Tăng cường chế độ dinh dưỡng 4-5-1 của Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống dịch COVID-19

Thứ hai - 24/08/2020 09:35
Bộ Y tế khuyến khích người dân áp dụng công thức dinh dưỡng 4–5-1 vào bữa ăn hàng ngày bên cạnh việc tăng cường vận động và giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như môi trường sống, để mỗi người sẽ là “một lá chắn thép” vững chắc trong công cuộc chiến đấu với COVID-19.
Áp dụng công thức dinh dưỡng 4-5-1 tăng cường sức khỏe trong mùa dịch (Ảnh minh họa)
Áp dụng công thức dinh dưỡng 4-5-1 tăng cường sức khỏe trong mùa dịch (Ảnh minh họa)
      Nội dung nằm trong chuỗi hoạt động Chiến dịch truyền thông “Niềm tin chiến thắng” được Bộ Y tế phát động nhằm nâng cao nhận thức của người dân cần tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch hiệu quả vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
     Một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, người dân cần thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và xây dựng lối sống lành mạnh tạo thành thói quen có lợi sức khỏe để đẩy lùi dịch bệnh. Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp tăng sức đề kháng để có một sức khỏe tốt phòng, chống lại dịch bệnh.
     Một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ và cân bằng các yếu tố đa lượng và vi lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch, có thể giúp giảm nguy cơ mắc cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người khỏe mạnh chưa mắc bệnh, chế độ ăn không đầy đủ, thiếu cả số lượng và chất lượng vẫn còn rất phổ biến, điều này khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu và dễ mắc bệnh.
Công thức dinh dưỡng 4–5-1vào bữa ăn hàng ngày góp phần tăng cường sức khỏe mùa dịch. Cân bằng dinh dưỡng là chìa khóa để tăng cường sức đề kháng. Cụ thể, Bộ Y tế khuyến cáo người dân áp dụng theo công thức dinh dưỡng 4-5-1 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. 
    Số 4 chính là chế độ ăn cân đối 4 yếu tố: Cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng trong chế độ ăn (Carbohydrate; protein; lipid);  Cân đối về protein (giữa đạm động vật và thực vật); Cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật); Cân đối về vitamin và khoáng chất. Do đó, để đạt được sự cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng thì lượng chất đạm (protein) phải đạt từ 13 - 20%; chất béo (lipid) từ 20 - 25% và tinh bột (carbohydrate) từ 55 - 65% trong bữa ăn hằng ngày.
     Số 5 trong công thức này nghĩa là, để đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn cần phải có ít nhất 5/8 nhóm thực phẩm. Các nhóm bao gồm: Nhóm lương thực (gạo, mì) là thức ăn cơ bản và cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Nhóm các loại hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc,…) là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể; nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp chất đạm động vật và canxi quan trọng cho cơ thể. Nhóm thịt các loại, cá, hải sản. Nhóm này cung cấp chất đạm động vật, đặc biệt các axít amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp được; nhóm trứng và các sản phẩm của trứng là nguồn cung cấp chất đạm động vật và nhiều chất dinh dưỡng quý cho cơ thể. Nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ (cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua) hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng chủ yếu cho cơ thể. Loại rau càng sẫm màu càng có giá trị dinh dưỡng với cơ thể. Nhóm rau củ quả khác (su hào, củ cải...) cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ. Và nhóm dầu ăn, mỡ các loại là nguồn cung cấp năng lượng và các axít béo cần thiết cho cơ thể.
      Cuối cùng, số 1 chính là một bữa ăn hoặc dinh dưỡng trong một ngày cần sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm. Theo đó, công thức dinh dưỡng 4-5-1 cho thấy, trong mỗi bữa ăn phải đảm bảo tính đa dạng, cân đối không kiêng khem hoặc lạm dụng bất cứ thực phẩm nào.
       Ngoài áp dụng công thức trên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, nên chú ý việc lựa chọn thực phẩm an toàn kể cả tươi sống và thực phẩm công nghiệp. Trong đó, khi lựa chọn thực phẩm công nghiệp, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, cần chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có công bố chất lượng đầy đủ. Người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm trên bao bì, thành phần nguyên liệu và hạn sử dụng. Thực phẩm phải có quy trình sản xuất minh bạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời không nên tích trữ nhiều để luôn sử dụng được sản phẩm tươi mới.
     Bên cạnh đó chúng ta cần vận động thường xuyên tại nhà cũng giúp cho việc phòng bệnh hiệu quả: Chỉ cần 30 phút/ngày bằng bất cứ cách nào bạn thích; Nhún nhảy theo các bài hát yêu thích; Tích cực lên xuống cầu thang; Yoga nhẹ nhàng cũng tốt; Hoặc đốt mỡ thừa nhiều hơn với các bài tập cùng tạ nặng…
      Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay1,567
  • Tháng hiện tại185,566
  • Tổng lượt truy cập52,803,907
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây