Để giúp các cơ quan, tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân nắm bắt kịp thời thông tin về mục đích, ý nghĩa và nội dung Cuộc thi, đồng thời thu hút, khích lệ công dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước tích cực hưởng ứng, tham gia dự thi, chiều 31/3, tại Nhà Quốc hội, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND”.
Tham dự buổi Lễ phát động cuộc thi có đồng chí Uông Chu Lưu - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin tuyên truyền của HĐBC Quốc gia; đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Hoàng Thanh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, cuộc thi được tổ chức nhằm phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân trên phạm vi cả nước và công dân Việt Nam ở nước ngoài; qua đó nâng cao hiểu biết, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2020, góp phần tạo nên thành công của Cuộc bầu cử.
Đối tượng thi gồm: Công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.
Nội dung thi: Các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; một số quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân.
Về hình thức thi, Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ website như sau: https://thitimhieuphapluat.moj.gov.vn hoặc truy cập Chuyên mục Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử Quốc gia; Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; Trang thông tin điện tử Truyền hình Quốc hội Việt Nam; Báo Điện tử Đại biểu nhân dân và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử.
Cách thức thi: Người dự thi truy cập đăng ký dự thi theo hướng dẫn và thực hiện trả lời 20 câu hỏi (bao gồm 19 câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp, 01 câu dự đoán số lượng người dự thi trả lời đúng tất cả các câu hỏi trắc nghiệm) trên máy tính và các thiết bị di động có kết nối internet.
Trong quá trình diễn ra Cuộc thi, mỗi cá nhân được dự thi tối đa 3 lượt thi để có thể cải thiện kết quả, mỗi lượt thi kéo dài tối đa 20 phút.