Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh SXH là do nắng nóng kết hợp mưa chuyển mùa là điều kiện thích hợp cho muỗi phát triển nếu chúng ta không có biện pháp diệt bọ gậy kịp thời; bệnh tay chân miệng là do bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, qua đường phân- miệng. Do đó thời tiết nắng nóng, điều kiện vệ sinh kém là yếu tố làm dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó, bị ngộ độc thực phẩm do thời tiết nóng nực, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, thêm vào đó là thói quen thức ăn chưa đươc nấu chín, ăn uống ngoài trời không đảm bảo vệ sinh, tập trung quá đông người trong những sự kiện là yếu tố làm dễ ngộ độc. Ngoài ra những người có bệnh nền đặc biệt ở người cao tuổi dễ chuyển nặng. Người bệnh tăng huyết áp có thể bị cơn tăng huyết áp kịch phát do nóng, lạnh đột ngột. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể dẫn đến đột quỵ. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay hen phế quản dễ trở nặng do không khí ô nhiễm khói bụi, môi trường ngột ngạt… cũng là những vấn đề đáng lưu ý.
BsCKII Bành Quang Khải – Phó Giám đốc TTYT thành phố Quy Nhơn cho biết: biểu hiện chủ yếu của bệnh SXH là sốt cao đột ngột, đau cơ, đau đầu, có thể nôn ói, đau vùng gan. Chấm xuất huyết dưới da.Nặng hơn có thể chảy máu mũi, răng, chảy máu đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục, trường hợp nặng huyết áp tụt kẹp, có thể đi vào sốc. Khi nghi ngờ SXH nên đi khám ở các cơ sở y tế. Đối với bệnh TCM các dấu hiệu chính gồm nổi ban trên da, đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị chân tay miệng. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước. Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế. Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu TCM do đó người chăm sóc trẻ phải biết cách chăm sóc trẻ, cách phát hiện sớm các triệu chứng nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời khi cần thiết.
Trong tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, để giúp phòng bệnh cho trẻ cần tiêm vắc xin phòng bệnh mùa hè cho trẻ như: viêm não, sởi, thủy đậu…; thực hiện vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên. Vệ sinh môi trường sống xung quanh, xử lý các vật dụng, nơi có thể đọng nước, không để muỗi vằn gây bệnh SXH có điều kiện phát triển. Không nên để xảy ra hiện tượng nóng, lạnh đột ngột nhất là ở người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính. Máy lạnh nên để nhiệt độ khoảng từ 25-270C và không nên cho luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào người. Thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm: ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày. Khi trời nắng nóng không nên ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết. Nếu phải ra khỏi nhà cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng. Ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chế độ ăn hợp lý với tình trạng bệnh do nhân viên y tế hướng dẫn; loại bỏ những thói quen có hại như thuốc lá, uống rượu bia. Ngủ đủ giấc, tranh thủ vận động cơ thể khi điều kiện bệnh cho phép…, Bs Khải cho lời khuyên./.