Ngày 11 tháng 01 năm 2024, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (Dự án Hoà nhập) do Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) - Chủ dự án và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) - Nhà tài trợ đã tổ chức cuộc họp tổng kết năm 2023. Đồng chủ trì sự kiện là ông Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc NACCET - Trưởng Ban quản lý dự án và Ông Anthony Kolb, Phó Giám đốc Phòng Hàn gắn và Phát triển Hòa nhập - USAID Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo của 03 đơn vị quản lý Dự án Hòa nhập, gồm: Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Tổ chức HI và Tổ chức CRS cùng các tổ chức triển khai Dự án.
Tham dự sự kiện này, về phía các cơ quan chính phủ có đại diện Vụ Xã hội/Văn phòng Quốc Hội, Cục Bảo trợ Xã hội/Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh/Bộ Y tế, Binh chủng Hóa học/Bộ Quốc phòng, Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Liên hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cùng các cơ quan, ban ngành có liên quan cũng như các đối tác của USAID. Đại diện tỉnh Bình Định, có Ông Lê Quang Hùng – Giám đốc Sở Y tế và đại diện các sở, ban, ngành liên quan và các đơn vị y tế thực hiện dự án Hòa nhập tại tỉnh cùng tham dự; đại diện các địa phương thụ hưởng dự án có các Sở, ban, ngành liên quan thuộc 8 tỉnh tham gia dự án, gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon-Tum, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai. Bên cạnh đó còn có các Sở, ban, ngành thuộc 3 tỉnh dự kiến sẽ triển khai mới là Quảng Ngãi, Cà Mau và Bạc Liêu cùng tham dự.
Dự án với với mục tiêu chính là Hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam được triển khai thực hiện cuối năm 2021 đến tháng 12/2023 và tiếp tục triển khai thực hiện bắt đầu từ tháng 01/2024 đến tháng 12/2026, do USAID tài trợ và NACCET là cơ quan chủ quản.
Tại cuộc họp, hơn 150 đại biểu tham dự đã chia sẻ và thảo luận về các thông tin liên quan đến những kết quả của dự án trong năm 2023. Những kết quả chính của dự án tập trung vào các lĩnh vực, gồm: Mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật; Mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật; Cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của người khuyết tật. Trong năm 2023, Dự án đã đạt được một số kết quả chính như sau: Khoảng 4.600 người khuyết tật được can thiệp phục hồi chức năng; khoảng 4.600 người khuyết tật được chăm sóc; khoảng 760 bác sỹ, kỹ thuật viên được đào tạo; 4.290 người nhà và người chăm sóc người khuyết tật được tập huấn. Trên cơ sở những kết quả đạt được, các đại biểu đã cùng thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai dự án, các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn trong công tác quản lý và điều phối dự án cũng như thảo luận các định hướng và ưu tiên cho năm 2024. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, giám sát chất lượng dịch vụ, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật.
Tại Bình Định, trong năm 2023 đã thực hiện Dự án Hòa nhập 2b với 3 mục tiêu chính: Mở rộng dịch vụ y tế và PHCN; mở rộng dịch vụ xã hội và chăm sóc cho người khuyết tật; thúc đẩy thực thi chính sách về người khuyết tật. Cùng với sự nỗ lực từ các đơn vị triển khai dự án và sự ủng hộ của tỉnh, dự án đã đạt các chỉ tiêu của năm 2023 mang lại những lợi ích thiết thực đối với người khuyết tật và gia đình người khuyết tật tại các xã thực hiện dự án thuộc 2 huyện (Tây Sơn và Phù Mỹ). Trong năm 2024, Dự án tiếp tục triển khai tại tỉnh với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống người khuyết tật, hỗ trợ người người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội và chăm sóc.
Tại tổng kết, ông Lê Quang Hùng – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, phát biểu có đề nghị năm 2024 để Dự án đạt hiệu quả hơn cần các nguồn vốn của Dự án có liên quan nên cấp sớm; cần điều chỉnh bổ sung hoạt động PHCN cho trẻ em khuyết tật, là đối tượng đặc biệt quan tâm và cần được chăm sóc; hoạt động giám sát hỗ trợ rất quan trọng để các cơ quan thực hiện dự án đạt hiệu quả về chuyên môn theo đúng quy trình quản lý và hiệu quả thực tế đối với người khuyết tật; hiện tại NKT được nhận một dịch vụ hỗ trợ (hoặc là PHCN hoặc là chăm sóc) nên rất cần các dịch vụ phối hợp và đan xen để NKT nhận được nhiều dịch vụ hỗ trợ hơn để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ những khách quan đó, dự án cần điều chỉnh bổ sung một số hoạt động cho phù hợp theo thực tế....
Tác giả bài viết: Thu Hiền - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh