Địa phương nào cần thì nơi đó có chúng tôi !

Thứ tư - 04/08/2021 12:05
Ngay khi có ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2 dương tính đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định, đó là lúc những cán bộ y tế thuộc các Tổ phản ứng nhanh, điều tra, truy vết của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lập tức lên đường ra tuyến đầu tại thị xã Hoài Nhơn, tiếp đó là huyện Phù Cát, thị xã An Nhơn,… để tham gia phòng chống dịch, cùng với các địa phương thần tốc dập dịch ngăn chặn không để dịch lây lan trong cộng đồng, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho nhân dân.
Các thành viên Tổ phản ứng nhanh điều tra, truy vết trong bộ đồ bảo hộ dưới trời nắng nóng tiến hành truy vết các trường hợp có nguy cơ (Ảnh: Nguồn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Các thành viên Tổ phản ứng nhanh điều tra, truy vết trong bộ đồ bảo hộ dưới trời nắng nóng tiến hành truy vết các trường hợp có nguy cơ (Ảnh: Nguồn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
       Lực lượng truy vết của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh gồm 4 tổ, mỗi tổ khoảng 10 thành viên thường xuyên túc trực, sẵn sàng lên đường về điểm dịch khi đơn vị yêu cầu. Với nhiều kịch bản và phương án khác nhau cùng với sự phối hợp nhân lực từ đơn vị, các lực lượng khác để luôn sẵn sàng ứng phó với những diễn biến trong thực tế. Sau khi có thông tin về các ca nghi nhiễm hoặc F0, các thành viên bắt đầu phân tích tình hình dịch tễ của ca F0; khai thác thông tin về lịch trình di chuyển, quá trình tiếp xúc của ca nhiễm, nghi nhiễm, khẩn trương điều tra truy vết đối với các trường hợp F1, sau đó tiếp tục thực hiện các hoạt động truy vết đối với các trường hợp F2 để luôn sẵn sàng cho những phương án, diễn biến bất ngờ của dịch bệnh. Đồng thời, đánh giá tình hình dịch Covid-19 để đưa ra các cảnh báo kịp thời như thực hiện khoanh vùng, xử lý ổ dịch báo cáo kết quả điều tra cho tổ trưởng để tổng hợp báo cáo về Ban chỉ huy. Qua đó với sự huy động của toàn bộ các thành phần từ cán bộ điều tra dịch tễ, các mối quan hệ gia đình, người thân, người quen… để triển khai các biện pháp khai báo y tế để truy vết nhằm đảm bảo không bỏ sót các yếu tố dịch tễ, đánh giá đúng, chính xác phân loại phù hợp các nhóm đối tượng và yếu tố liên quan giúp các hoạt động cách ly, lấy mẫu xét nghiệm… được tiến hành hiệu quả, nhanh chóng. Việc truy vết thần tốc có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp ngăn chặn quá trình lây lan của dịch bệnh, hạn chế sự phát tán ra cộng đồng giúp bảo vệ sự an toàn của cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh, đồng thời giảm tối thiểu sự ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của người dân.
Tổ phản ứng nhanh triển khai nhiệm vụ tại huyện Phù Cát (Ảnh: Nguồn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
       Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tất cả các cán bộ y tế của Tổ phản ứng nhanh, điều tra, truy vết của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều xác định tư tưởng “Chống dịch như chống giặc”. Câu nói xuất phát từ trái tim: “Nơi nào quê hương cần thì nơi đó có chúng tôi” của một bác sĩ trẻ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã làm chúng tôi không khỏi xúc động. Họ là những cán bộ y tế có lý tưởng, có nhiệt huyết và cả sự dũng cảm của người lính, sẵn sàng đối mặt với cuộc chiến gay go, hiểm nguy, sẵn sàng ra “chiến trường” để bảo vệ tính mạng của người dân. Họ chính là những y, bác sĩ, cán bộ y tế bất kể ngày đêm không ngại khó khăn gian khổ, khi nhận lệnh sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, bằng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm đúc rút trong quá trình làm việc cùng với lòng quyết tâm truy vết thần tốc các trường hợp F1, F2 có liên quan đến trường hợp F0, không để sót bất cứ trường hợp nào, quyết không ngừng lại nếu chưa truy vết hết các trường hợp có nguy cơ, đến khi hoàn thành xong nhiệm vụ thì mặt trời cũng đứng bóng, cũng có khi đêm đã quá khuya. Có thể nói, cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều nhiều khó khăn và thách thức. Những lực lượng tham gia xông pha tuyến đầu “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để điều tra dịch tễ. Họ thực sự là những người lính thầm lặng, luôn có mặt từng phút giây trong cuộc chiến gian nan này, đối mặt với những nguy hiểm phía trước vẫn luôn nỗ lực quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do Lãnh đạo và quê hương giao phó. Được biết, các thành viên trong tổ đều ở độ tuổi trẻ, sức khỏe tốt, có bản lĩnh và tinh thông trong nghiệp vụ, vì vậy “Phương châm nhanh chóng, thần tốc không bỏ sót bất cứ đối tượng nguy cơ nào” là những yêu cầu tối quan trọng của công tác truy vết, để làm được điều đó luôn cần có sự nỗ lực, quyết tâm và túc trực, luôn chuẩn bị sẵn sàng của các cán bộ truy vết. Để khi nhận được thông tin về nghi nhiễm thì hoạt động truy vết sẽ được lập tức triển khai trên nhiều mặt trận nhằm tận dụng từng giây, từng phút, vì một giây chậm trễ là một giây cũng sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
       Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với một thành viên trong Tổ phản ứng nhanh: “Trong trận chiến đấu này, một cuộc chiến khốc liệt không kém cuộc chiến tranh chống giặc, mỗi ngày đều phải tiếp xúc với F0, chị có lo lắng không?”. Chị mạnh mẽ đáp lại: “Mặc dù, chồng tôi cũng đang chống dịch, con còn nhỏ phải gửi người thân, dù khó khăn vất vả, hiểm nguy cận kề nhưng tôi không có gì phải lo lắng. Bởi lẽ, tôi là một cán bộ y tế, đã chọn ngành Y, nên lúc nào cũng xác định tư tưởng quê hương cần mình, tổ quốc cần mình, người dân cần mình, mình nhất định phải hoàn thành nhiệm vụ. Nếu lo lắng chỉ càng làm cho tôi lúng túng và không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là lúc tôi cần đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình, mau chóng tìm ra các ca bệnh liên quan đến F0 thần tốc truy vết chính xác, không bỏ sót bất cứ trường hợp nào để bảo vệ sức khỏe của người dân và gia đình họ”.
        Điều đáng nói, những thành viên trong tổ phản ứng nhanh đã không kể ngày đêm, dù sáng sớm hay tối muộn, bất kể thời tiết khắc nghiệt, ngay khi nhận lệnh họ đã lập tức lên đường làm nhiệm vụ, họ đến từng ngõ, ngách, từng nhà trên đường truy vết. Họ đã đi qua rất nhiều ngõ nhỏ, trời tối nhá nhem mù mịt, đi ngang qua cánh đồng, qua những ngôi mộ dày đặc ven đường, dẫu cơm chưa ăn, nước chưa uống, oằn mình trong bộ đồ bảo hộ dưới cái nắng hè chói chang… không ngừng nghỉ để tìm cho được F1, F2, có lúc khi hoàn thành công việc lúc đó đã là 2-3 giờ sáng, lúc mà mọi người đang ngủ ngon giấc. Thế nhưng sáng hôm sau họ lại tiếp tục bắt nhịp với guồng quay mới. Song với họ, cùng với sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo các địa phương, cùng với quyết tâm của bản thân , cùng với những hy sinh, vất vả của đồng nghiệp trong cả nước nên họ lại động viên nhau gác lại những khó khăn của gia đình để nỗ lực, cố gắng, sẵn sàng lên đường khi công việc yêu cầu. Chia sẻ của một thành viên trong tổ khi được hỏi: “Chị có nhớ con nhỏ và gia đình không”. Chị không suy nghĩ mà trả lời ngay với chúng tôi: “Xác định chống dịch như chống giặc, đã ra chiến trường thì mọi việc nhà đều gác lại, chúng tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp một phần công sức vào việc đẩy lùi dịch bệnh. Đó là niềm vui, niềm tự hào của chúng tôi”.
       Lời tâm sự của một thành viên khác trong tổ phản ứng nhanh, điều tra, truy vết cho chúng tôi thấy rõ hơn ý chí, sự kiên cường và nhiệt huyết của những chiến binh thầm lặng: “Sau khi nhận lệnh của cấp trên thực hiện điều tra truy vết đối với các trường hợp từ vùng dịch trở về địa phương đã được làm test nhanh và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tôi được phân công truy vết tại các xã, phường thuộc huyện Hoài Nhơn (đợt 1) và các xã Cát Tường, Cát Minh, Cát Nhơn, Cát Hiệp (huyện Phù Cát) trong đợt 2. Chúng tôi tiến hành truy vết khai thác lịch trình của F0 để tìm ra mốc dịch tễ F1, F2, sau đó lập danh sách theo biểu mẫu quy định gửi cho huyện tổng hợp, thống kê, báo cáo số liệu. Bản thân các anh chị em trong đội truy vết với tinh thần sẵn sàng khi có lệnh điều động lập tức xuất phát, có lúc các anh chị phải điều tra truy vết đến 1-2 giờ sáng hôm sau ngay khi phát hiện có 01 ca F0 trong cộng đồng, với mục đích không bỏ sót ca F1, F2 để đưa ra ngay quyết định đi cách ly tập trung hay tại nhà để quản lý chặt đối tượng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chúng tôi luôn tuân thủ các biện pháp bảo hộ cá nhân để bảo vệ cho chính bản thân mình, hết sức cẩn thận tránh trường hợp lây nhiễm tối thiểu nhất”. Nhiều người vẫn nói, nghề này vinh quang thật nhưng mà khó khăn thì nhiều. Dù vậy, phía sau những lớp khẩu trang in hằn lên mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức phải mặc trong người suốt nhiều giờ đồng hồ liền, họ vẫn nở những nụ cười, vẫn là nhiệt huyết với công việc, cho thấy sự tận tâm của họ với công việc mình đã lựa chọn. Chính nhờ lòng nhiệt huyết với nghề, lấy công việc làm niềm vui, coi khó khăn là động lực đã góp phần không nhỏ cùng ngành y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid- 19 cũng như nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm khác.
      Cuộc chiến chống Covid-19 dự báo vẫn còn nhiều gian nan, phức tạp và lâu dài. Chúng tôi mong sao những “Chiến binh áo trắng thầm lặng” luôn đảm bảo sức khỏe tốt, giữ vững bản lĩnh, tinh thông về nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự thành công chung trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 của địa phương góp phần chung chiến thắng đại dịch ./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy - Thu Phương (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập211
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm200
  • Hôm nay7,542
  • Tháng hiện tại95,955
  • Tổng lượt truy cập52,714,296
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây