, hướng dẫn việc đảm bảo kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

12. UBND các huyện, thành phố:

- Tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; chủ động đánh giá mức độ nguy cơ, cập nhật, điều chỉnh cấp độ dịch tại địa phương (giữa các kỳ công bố cấp độ dịch của UBND tỉnh) và ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng với từng cấp độ dịch theo quy định của UBND tỉnh.

- Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn.

- Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người trên địa bàn, nhất là trong dịp Lễ, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là giới trẻ trong việc chấp hành thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng.

- Phân công Tổ COVID-19 cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" vận động người dân, lập danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vắc xin và các trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19... để quản lý, tiêm vắc xin; hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế, điều trị kịp thời cho người bị nhiễm COVID-19.

- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể tỉnh:

- Tích cực phối hợp, phát huy vai trò, cùng các lực lượng chức năng tham gia giám sát việc thực hiện cách ly tại nhà trên địa bàn, phát hiện những người vi phạm quy định phòng, chống dịch, thông báo cho cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm.

- Vận động, tuyên truyền, giám sát, thực hiện phòng, chống dịch ở phường, xã, thị trấn và thôn, xóm, khu dân cư; vận động cán bộ, hội viên, Nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia phục vụ hoạt động của các cơ sở thu dung điều trị COVID-19, vận động ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh và của các địa phương trong tỉnh.

- Phối hợp cùng các cấp chính quyền quan tâm thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo, chia sẻ những khó khăn của người dân.

- Vận động người dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó thực hiện nghiêm yêu cầu 5K; khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

Tác giả bài viết: BBT (Nguồn: Chính quyền điện tử Bình Định)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay10,331
  • Tháng hiện tại183,130
  • Tổng lượt truy cập52,801,471
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây