Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống bệnh Covid-19 trong mùa đông năm 2020 và mùa xuân năm 2021

Thứ sáu - 23/10/2020 19:34
Sáng ngày 23/10/2020 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống bệnh Covid-19 trong mùa đông năm 2020 và mùa xuân năm 2021. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương kết nối trực tuyến 63 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu Bình Định, tham dự Hội nghị có Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế và đại diện Lãnh đạo các phòng chức năng có liên quan trực thuộc Sở; đại diện Lãnh đạo và cán bộ của các đơn vị y tế có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống bệnh Covid-19 trong mùa đông năm 2020 và mùa xuân năm 2021 tại Sở Y tế Bình Định (Ảnh: Thu Phương)
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống bệnh Covid-19 trong mùa đông năm 2020 và mùa xuân năm 2021 tại Sở Y tế Bình Định (Ảnh: Thu Phương)
      Hội nghị phổ biến nội dung Chỉ thị của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch mùa đông - xuân; hướng dẫn giám sát phòng chống dịch Covid-19; hướng dẫn thành lập và hoạt động Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng; hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại khu cách ly tập trung dân sự; hướng dẫn công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; hướng dẫn truyền thông trong phòng chống Covid-19 và dịch bệnh mùa đông năm 2020, mùa xuân năm 2021. Chỉ thị số 23/CT-BYT của Bộ Y tế vừa ban hành ngày 22/10 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, nhận định: Hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát; bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh MERS-CoV và một số bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bạch hầu vẫn gia tăng tại nhiều quốc gia; các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát và xâm nhập vào nước ta.
      Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt, trong nhiều ngày qua không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng, song nguy cơ ghi nhận ca bệnh mới vẫn hiện hữu; đa số bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng giảm nhưng vẫn có số mắc cao, gia tăng cục bộ, ghi nhận các ổ dịch tại một số địa phương hoặc có số tử vong cao như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, bệnh dại; các ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố.
      Dự báo trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, bệnh Covid-19 chưa có vắc xin dự phòng, cùng với nhiều yếu tố bất lợi (hiện vẫn đang trong mùa mưa khu vực miền Nam, thời tiết lạnh ẩm khu vực miền Bắc, ngập lụt khu vực miền Trung, thay đổi bất thường về khí hậu, quá trình đô thị hoá, sự gia tăng giao lưu đi lại... ) tạo điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là các bệnh như Covid-19, sởi, rubella, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng...
      Để chủ động và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, thành phố; đề xuất để UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng thời, tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các địa phương, các sở, ngành duy trì triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế với quan điểm không chủ quan, lơ là, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; duy trì và thực hiện hiệu quả của tổ phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng.
     Các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, đặc biệt là bệnh Covid-19, MERS - CoV, cúm A (H7N9), bệnh cúm A (H5N1), A (H5N6), chú trọng triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp (bạch hầu, sởi, rubella...) và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...), xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng. Tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố; duy trì hoạt động diệt bọ gậy (hàng tuần tại khu vực có nguy cơ cao, hàng tháng tại khu vực khác), phun hóa chất chủ động khu vực nguy cơ cao. Tăng cường triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng dịch vụ, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95 % trên quy mô cấp xã; thực hiện tiêm chủng an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19, xử lý kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch tiêm chủng thường xuyên và tiêm bổ sung đã được Bộ Y tế phê duyệt.
     Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, thông điệp 5K phòng chống Covid-19 (gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) đến từng hộ gia đình, cộng đồng với các hình thức và ngôn ngữ phù hợp với từng địa phương. Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương để triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh. 

Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập94
  • Hôm nay2,202
  • Tháng hiện tại90,615
  • Tổng lượt truy cập52,708,956
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây