Bình Định nỗ lực chấm đứt bệnh lao vào năm 2030

Thứ tư - 24/03/2021 16:24
Bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền qua đường không khí đồng thời là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều có thể mắc lao, nếu không biết cách phòng bệnh hợp lý. Vì vậy, việc phát hiện sớm để điều trị bệnh lao không chỉ giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh mà còn hạn chế sự lây lan căn bệnh này trong cộng đồng.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi hưởng ứng Ngày Thế giới chống lao 24.3.2021 (ảnh Thu Hiền)
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi hưởng ứng Ngày Thế giới chống lao 24.3.2021 (ảnh Thu Hiền)
    Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24.3 năm nay với chủ đề“Đồng hồ đã điểm” cảnh báo toàn thế giới không còn nhiều thời gian để hành động theo cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu về chấm dứt bệnh lao. Điều này, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19  đang diễn biến phức tạp. Hưởng ứng thông điệp này, ngành Y tế Việt nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đang nỗ lực hết mình, nhằm tiến tới chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030.
     Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao, nhưng bệnh lao vẫn  còn diễn biến phức tạp với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu hàng năm, trong đó có khoảng 208.000 người chết do lao và nhiễm HIV. Trong chiến lược chấm dứt bệnh lao, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020, mỗi năm, tốc độ giảm bệnh nhân mắc mới từ 4-5% lên 10% vào năm 2025. Từ khi COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới công bố là "Đại dịch toàn cầu" vào cuối tháng 01/2020, đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vì vậy, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới năm 2020 cũng đã giảm khoảng 20%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng đã giảm 3,1%.Hiện tại, Việt Nam hiện vẫn là nước có tỉ lệ bệnh lao cao và là một trong 30 nước có số bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
     Năm 2020, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, người dân đã có ý thức rất cao về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, hiểu sự tương đồng giữa Lao và COVID. Đồng thời, hệ thống chính trị cũng đã có đủ thông tin về vai trò của y tế trong phát triển kinh tế - xã hội, các biện pháp giải quyết dịch bệnh đường hô hấp. Đó chính là cơ hội để Việt Nam thực hiện chấm dứt bệnh lao theo tinh thần: toàn dân hưởng ứng Chương trình hành động Quốc gia chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tiếp nối những thành tích chống Lao và chống Covid của năm 2020, chủ đề năm 2021 là: “Việt nam Chiến thắng COVID - Chấm dứt bệnh Lao”, nhằm nêu rõ từ cuộc chiến chống COVID-19, mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh Lao. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nếu các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng cùng vào cuộc, đoàn kết, chung tay, chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19 và tiến  tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030.
    Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, đồng  nghĩa có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, gần 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
    Tại Bình Định, hoạt động phòng chống lao đã gặt hái được nhưng kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao hàng năm đạt trên 90%. Cùng với đó, Bệnh viện Lao được thành lập vào năm 1989. Đến năm 2006, Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định. Là Bệnh viện Chuyên khoa  hạng III, gồm 03 khoa lâm sàng, 03 khoa cận lâm sàng, 04 phòng chức năng. Với tổng số 112 cán bộ, viên chức, lao động, trong đó: 15 bác sĩ, 07 Dược sĩ ,09 Y sĩ; 44 Điều dưỡng; 10 Kỹ thuật viên; 01Cử nhân Y tế công cộng và 32 cán bộ khác. Khi mới thành lập, chỉ tiêu hàng năm khoảng 50 giường bệnh. Trải qua hơn 30 năm, đến nay Bệnh viện Lao và Bệnh phổi  Bình Định đã phát triển cả về nhân lực, trang thiết bị và mạng lưới chống lao toàn tỉnh bao phủ 100% và hoạt động đều ở 159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hiện tại, chỉ tiêu giường bệnh là 140 giường nhưng số bệnh nhân nội trú và ngoại trú hàng năm đều tăng.

    Mạng lưới chống lao tuyến huyện, gồm có 12 Tổ lao tại 11 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và Trại giam Kim Sơn (K18) với 36 cán bộ, trong đó có 08 bác sĩ và y sĩ. Tại mỗi huyện đều có phòng khám lao riêng. Toàn bộ tuyến xã của tỉnh có 159 cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác chống lao, trong đó có 21 bác sĩ; 80 y sĩ; 58 điều dưỡng và nữ hộ sinh. Bệnh viện Đa khỏa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn là đơn vị xét nghiệm chẩn đoán. Trong năm 2020 đã phát hiện 1.322 trường hợp mắc lao mới, tỉ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao đạt 93%. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi phối hợp với các trung tâm y tế tổ chức khám sàng lọc cho người nghi lao tại các xã Phước Hiệp, Phước Thành (Tuy Phước); Cát Tân (Phù Cát); Mỹ Chánh (Phù Mỹ). Kết quả có: 1.161 bệnh nhân BN được khám sàng lọc và chụp phim XQ phổi, 1.012 mẫu xét nghiệm trong đó AFB(+) không, 58 phim chụp X- quang nghi lao. Khám sàng lọc lao trẻ em tại các trung tâm Y tế: An Lão, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, Quy Nhơn kết quả có 90 trẻ được chụp phim X-quang và 11 trẻ làm xét nghiệm Xpert... Tổ chức giám sát tất cả các huyện, thị, thành phố và Trại giam Kim Sơn (K18) định kỳ 24 lần. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, hệ thống truyền thanh của huyện, xã và tại cộng đồng, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, những nơi có sự tiếp cận hạn chế với các dịch vụ y tế về công tác phòng chống bệnh lao. Huy động các tổ chức, đoàn thể, các hội và người bệnh, người nhà mắc lao tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền phòng, chống lao. Với nhiều hoạt động chống lao được triển khai thực hiện tại bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng đạt hiệu quả.
     Bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền qua đường không khí  và tỷ lệ tử vong cao. Việc phát hiện sớm để điều trị bệnh lao không chỉ giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh mà còn hạn chế sự lây lan căn bệnh này trong cộng đồng. Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Văn Niên, ở thôn An Hòa, xã Phước An, huyện Tuy Phước, đã điều trị khỏi bệnh cách đây 3 tháng. Tháng 12/2020, bệnh nhân đã hoàn thành liệu trình điều trị bệnh lao theo phác đồ 6 tháng. Đến nay anh đã khỏi bệnh hoàn toàn, đã đi làm và sinh hoạt bình thường như trước khi mắc bệnh, anh Niên chia sẻ.  Cũng trường hợp tương tự là ông Nguyễn Văn Đào, thôn An Sơn 2, xã Phước An đang điều trị bệnh lao ở tháng thứ 4 theo phác đồ điều trị 6 tháng trong tình trạng sức khỏe ổn định. Sau được điều trị tại bệnh viện theo phác đồ điều trị tấn công kéo dài 2 tháng và đến nay ông đang điều trị giai đoạn duy trì kéo dài 4 tháng, ông Đào cho biết.
      Lao là một bệnh truyền nhiễm và bất cứ ai cũng có thể mắc phải nếu sức đề kháng của cơ thể kém. Việc sớm nhận biết những triệu chứng mắc bệnh lao phổi trong giai đoạn đầu sẽ giúp kiểm soát bệnh dễ dàng hơn. Khi có các dấu hiệu như ho và khạc đờm trên 3 tuần; đau tức ngực, khó thở; gầy, sụt cân; sốt về chiều; mệt mỏi, chán ăn; đổ mồ hôi đêm là dấu hiệu rất phổ biến của người mắc lao. Điều trị lao hiệu quả là bệnh nhân lao phải tuân thủ theo nguyên tắc điều trị lao dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Điều trị lao đạt hiệu quả đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ đúng, đủ, đều. Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân không tự ngưng thuốc. Nếu người bệnh không tuân thủ theo hướng dẫn như trên thì hậu quả là không khỏi bệnh; tạo vòng vi trùng kháng thuốc khó chữa dẫn đến tử vong và còn để lại nguồn lây kháng thuốc cho gia đình và xã hội. Ngày nay, cùng với tiến bộ của khoa học, bệnh lao đã cơ bản được khống chế, tiên lượng điều trị tốt. Vì vậy, khi thấy có những dấu hiệu bất thường, thì mọi người nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
      Với quyết tâm tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, đã Kiện toàn Ban chỉ đạo triển khai Chiến lược phòng chống lao theo Quyết định số 2657/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc Ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Bình Định. Trong đó, Kế hoạch phòng chống lao giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh với các mục tiêu: Tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 dân. Hướng tới mục tiêu người dân sống trong môi trường không còn bệnh lao. Tăng cường vai trò lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác phòng chống lao. Huy động sự tham gia, phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng và người dân phòng, chống lao. Tuyên truyền về bệnh lao và công tác phòng, chống bệnh lao để người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa… hiểu, không mặc cảm, kỳ thị với bệnh lao và chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế cung cấp.
Y bác sĩ tư vấn người bệnh về điều trị lao và hướng dẫn phòng chống lao tại gia đình. (ảnh Thu Hiền)
Y bác sĩ  tư vấn người bệnh về điều trị lao và hướng dẫn phòng chống lao tại gia đình. (ảnh Thu Hiền)

     Hưởng ứng Chương trình hành động Quốc gia chấm dứt bệnh lao vào năm 2030,với những quyết tâm và hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao vào năm 2030; Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm lao; Không ai đáng phải chết vì bệnh lao, đặc biệt là trẻ em; Chiến thắng bệnh lao, chiến thắng đói nghèo; Phòng chống lao - Trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, tiến tới thanh toán bệnh lao; Vì sức khỏe Việt Nam, hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030; Phải phòng, chống Lao như phòng, chống COVID-19. Đó là những thông điệp gửi đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, kêu gọi mọi người hãy chung tay cùng ngành Y tế Bình Định đẩy lùi bệnh Lao ra khỏi cuộc sống cộng đồng./.
 

Tác giả bài viết: Thu Hiền - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập43
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay8,932
  • Tháng hiện tại181,731
  • Tổng lượt truy cập52,800,072
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây