Ngày 03/9/2020, Sở Y tế Bình Định đã ban hành Công văn Khẩn số 2569/SYT-NVY gửi cho các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố về việc phát hiện sớm ca bệnh ngộ độc Botulinum.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến thông tin về phát hiện sớm ca bệnh ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum đến tất cả các bộ phận, trạm y tế trực thuộc, cá nhân tại đơn vị; tăng cường kiểm tra việc lấy mẫu tại khoa dinh dưỡng và thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum cho bệnh nhân, người nhà, cộng đồng. Tăng cường công tác chuẩn bị, tổ chức tiếp nhận, phân loại, cấp cứu ổn định và điều trị triệu chứng, thu nhận mẫu thực phẩm nghi ngờ, hội chẩn tại cơ sở hoặc hội chẩn với tuyến trên khi phát hiện người bệnh có các dấu hiệu ngộ độc Botulinum.
Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cách phòng ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tập trung chỉ đạo thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các công ty, trường học, nhà trẻ … trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo nếu có trường hợp phát hiện ca bệnh ngộ độc Botulinum cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, để phát hiện người bệnh có các dấu hiệu ngộ độc Botulinum cần chú ý các dấu hiệu sau: các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng từ 12 đến 36 giờ (phạm vi tối thiểu từ 4 giờ và tối đa đến 8 ngày) sau khi ăn uống thực phẩm nghi ngờ. Tình trạng bệnh điển hình: liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống (khởi đầu đau họng, khó nói, khó nuốt, sụp mi, song thị, nhìn mờ, ho khạc kém, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó yếu hai chân và liệt các cơ hoành, cơ liên sườn), không có rối loạn cảm giác, đồng tử có thể giãn hai bên. Liệt có thể từ nhẹ như yếu mỏi các cơ đơn thuần đến liệt hoàn toàn các cơ. Bệnh nhân vẫn tỉnh táo nếu không có thiếu ô xy não. Tiêu hóa: thường giảm nhu động ruột, táo bón. Cận lâm sàng: Điện cơ có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán. Nuôi cấy mẫu thực phẩm nghi ngờ, mẫu phân, chất nôn để tìm các chủng vi khuẩn Clostridium (nuôi cấy kỵ khí). Làm các xét nghiệm, thăm dò để chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác, đặc biệt đột quỵ, hội chứng Guillain-Barré, hoặc bệnh nhược cơ, porphyria, rắn cạp nia cắn, ngộ độc tetrodotoxin… Khi phát hiện người bệnh có các dấu hiệu trên, các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tiếp nhận, phân loại, cấp cứu ổn định và điều trị triệu chứng, thu nhận mẫu thực phẩm nghi ngờ, hội chẩn tại cơ sở hoặc hội chẩn với tuyến trên, đồng thời thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
bbb