Hội thảo “Đánh giá chất lượng và tăng cường năng lực cho các điểm kính hiển vi và điểm sốt rét tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2021”.

Thứ sáu - 23/04/2021 09:51
Nhằm cập nhật thông tin hệ thống xét nghiệm sốt rét và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của các điểm kính hiển vi và điểm sốt rét, sáng ngày 22/4/2021, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá chất lượng và tăng cường năng lực cho các điểm kính hiển vi và điểm sốt rét tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2021”. Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Hồ Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn và các Lãnh đạo của Viện; các Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 15 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
PGS.TS. Hồ Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thu Phương)
PGS.TS. Hồ Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thu Phương)
      Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Hồ Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã nhấn mạnh: “ Ở Việt Nam, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về phòng chống sốt rét nên những năm gần đây bệnh có xu hướng giảm nhưng nguy cơ sốt rét vẫn còn cao đặc biệt là các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên với số mắc sốt rét hàng năm gần 50%, số chết trên 80% so với cả nước và có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào. Việc chỉ đạo phòng chống sốt rét còn nhiều khó khăn do chưa kiểm soát được số ca nhiễm bệnh ở các đối tượng chưa có biện pháp bảo vệ như dân di cư tự do, dân đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới. Năm 2020, cả nước có 1.733 ca giảm 8.713 ca so với 10.446 ca năm 2016. Năm 2020 chỉ có 1 tử vong sốt rét. Riêng khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2020 có 1.175 ca giảm 1.781 ca so với 2.956 ca năm 2016, chiếm 67% số ca cả nước. Với nỗ lực của các hoạt động phòng chống bệnh sốt rét năm 2019 có 25 tỉnh được công nhân đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, trong đó miền Trung-Tây Nguyên có TP. Đà Nẵng, 2020 có 10 tỉnh được công nhân đạt tiêu chí loại trừ sốt rét.
      Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành công nhất định, nhưng bệnh sốt rét vẫn còn là một thách thức lớn đối với xã hội, đe doạ bùng phát trở lại. Ngoài vấn đề chuyên môn, kỹ thuật như ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hoá chất, sự phục hồi của các véc tơ ở các vùng ngừng các biện pháp can thiệp hoá chất. Sự biến động về dịch tễ sốt rét (giao lưu ngày càng nhiều vào các vùng sốt rét lưu hành, sinh thái môi trường bị thay đổi). Mạng lưới y tế thôn bản luôn là vấn đề mấu chốt để phát huy và duy trì thành quả nhưng chưa bao phủ được hết, nhiều nơi có nhân viên y tế thôn nhưng với thù lao, với địa bàn phức tạp và với kiến thức chuyên môn hạn chế nên hoạt động chưa hiệu quả. Đối với các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên nằm trong khu vực trọng điểm sốt rét của cả nước, luôn lưu hành một mặt bằng tỷ lệ mắc/chết cao hơn các khu vực khác trong toàn quốc. Di biến động dân cư lớn, đặc biệt là di dân tự do, khó kiểm soát. Tình hình kinh tế xã hội vùng sốt rét còn nhiều khó khăn, tập quán đi rừng, ngủ rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số. Luôn luôn lưu hành một tỷ lệ khá cao ký sinh trùng lạnh trong cộng đồng. Về cơ cấu ký sinh trùng, tỷ lệ P.falciparum chiếm 60-70% gây ra sốt rét ác tính và đa kháng với các loại thuốc chống sốt rét. Các yếu tố có tính bền vững như công tác xã hội hoá phòng chống sốt rét, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn hạn chế. Hoạt động của y tế cơ sở nhất là y tế thôn bản chưa hiệu quả. Y tế tư nhân chưa được quản lý đúng mức. Chất lượng các biện pháp kỹ thuật điều trị, phun tẩm hoá chất chưa cao, coi nặng biện pháp phun tẩm phòng chống véc tơ, xem nhẹ công tác giám sát dịch tễ quản lý ca bệnh, phát hiện sớm điều trị sớm ngay từ tuyến cơ sở. Đó là những vấn đề phải quan tâm khắc phục giải quyết trong thời gian tới. Nhân buổi lễ Mit ting này, đề nghị các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 15 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tăng cường chỉ đạo hệ thống y tế tổ chức phòng chống loại sốt rét tại địa phương, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa phối hợp các ban ngành đoàn thể triển khai có hiệu quả công tác phòng chống sốt rét, chú trọng phối hợp với quân y và bộ đội biên phòng, tăng cường công tác giám sát dịch tễ sốt rét, chú trọng tại các vùng có nguy cơ xảy dịch, vùng xa, vùng sâu, vùng biên giới. Thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị ca bệnh, đảm bảo uống thuốc đủ liều, đủ ngày điều trị. Củng cố và xây dựng mạng lưới y tế thôn bản, quan tâm công tác quản lý y tế tư nhân, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống sốt rét nhằm thúc đẩy nhanh hơn lộ trình loại trừ sốt rét chuẩn bị điều kiện chuyển sang chiến lược loại trừ ở một số vùng”.
      Vào tháng 5/2007, với sự tham dự của 192 nước thành viên của WHO, Hội đồng Y tế thế giới đã báo cáo tình hình mới nhất về bệnh sốt rét, thừa nhận sự thiếu quan tâm của cộng đồng quốc tế trong phòng chống sốt rét dù căn bệnh này cướp đi nhiều sinh mạng và ảnh hướng trầm trọng tới phát triển kinh tế. Để ghi nhận những nỗ lực toàn cầu phòng chống sốt rét, ngày 25 tháng 4 hàng năm được chọn là Ngày Sốt rét thế giới theo Nghị quyết số WHA 60.18, ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới.
      Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 năm 2021 này là lần thứ 14 thế giới và Việt Nam phát động nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hiểu biết về sốt rét, một căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được nhưng hàng năm lại làm chết hàng triệu người và ảnh hưởng tới sức khỏe hàng trăm triệu người khác đồng thời trên cơ sở đó phát động phong trào tăng cường các chiến lược phòng chống sốt rét bao gồm các hoạt động phòng ngừa và điều trị sốt rét dựa vào cộng đồng ở các vùng sốt rét lưu hành. Chủ đề Ngày Sốt rét thế giới 25/4/2021: “Đầu tư nguồn lực nhằm đạt mục tiêu loại trừ sốt rét ở Việt Nam” nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hiểu biết về sốt rét, đồng thời trên cơ sở đó phát động phong trào tăng cường các chiến lược phòng chống sốt rét bao gồm các hoạt động phòng ngừa và điều trị sốt rét dựa vào cộng đồng ở các vùng sốt rét lưu hành.
Quang cảnh Hội thảo “Đánh giá chất lượng và tăng cường năng lực cho các điểm kính hiển vi và điểm sốt rét tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2021” (Ảnh: Thu Phương)

      Tại Hội thảo, các đại biểu còn được cung cấp một số thông tin về vai trò và sự phát triển của hệ thống điểm kính hiển vi; chất lượng hoạt động xét nghiệm chẩn đoán sốt rét của hệ thống điểm kính hiển vi; kết quả đánh giá chất lượng hoạt động của điểm kính hiển vi và điểm sốt rét; kế hoạch tăng cường chất lượng của điểm kính hiển vi và điểm sốt rét khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
 

Tác giả bài viết: Thu Phương (Khoa Truyền thông - GDSK, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay5,159
  • Tháng hiện tại177,958
  • Tổng lượt truy cập52,796,299
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây