MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG

Thứ hai - 18/02/2019 08:33
Vắc xin ComBE Five là loại vắc xin phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/ viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh này, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, sử dụng vắc xin phối hợp ComBE Five sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình, đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cán bộ y tế tiêm chủng cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Cán bộ y tế tiêm chủng cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Bằng tiêm chủng vắc xin, tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh nhiễm trùng có vắc xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Chúng ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào cuối những năm 1970; bại liệt vào năm 2000; loại trừ được uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang tiến tới loại trừ sởi và khống chế viêm gan B trong vài năm tới. Sau 25 năm triển khai chương trình TCMR ở Việt Nam, có khoảng 6,7 triệu trẻ được dự phòng khỏi mắc bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván sởi.... Thông qua việc triển khai thành công chương trình tiêm chủng mở rộng và các chương trình y tế khác, Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ dưới 5 tuổi nhờ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, số đối tượng trong diện tiêm chủng vắc xin ComBE Five tháng 12 năm 2018 là 10.854 trẻ; số  được tiêm: 7.486 trẻ, đạt tỷ lệ 69,0%, trong đó tiêm mũi 1 có 4.772/6.153 đối tượng, chiếm tỷ lệ 77,6%; mũi 2 có 1.747/2.777 đối tượng, chiếm tỷ lệ 62,9%; mũi 3 có 966/1.924 đối tượng, chiếm tỷ lệ 50,2%; số liều vắc xin đã sử dụng: 7.486 liều. Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ trong việc khám sàng lọc, tiêm chủng, theo dõi trẻ 30 phút tại điểm tiêm. Đặc biệt đã hướng dẫn chu đáo cho bà mẹ, người chăm sóc trẻ tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà sau khi tiêm đúng quy định. Các cán bộ chuyên trách đã ghi chép báo cáo tất cả trường hợp phản ứng thông thường được người nhà và cán bộ ghi nhận các trường hợp sốt < 39°C, sưng đau tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc. Tổng số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng đều được phát hiện và xử trí kịp thời, không để xảy ra tử vong.
Bác sỹ Huỳnh Vĩnh Thu - Trưởng khoa Phòng, chống Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Sau khi tiêm chủng, trẻ có thể có các biểu hiện của một phản ứng thông thường như sốt nhẹ (<38,5°C), sưng đau hoặc đỏ tại chỗ tiêm; cũng có khi trẻ có các biểu hiện toàn thân như khó chịu, mệt mỏi, chán ăn, không chịu bú, quấy khóc …Nếu nặng hơn, trẻ có biểu hiện sốt cao (> 39 0 C, co giật, trẻ khóc dai dẳng kéo dài, tím tái, khó thở, có thể có những cơn ngừng thở ngắn …. Cũng có thể trẻ li bì, nằm yên. Các phản ứng này có thể xảy ra ngay sau khi tiêm và diễn biến trong vòng 48 giờ sau tiêm. Do đó, các bà mẹ cần quan sát trẻ thường xuyên, lưu ý nhiều hơn vào ban đêm và chú ý không chạm hoặc đè vào chỗ tiêm, đặc biệt không đắp bất cứ gì lên vị trí tiêm. Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Các bà mẹ hoặc người chăm sóc trẻ phải biết rõ các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ bao gồm: toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm. Cho trẻ bú, ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú/ăn khi nằm…thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt về ban đêm. Không tự ý dùng thuốc mà phải theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.  Nếu trẻ sốt, cần đo nhiệt độ, theo dõi sát, chườm ấm, nới rộng quần áo. Sau khi sử dụng thuốc chủ động thông báo lại cho cán bộ y tế tình trạng sức khỏe của trẻ”. 
Các vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng đã qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt và sử dụng an toàn. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ khi đi tiêm chủng, các bà mẹ cần lưu ý: Phải giữ gìn phiếu/sổ tiêm chủng của trẻ và mang theo phiếu/sổ tiêm chủng khi đưa con đi tiêm chủng. Cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con, em mình như đang ốm, sốt, đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng đối với các loại vắc xin trong lần tiêm chủng trước, đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm chủng. Chủ động hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin được tiêm chủng lần này và những phản ứng có thể xảy ra, bế và giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Hỏi về cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm, các biểu hiện bất thường nào thì đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế…
Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc không đúng lịch sẽ dẫn đến nguy cơ cao bị mắc các bệnh bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ  như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, sởi và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib… Chính vì vậy, hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình TCMR và cả những vắc xin tiêm chủng dịch vụ. 
Sau tiêm chủng, cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, điều trị kịp thời khi trẻ có các biểu hiện: Sốt cao >39°C, khó đáp ứng với thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ; quấy khóc kéo dài, kích thích, trẻ mệt lả, li bì, hôn mê, co giật cục bộ hoặc toàn thân; nôn ói, bỏ bú hoặc bú kém; thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi, chân tay lạnh…
 

Tác giả bài viết: Thu Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay803
  • Tháng hiện tại505,515
  • Tổng lượt truy cập53,416,458
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây