Hiệu quả từ dự án hỗ trợ người khuyết tật vận động tại thành phố Quy Nhơn
Thứ ba - 08/06/2021 00:51
Vừa qua, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng (cơ sở 2) phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn tổ chức hoạt động khám xác định nhu cầu phục hồi chức năng, dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật vận động tại 3 phường: Đống Đa, Trần Hưng Đạo, Thị Nại. Với tổng số 133 người khuyết tật vận động từ 60 tuổi trở xuống bị khuyết tật ở các dạng bệnh như bại não, liệt nửa người, cứng khớp, cụt chi… được khám, xác định nhu cầu để hỗ trợ dụng cụ trợ giúp. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ người khuyết tật vận động tại Bình Định, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Tổ chức Trung tâm Quốc tế (IC) cho Sở Y tế Bình Định, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các công nghệ, dụng cụ trợ giúp có chất lượng cho người khuyết tật vận động tại địa phương triển khai dự án, từ đó nâng cao khả năng độc lập trong sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Theo ghi nhận, tại 03 Trạm Y tế tổ chức khám cho người khuyết tật, Đoàn khám bố trí các bàn khám theo đúng quy định phòng chống dịch COVID-19. Người đến khám thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, người khuyết tật đến khám theo giờ đã hẹn trước. Tại Trạm Y tế phường Trần Hưng đạo và Thị Nại bố trí 02 bàn khám. Riêng Trạm Y tế phường Đống Đa bố 4 bàn khám trong thời gian 2 ngày. Mỗi bàn khám mỗi lần chỉ khám cho 01 người khuyết tật, Đoàn đã khám cho 133 người khuyết tật vận động từ 60 tuổi trở xuống bị khuyết tật ở các dạng bệnh như bại não, liệt nửa người, cứng khớp, cụt chi…Qua đó xác định nhu cầu thực tế của người khuyết tật vận động để dự án hỗ trợ dụng cụ trợ giúp. Với mục tiêu giúp người khuyết tật vận động có phương tiện để dễ dàng và thuận lợi di chuyển tại gia đình và tại cộng đồng trong sinh hoạt hàng ngày của cá nhân người khuyết tật, đồng thời có sự hỗ trợ của người thân.
Đơn cử trường hợp của Chị Võ Thị Ẩn, ở Tổ 7, Khu vực 2, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, 60 tuổi. Chị bị sốt bại liệt lúc 11 tháng tuổi, sau đó yếu liệt hai chi dưới, teo cơ 2 chi dưới. Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của chị độc lập, di chuyển trong nhà bằng ván trượt. Đến khám xác định nhu cầu dụng cụ trợ giúp, chị mong muốn di chuyển ra ngoài nhà được an toàn và thuận tiện hơn với dụng cụ trợ giúp là xe lăn. Chị Ẩn chia sẻ: Bản thân không làm gì được, mọi việc đều nhờ người nhà trợ giúp. Sự di chuyển khó khăn, tôi rất mong muốn được hỗ trợ dụng cụ trợ giúp để di chuyển dễ dàng hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Khó khăn nhất đó là bản thân mình không làm gì được, mọi chi phí hàng ngày đều được anh chị em đều giúp đỡ, và hàng tháng được hỗ trợ của nhà nước dành cho người khuyết tật.
Cũng như bao người khuyết tật khác, trường hợp của bạn Lê Thị Thảo Sương, 36 tuổi ở Tổ 22, Khu vực 4, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Bạn bị bệnh bại não từ lúc mới sinh. Hiện tại nói không rõ lời, nói khó, nói từng tiếng một; thỉnh thoảng có những biểu hiện phẫn nộ cáu gắt; cứng các khớp tứ chi; hạn chế vận động, tăng trưởng lực cơ tứ chi, không tự đi được, di chuyển bằng cách lếch; tăng động phần đầu và cổ; kiểm soát được đầu cổ; yếu tứ chi. Nhận thức chậm, có lúc rối loạn cảm xúc. Bản thân không tự ăn, vì 2 tay tăng động, cử động liên tục; không đi lại được, tự lếch trong nhà; và mọi sinh hoạt khác đều có người thân trợ giúp. Khi trò chuyện với người cha của bạn Thảo Sương là ông Lê Văn Lộc, chúng tôi ngậm ngùi khi nhận thấy trên gương mặt của ông thấm đượm nỗi đau trong 36 năm qua vì bệnh tật của con mình. Ông chỉ biết an ủi và nuôi con đến từng ấy năm. Khi nghe địa phương thông báo đến khám sức khỏe và xác định nhu cầu hỗ trợ dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật, thì bản thân ông rất phấn khởi nếu có được sự hỗ trợ từ dự án sẽ giúp gia đình đỡ vất vả hơn trong việc di chuyển của con mình trong nhà và ra ngoài cộng đồng được thoải mái hơn. Ông Lộc, cho biết: Quá trình bệnh tật của cháu đã ba mươi mấy năm nay rồi. Tình hình của cháu rất khó khăn, trong gia đình chỉ có 2 vợ chồng già thôi, cố gắng nuôi cháu đến bây giờ. Hôm nay, nếu may mắn được hỗ trợ chiếc xe lăn thì rất quý báu, rất cảm ơn dự án. Để cháu có phương tiện ra vào trong nhà, chứ hiện cháu bò lếch tội lắm. Cái khó của gia đình là không có chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt của cháu đều có người nhà hỗ trợ như việc ăn uống, vấn đề vệ sinh của cháu... Nói chung, có được chiếc xe lăn là tạm ổn, để cháu di chuyển thuận lợi, không phải bò lếch nữa.
Trường hợp của Bà Trần Thị Minh Chung, ở Phường Trần Hưng Đạo, rất khổ tâm, vất vả khi cháu ngoại của mình không như bao đứa trẻ bình thường khác. Từ lúc mới sinh ra, khoảng 1 tháng sau đó cháu bị bại não. Trong mười một năm qua, mọi sinh hoạt của cháu đều được người thân chăm sóc. Cháu không tự chăm sóc bản thân mình được. Bà Chung chia sẻ: Gia đình rất khổ tâm về bệnh tình của cháu tôi và mong muốn dự án trợ giúp cho chiếc xe lăn để gia đình đỡ khổ trong việc chăm sóc cháu tại gia đình. Tôi biết ơn chương trình đưa về địa phương, mong muốn sớm có xe hỗ trợ cho cháu để gia đình đỡ vất vả hơn trong sinh hoạt cá nhân cho cháu trong nhà và đẩy cháu ra môi trường xung quanh nhà thì tốt biết mấy.
Theo các bác sĩ trong Đoàn khám xác định nhu cầu phục hồi chức năng, trong quá trình khám tại các huyện thuộc Dự án nói chung và thành phố Quy Nhơn nói riêng, người khuyết tật vận động chủ yếu mắc các dạng bệnh như khuyết tật về cơ xương khớp, bị các tai nạn lao động, tai nạn trong sinh hoạt, các di chứng của tai biến mạch máu não… Qua quá trình khám cùng với kỹ thuật viên xác định nhu cầu để hỗ trợ dụng cụ trợ giúp, đồng thời hướng dẫn cho người nhà tập luyện cho người khuyết tật vận động theo từng trường hợp bệnh cụ thể. Chẳng hạn, đối với bệnh nhân liệt thì hướng dẫn cách xoay trở, chống loét. Đối với bệnh nhân cứng các khớp thì hướng dẫn vấn đề co, giãn, gấp, duỗi, xoa bóp để trong quá trình đó người khuyết tật sẽ phục hồi dần; những trường hợp nặng không phục hồi sẽ cố gắng giữ lại mức độ tiến triển. Bác sĩ Phan Văn Ngà, Trung tâm Y tế Phù Cát, cho biết về việc Khám xác định nhu cầu phụ hồi chức năng, dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật vận động: Thực hiện kế hoạch của Dự án IC và Sở Y tế Bình Định đã thống nhất, Bệnh viện YHCT-PHCN (cơ sở 2) tiến hành khám cho người khuyết tật vận động ở 03 phường của thành phố Quy Nhơn. Qua đợt khám này, đối với trạm y tế phường lập danh sách nhân lực các đối tượng tại địa phương có các dạng khuyết tật vận động. Qua khám xác định nhu cầu trợ giúp về vấn đề vận động. Qua đó sẽ hỗ trợ phương tiện phù hợp để giúp cho người khuyết tật vận động. Các phương tiện di chuyển như xe lăn, xe lắc, gậy, nạn; hỗ trợ giúp các phương tiện về tư thế như các ghế ngồi của trẻ bại não; hoặc dụng cụ vệ sinh hàng ngày như ghế bô, ghế tắm. Để làm được vấn đề này, đòi hỏi đoàn phải khám kỹ từng trường hợp và trao đổi với người nhà trong từng trường hợp để thống nhất và đưa ra các giải pháp phù hợp và hỗ trợ các phương tiện phù hợp đối với từng người khuyết tật để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng an toàn và hiệu quả… Nhìn chung, tất cả những người khuyết tật vận động đều gặp phải những khó khăn, rào cản trong sinh hoạt, qua khám khai thác những khó khăn nào thuộc về gia đình thì cán bộ dự án sẽ hướng dẫn cho gia đình để giúp đỡ cho người khuyết tật tốt hơn về khâu chăm sóc. Ví dụ như người khuyết tật cần cấp một ghế bộ vệ sinh, nếu người nhà hỗ trợ di chuyển từ giường qua ghế bô vệ sinh là rất khó. Do đó vai trò của người trợ giúp của người nhà là rất lớn trong vấn đề hỗ trợ cho người khuyết tật. Khám tư vấn cho người khuyết tật là một phần, nhưng hơn hết đó là sự quan tâm giúp đỡ của người nhà đối với người khuyết tật là vô cùng quan trọng. Đồng thời vấn đề môi trường tại gia đình góp phần phát huy hiệu quả của dụng cụ trợ giúp, làm thế nào để di chuyển trong nhà hoặc ra ngoài cộng đồng được thuận lợi khi được hỗ trợ dụng cụ trợ giúp để người khuyết tật hòa nhập vươn lên, tạo thêm niềm vui về tinh thần cho họ trong cuộc sống.
Khám xác định nhu cầu phục hồi chức năng/dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật vận động trong khuôn khổ Dự án sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe và được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn về phục hồi chức năng và xác định nhu cầu về dụng cụ trợ giúp trong từng trường hợp cụ thể, người khuyết tật vận động sẽ được cấp dụng cụ trợ giúp. Khi được cấp dụng cụ trợ giúp, người khuyết tật vận động và gia đình cần phải sử dụng dụng cụ trợ giúp một cách hiệu quả mang ý nghĩa thiết thực trong sinh hoạt hàng ngày cho người khuyết tật; giúp họ vượt qua khó khăn của bản thân mà vươn lên trong cuộc sống. Cần tránh trường hợp người khuyết tật được cấp dụng cụ trợ giúp mà ít sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả sẽ tạo ra những lãng phí và làm hạn chế khả năng vận động của người khuyết tật trong cuộc sống hàng ngày và ít có cơ hội để vươn lên./.
Tác giả bài viết: Thu Hiền (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)