Cần làm gì để dự phòng đột quỵ tái phát?

Thứ tư - 21/12/2022 08:57
SKĐS - Sau khi xảy ra đột quỵ lần đầu, người bệnh đều có nguy cơ tái phát rất cao. Nhất là các trường hợp lần đầu tiên không được phát hiện và người bệnh không chú ý kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền để làm giảm các nguy cơ gây tái phát.

 

8 thay đổi lối sống giúp ngăn ngừa đột quỵ

8 thay đổi lối sống giúp ngăn ngừa đột quỵ

SKĐS - Thực hiện một lối sống lành mạnh, không chỉ giúp giảm nguy cơ đột quỵ mà còn giúp bảo vệ cơ thể theo nhiều cách khác nhau.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, một người sau khi bị đột quỵ thì nguy cơ tái phát thường rất cao, nhất là trong 3 tháng đầu kể từ ngày bị đột quỵ lần đầu tiên. Theo ước tính, đột quỵ có tỷ lệ tái phát khoảng 25% trong 5 năm đầu tiên. Trong đó, nếu đột quỵ do các nguyên nhân thuộc nhóm nguy hiểm thì tỷ lệ này sẽ cao hơn. Các ghi nhận cho thấy, ở người bệnh xơ vữa nặng các động mạch não, nguy cơ tái phát có thể lên đến 20% ngay trong năm đầu tiên.

Theo Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Mỹ (NINDS), có khoảng 200.000 ca đột quỵ mỗi năm xảy ra ở những người trước đó từng bị đột quỵ. Bởi vậy, phòng ngừa nhằm giảm nguy cơ tái phát là rất quan trọng.

Cần làm gì để dự phòng đột quỵ tái phát? - Ảnh 2.

Sau khi xảy ra đột quỵ lần đầu, người bệnh đều có nguy cơ tái phát rất cao.

Dưới đây là những nguyên tắc giúp giảm nguy cơ tái phát đột quỵ

Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Người bệnh nói chung và người bệnh đột quỵ cần phải tuân thủ thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Các thuốc của người bệnh đột quỵ có thể bao gồm thuốc giảm tình trạng xơ vữa mạch máu, thuốc chống kết hợp tiểu cầu, kháng đông và các thuốc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường... Người bệnh cần uống thuốc theo đúng đơn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thêm các loại thuốc khác. Tái khám đúng lịch và tuân thủ liệu trình, đặc biệt không tự ý thêm, bớt liều thuốc, vì điều này có thể khiến các yếu tố nguy cơ không được kiểm soát tốt, dẫn đến đột quỵ quay lại.

Kiểm soát và điều trị các bệnh lý nền

Nếu người bệnh có các bệnh lý nền là yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao… thì việc kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sĩ là điều rất quan trọng để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ.

Đối với người tăng huyết áp đã trải qua cơn đột quỵ, cần được bác sĩ và người nhà theo dõi huyết áp sát sao. Việc này giúp huyết áp của người bệnh luôn được đảm bảo dưới ngưỡng tối đa và hạn chế đột quỵ, vì khi huyết áp tăng cao, người bệnh sẽ không cảm nhận được dấu hiệu đột quỵ. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thay đổi chế độ ăn uống và đo huyết áp hàng ngày.

Đối với người bệnh đái tháo đường, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 3 lần so với bình thường. Ngoài ra, người bệnh cũng dễ mắc các bệnh khác như tăng huyết áp, béo phì… nên cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống, để làm giảm lượng đường trong máu và hạn chế biến chứng của bệnh có nguy cơ gây ra đột quỵ.

Cần tránh khói thuốc lá, rượu bia: Người bệnh đột quỵ cần bỏ thuốc lá và tránh xa rượu bia... vì đây là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ tuổi. Theo nghiên cứu, khói thuốc làm tăng quá trình xơ vữa động mạch và khiến máu dễ đông hơn. Tương tự, bia rượu làm tăng nồng độ Triglycerid trong máu, đây là một loại mỡ máu có thể gây xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, bia rượu còn làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ.

Cần làm gì để dự phòng đột quỵ tái phát? - Ảnh 4.

Người bệnh đã từng trải qua cơn đột quỵ cần thay đổi thói quen không lành mạnh

Thay đổi thói quen, có lối sống khoa học

Người bệnh đã từng trải qua cơn đột quỵ cần thay đổi thói quen không lành mạnh, có lối sống khoa học để dự phòng cơn đột quỵ tái phát. Cụ thể, người bệnh cần có chế độ ăn uống và vận động thể dục thể thao.

Cần ăn nhiều các thực phẩm tốt cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Trong đó ưu tiên hoa quả, rau xanh, hải sản, thịt nạc, ngũ cốc hạt và chất xơ. Cần ăn nhiều cá, nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần. Các loại cá tốt cho sức khỏe là cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi… Cần hạn chế đồ ăn có chứa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường. Cần giảm muối ăn các món kho mặn, vì ăn quá mặn sẽ làm tăng huyết áp.

Ngoài ra, cần thường xuyên luyện tập thể dục giúp điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ đái tháo đường và giảm nguy cơ đột quỵ. Tập luyện thể thao cũng giúp người bệnh nâng cao sức khỏe và tinh thần. Các vận động được ưu tiên là đi bộ, chạy, bơi lội, yoga, dưỡng sinh…

Người bệnh luôn lắng nghe cơ thể và không bỏ sót những triệu chứng dù nhỏ nhất cũng là một điều quan trọng để tránh đột quỵ cũng như các bệnh lý nghiêm trọng khác. Nhiều trường hợp trước khi khởi phát cơn đột quỵ, bệnh nhân có các dấu hiệu của thiểu năng tuần hoàn não (thiếu máu não) như đau đầu, chóng mặt, đột ngột nhìn mờ… nhưng không đi khám để chẩn đoán, điều trị. Đến khi bệnh tiến triển, gây biến chứng đột quỵ thì hậu quả sẽ khôn lường.

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) xảy ra khi một phần của não bộ bị tổn thương do mất đi nguồn nuôi dưỡng. Theo các chuyên gia y tế, sau khi xảy ra cơn đột quỵ lần đầu, nguy cơ tái phát sẽ rất cao; đặc biệt là khi lần đầu tiên không được phát hiện và khi người bệnh không chú ý kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền.

 

Tác giả bài viết: ThS. BS Đoàn Văn Anh- Theo SK-ĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay5,629
  • Tháng hiện tại178,428
  • Tổng lượt truy cập52,796,769
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây