Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19

Thứ sáu - 16/04/2021 16:39
Sáng ngày 16/04/2021 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long – Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương, cùng kết nối trực tuyến hơn 700 điểm cầu các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Bình Định, chủ trì Hội nghị có Ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; tham dự có Ông Nguyễn Văn Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế, Ban Lãnh đạo Sở Y tế và đại diện Lãnh đạo các phòng chức năng thuộc Sở; tham dự Hội nghị còn có các thành viên và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đại diện Lãnh đạo và cán bộ các đơn vị y tế có liên quan trên địa bàn tỉnh; cùng đại diện Lãnh đạo Ban Quản lý Cảng hàng không Phù Cát; đại diện Lãnh đạo Ban Quản lý Cảng Quy Nhơn.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại điểm cầu Viettel Bình Định (Ảnh Thùy Vy)
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại điểm cầu Viettel Bình Định (Ảnh Thùy Vy)
Tại Hội nghị trực tuyến sáng ngày 16/4/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, nguy cơ xuất hiện dịch COVID-19 tại Việt Nam là rất lớn trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh tại các nước láng giềng và trên thế giới. Trong khi đó, nước ta vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến bay giải cứu nên việc kiểm soát dịch trong thời gian tới rất khó khăn. Hiện nay khu vực nóng nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ. Do đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thành lập các đoàn công tác đi đến vùng này để kiểm tra. Do vậy, Bộ trưởng đã đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng giữ thật chặt khu vực biên giới, ngăn chặn các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo cách ly. Đây là những “chìa khóa” quan trọng trong kiểm dịch giai đoạn tới. Bộ Y tế liên tục nhắc nhở các địa phương không được lơ là, chủ quan, triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, đặc biệt các tỉnh có biên giới với Campuchia, do khu vực này không có ranh giới, chỉ có các cột mốc, đi lại rất dễ dàng. “Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, đặc biệt nhiễm biến chủng Anh, Nam Phi, sau đó lây nhiễm vào cộng đồng thì việc kiểm soát sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng đã nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương ngay khi phát hiện có người nhập cảnh về cần lập tức báo cho cơ quan chức năng để cách ly ngay đồng thời tăng cường tầm soát cộng đồng tại các khu vực nguy cơ cao, người phục vụ, cơ sở y tế… để nhận biết sớm các ca nhiễm. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương cập nhật bản đồ an toàn COVID-19 tại tất cả cơ sở y tế, kinh doanh, dịch vụ, trường học. Phòng khám nào không đảm bảo sẽ bị đình chỉ hoạt động. Đặc biệt, các địa phương phải có kịch bản về xét nghiệm, cách ly diện rộng, điều trị để sẵn sàng kích hoạt ngay khi có dịch. Mọi địa phương đều có thể xuất hiện dịch. Chúng ta không thể chắc chắn 100% dịch xảy ra ở đâu nên các tỉnh đều có nguy cơ.
Theo thông tin của Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 15/4 đến 6h ngày 16/4/2021: Việt Nam tạm thời không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, tổng số ca mắc COVID-19 của nước ta hiện là 2.758 ca. Việt Nam đến nay đã qua 21 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng tuy nhiên vẫn ghi nhận nhiều ca mắc là người nhập cảnh. Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết thêm, một số quốc gia như Thái Lan đang xuất hiện đợt bùng phát dịch mới, từ các ổ dịch ở Bangkok lan ra nhiều tỉnh. Tại Campuchia, dịch cũng hết sức phức tạp với hơn 4.300 ca mắc, đặc biệt trong những tuần gần đây số ca mắc tăng đột biến. Ông Tấn cũng lưu ý, vấn đề lưu tâm hiện nay là do tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng, tình trạng nhập cảnh trái phép, quản lý không tốt người nhập cảnh hợp pháp; kiểm tra giám sát chưa thường xuyên, chưa thực chất…
Tính đến 16 giờ ngày 15/04/2021, đã có 63.758 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như: lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Công an đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt I tại 19 tỉnh/thành phố. Hiện Việt Nam đang tích cực để có nguồn vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất, vì đã nảy sinh những vấn đề khó khăn, vướng mắc mới trong tiếp cận, đàm phán để mua các nguồn vắc xin, thậm chí “phải chấp nhận rủi ro mới tiếp cận được nguồn vắc xin”. Bộ Y tế cho biết đến nay vắc xin AstraZeneca vẫn đảm bảo an toàn nên sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm theo thứ tự ưu tiên, thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 5/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh theo nguồn Báo Sức khỏe đời sống - Bộ Y tế)
 Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã hết sức nỗ lực để có vắc xin phòng COVID-19 để phục vụ việc tiêm chủng. Bộ Y tế đã phân bổ 811.200 liều vắc xin AstraZeneca của COVAX phân bổ về 28 địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ, yêu cầu các địa phương phải lập danh sách đối tượng tiêm theo đúng Nghị quyết 21 và cần tổ chức tiêm chủng nhanh chóng, thực hiện xong trước ngày 15/5/2021 theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tất cả các tỉnh lập kế hoạch tiêm chủng theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 và kết thúc tiêm chủng trước ngày 5/5, thay vì ngày 15/5 như dự kiến ban đầu. Vì vắc xin của COVAX hết hạn vào ngày 30/5 nên yêu cầu các địa phương phải triển khai thật tốt, thật nhanh, không được phép để bất kỳ liều vắc xin nào phải hủy bỏ vì lý do không tổ chức tiêm chủng. Địa phương nào không tiêm sẽ thu hồi vắc xin, thông báo rộng rãi. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ trong cuộc họp ngày 15/4/2021. Bộ Y tế cũng mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin về lợi ích của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và mô hình tiêm chủng an toàn được triển khai tại Việt Nam để người dân tham gia tiêm chủng.
Về vấn đề an toàn tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam tiếp tục tiêm vắc xin COVID-19 theo đúng kế hoạch. Hiện nay chúng ta đã tiêm chủng cho hơn 73.000 người. Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế. Việt Nam hiện chỉ có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tất cả đều được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Tỉ lệ phản ứng quá mức sau tiêm chỉ ở mức 1%, cả 5 ca đều đã bình phục sau khi được xử trí đúng phác đồ. Có thể thấy mức độ phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng vắc xin AstraZeneca.
Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến. Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến sáng ngày 16/4/2021, Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về công tác an toàn tiêm chủng. Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vào ngày 15/4, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng. Hiện nay chúng ta có mạng lưới 1.500 đểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu. Đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thường trực ở mạng lưới này sẽ tập trung giúp tất cả các địa phương trên toàn quốc. Bộ Y tế đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng lên rất cao, chúng tôi tin rằng với đội ngũ chuyên gia như vậy và cách làm như vậy thì chúng ta tự tin có thể xử lý tốt những trường hợp có phản ứng không mong muốn sau tiêm. Trên thực tế vừa rồi, Việt Nam đã xử lý tốt tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm. Việt Nam đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng ở mức độ rất cao và cao hơn yêu cầu. Có nhiều trường hợp phản ứng sau tiêm chưa đến mức nặng nhưng vẫn xử lý như trường hợp nặng. Bộ Y tế đồng ý phương án này, nâng cao hơn một mức so với khuyến cáo chung của quốc tế và WHO”, ông Long nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch trong năm 2021 chưa thể kiểm soát được. Nhiều quốc gia vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận 600.000 - 700.000 ca mắc mới, 1.000 - 2.000 ca tử vong. Tại Hội nghị, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vắc xin là một trong những biện pháp để phòng chống COVID-19. Những lợi ích mà vắc xin mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, vắc xin không phải là biện pháp duy nhất để phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải tiếp tục thực hiện đồng bộ hơn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như đã thực hiện trong những năm qua.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu còn được nghe một số báo cáo liên quan về: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Cục Y tế dự phòng), Công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 (Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương - Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia), Công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19 (Cục Quản lý Khám chữa bệnh)… Hội nghị còn được nghe nhiều ý kiến thảo luận, kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị tại các điểm cầu và ý kiến giải đáp của Bộ Y tế về các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như công tác tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19 hiện nay./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập64
  • Hôm nay4,244
  • Tháng hiện tại177,043
  • Tổng lượt truy cập52,795,384
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây