Thành phố Quy Nhơn: Triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Chủ nhật - 27/01/2019 15:18
Từ ngày 25 - 26/01/2019, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, các Trạm Y tế xã, phường tiến hành triển khai tiêm vắc xin ComBE Five, vắc xin này được thay thế vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Quang cảnh buổi tiêm tại Trạm y tế
Quang cảnh buổi tiêm tại Trạm y tế

     Chúng tôi đã có ghi nhận về việc triển khai tiêm vắc xin ComBE Five tại một số Trạm y tế trên địa bàn thành phố. Mặc dù, thời tiết se lạnh nhưng nhiều phụ huynh vẫn đưa con đi tiêm vắc xin theo đúng lịch. Sáng ngày 25/01/2019, tại Trạm Y tế phường Hải Cảng có khoảng 50 trẻ tiêm vắc xin ComBE Five. Tại Trạm Y tế, để chuẩn bị cho buổi tiêm vắc xin cho trẻ đúng quy định, quy trình của Bộ Y tế, cán bộ của Trạm đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất như chuẩn bị chu đáo khu vực chờ trước tiêm, thực hiện tư vấn, khám sàng lọc, thực hiện tiêm chủng, theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm. Tại điểm tiêm các trang thiết bị được bố trí đầy đủ gồm tủ lạnh, phích đựng vắc xin, hòm lạnh bảo quản vắc xin, các thông số theo dõi nhiệt độ, thiết bị tiêm, dụng cụ cần thiết, hộp chống sốc…
      Chị Huỳnh Thị Thúy Kiều, Phụ trách Trạm Y tế phường Hải Cảng cho biết: Đợt tiêm này là lần thứ 03 triển khai tiêm vắc xin ComBE Five thay vắc xin Quinvaxem tại trạm: lần 01 vào ngày 25/10/2018 có 24 trẻ tiêm mũi 1; lần 02 vào ngày 25/12/2018 có 76 trẻ tiêm mũi 1, 2, 3 và lần 03 vào ngày 25/01/2019 với 50 trẻ tiêm mũi 1, 2, 3. Các trẻ đến tiêm vắc xin được cán bộ y tế đón tiếp, sau đó tiến hành đo nhiệt độ, khám sàng lọc, tiêm, chờ tiêm sau 30 phút. Để cho các bố mẹ của trẻ hiểu rõ và an tâm  đối với loại vắc xin mới này, cán bộ y tế đã tư vấn kỹ cho phụ huynh trước khi tiêm. Sau khi tiêm cán bộ y tế hướng dẫn cụ thể để phụ huynh theo dõi con em để xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra. 
Chị Trần Thị Ánh Trang, mẹ cháu Lê Quốc Bảo ở Tổ Chung cư Hoàng Anh Gia Lai khu vực 10 phường Hải Cảng chia sẻ:” Bé nhà chị đã được 7 tháng tuổi. Cháu đã được tiêm mũi vắc xin ComBE Five lần 1 tại trạm, lần đó cháu chỉ bị sốt nhẹ sau tiêm khi về nhà. Hôm nay chị đã đưa cháu đi tiêm đúng lịch để phòng bệnh cho con mình mặc dù chị cũng rất băn khoăn lo lắng trước thông tin về một số trường hợp trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vắc xin ComBE Five ở một số địa phương. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ y tế tại trạm tư vấn kỹ, chị đã yên tâm. Chị cũng mong không có phản ứng phụ gì xảy ra sau tiêm cho con mình”.
      Theo ghi nhận, trong các trẻ tiêm vắc xin ComBE Five hôm nay, có trẻ tiêm vắc xin 5 trong 1 mũi đầu tiên, có trẻ đã tiêm được 2 mũi Quinvaxem và tiêm mũi thứ 3 thì chuyển sang vắc xin ComBe Five. Đây là loại vắc xin mới triển khai nên Trạm Y tế phường theo dõi rất sát sao các trường hợp đã tiêm. Các bác sĩ luôn trực 24/24h tại phòng theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm và cung cấp số điện thoại của của Trạm để các phụ huynh liên hệ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
      Chị Huỳnh Thị Thúy Kiều, Phụ trách Trạm Y tế phường Hải Cảng chia sẻ: Vắc xin mới này phòng được những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ, giảm số mũi tiêm cho trẻ nhưng vì là vắc xin  mới nên đa số phụ huynh lo lắng. Do đó, khâu tư vấn cho phụ huynh yên tâm là rất quan trọng. Đối với trẻ được tiêm thì phải đủ 2 tháng tuổi, không mắc các bệnh cấp tính, không bị đau ốm hay đang bị  sốt, phải đủ cân nặng, không sử dụng Corticoid điều trị trong vòng 14 ngày, không có phản ứng với các lần tiêm trước...
            Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Vắc xin ComBE Five là loại vắc xin phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh này, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Sử dụng vắc xin phối hợp ComBE Five sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng như các thuốc hay loại vắc xin khác khi tiêm đều có thể xảy ra các phản ứng phụ.
            “Để kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra, sau khi cho trẻ đi tiêm, phụ huynh không vội vàng cho con về nhà ngay mà nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và xử lý kịp thời nếu có phản ứng bất thường xảy ra. Bên cạnh đó, khi đưa con về nhà, phụ huynh nên theo dõi trong thời gian từ 24 – 36 giờ; cần quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm; không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm; cho trẻ bú/ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú/ăn khi nằm, thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt ban đêm. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường như: sốt cao từ 39 độ C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú… thì phải báo ngay cho nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Lưu ý, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ mà phải theo chỉ dẫn của cán bộ y tế”, chị Huỳnh Thị Thúy Kiều – Phụ trách Trạm Y tế phường Hải Cảng lưu ý.

Một số hình ảnh buổi tiêm 

Hinh TYT Hai Cang 2
 
Hinh TYT Hai Cang 3
 
Hinh TYT Hai Cang 4
 
Hinh TYT Hai Cang 5

Tác giả bài viết: Thuỳ Vy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay617
  • Tháng hiện tại505,329
  • Tổng lượt truy cập53,416,272
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây