Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại tỉnh Bình Định
Thứ năm - 06/08/2020 09:50
Thực hiện Quyết định số 3346/QĐ-BYT ngày 29/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập 08 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Ngày 5/8/2020, Đoàn công tác số 07 Bộ Y tế kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại tỉnh Bình Định do Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn làm Trưởng đoàn; cùng đại diện Cục Quản lý Môi trường Y tế và Viện Pasteur Nha Trang.
Buổi sáng, Đoàn làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bạch hầu,Covid-19 và các biện pháp triển khai. Trung tâm đã báo cáo tóm tắt công tác phòng chống dịch bệnh tại tỉnh vềcông tác chỉ đạo điều hành, hoạt động giám sát dịch bệnh tạiđịa phương, điều tra xử lý dịch, truyền thông.Trong công tác phòng chống SXH, Trung tâm đã kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội đáp ứng nhanh sẵn sàng ứng phó tình hình dịch bệnh xảy ra. Tổ chức các đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát, đốc thúc và hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa bàn trọng điểm; kiểm tra hoạt động của mạng lưới cộng tác viên SXH tại các địa phương triển khai; bố trí cán bộ, máy phun phối hợp và hỗ trợ các huyện triển khai xử lý dịch, tổ chức các chiến dịch phòng chống SXH; giám sát việc chốt đối tượng và tổ chức tiêm chủng tại các địa phương.Giám sát bệnh nhân SXH thường xuyên tại tất cả các bệnh viện và cộng đồng nhằm phát hiện sớm ca bệnh SXH. Triển khai chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống dịch SXH Dengue tại tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đã căn cứ vào tình hình bệnh nhân, chỉ số véc tơ cụ thể ở mỗi địa phương và xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch. Đã có 7/10 huyện triển khai phun chủ động đợt 1 năm 2020.Tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy được 120 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 17 xã phường tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy lần 2.Năm 2020, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến rất phức tạp trên thế giới và trong nước. Ngoài dịch bệnh Covid-19, tình hình dịch bệnh SXH, TCM cũng diễn biến phức tạp, dịch bệnh bạch hầu lan rộng nhiều địa phương thuộc các tỉnh Tây Nguyên và xuất hiện ở một số tỉnh thành khác như thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Bình Phước. Mặc dù đến nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh Covid-19, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vẫn luôn duy trì ở mức cao với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tính đến ngày 3.8, có186 trường hợpcách ly, điều trị tại bệnh viện,trong đó có 114 trường hợp đã đưa ra khỏi diện cách ly điều trị, 72 trường hợp đang được cách ly điều trị: Bệnh viện Đa khoa tỉnh 39 ca, Bệnh viện ĐKKV Bồng Sơn 32 ca và Bệnh viện Quân Y 13: 01 ca.Có 199 trường hợp được cách ly tập trung,trong đó 136 người đang được cách ly, 63 trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung về địa phương tiếp tục theo dõi sức khỏe. Có 10.054 trường hợpcách ly tại nhà/nơi lưu trú,trong đó 7.120 trường hợp đã hoàn thành cách ly, hiện đang cách ly 2.934 trường hợp.Có 3.006 trường hợp có yếu tố liên quan đang được theo dõi, giám sát sức khỏe tại nhà. Đã lấy mẫu xét nghiệm 849 trường hợp. Trong đó 802 mẫu xét nghiệm âm tính, 47 trường hợp đang chờ kết quả. Tại các chốt kiểm tra y tế được thực hiện giám sát chặt chẽ, kiểm tra thân nhiệt, lập tờ khai y tế tại Ga quốc nội - Cảng Hàng không Phù Cát;Cảng Biển Quy Nhơn; Ga Diêu Trì; ga Bồng Sơn; đèo Bình Đê, đèo Vĩnh Tuy; Bến xe Trung tâm Quy Nhơn; quốc lộ D; đèo Cù Mông. Bên cạnh phòng chống dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh và Sở Y tế cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo tăng cường phòng chống các dịch bệnh khác như SXH, TCM, bạch hầu. Các địa phương trong tỉnh cũng đã duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch SXH, TCM trên địa bàn tỉnh, xử lý kịp thời tất cả các ổ dịch và triển khai các hoạt động xử lý chủ động SXH. Nhờ vậy đến nay cơ bản dịch SXH, TCM được khống chế, không để dịch bùng phát trên diện rộng.
Đoàn làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh về công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch SXH, bạch hầu,tay chân miệng và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới.Theo báo cáo của BVĐK tỉnh, tình hình thu dung điều trị SXHtừ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 1.835 ca SXH, trong đó 382 caSXH có dấu hiệu cảnh báo, 1.348 SXHDengue,23 ca SXHDengue nặng, 82 caSXH có shook.Bệnh viện thực hiện cách ly 57 trường hợp nghi nhiễm Covid-19; chưa tiếp nhận ca bệnh bạch hầu. Hầu hết các trường hợp mắc SXH đã được điều trị khỏi, có 01 trường hợp nặng xin về, 01 trường hợp tử vong. Ngay khi phát hiện bệnh nhân nghi ngờ mắc SXH Dengue thực hiện các bước chẩn đoán xác định bệnh, các biện pháp chống lây bệnh theo quy định.Về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện đã dừng các hoạt động không cần thiết, tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch, tái kích hoạt 2 đội phản ứng nhanh và 6 đội hỗ trợ chuyên môn, thành lập đội sàng lọc, phân luồng hoạt động 24h/ngàytại trạm phân luồng ở ngay cổng Khoa khám bệnh, thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế rút gọn cho tất cả mọi người vào khoa khám, phân luồng bệnh nhân có yếu tố dịch tễ (đến từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày) và triệu chứng hô hấp thì được đưa vào Phòng khám Hô hấp. Chuyển Phòng khám phân luồng và Phòng khám sàng lọc bệnh hô hấp vào khu nhà riêng bên cạnh cổng vào Khoa khám bệnh để đảm bảo sự tách biệt với tòa nhà chính của Khoa khám.Tái thiết lập khu cách ly điều trị, xét nghiệm sàng lọc, chuyển Khoa truyền nhiễm vừa mới hoàn thành thành Khu cách ly điều trị với 50 giường bệnh, trong đó có 6 giường cấp cứu với các trang thiết bị gồm máy thở, máy monitoring, máy khí dung, máy hút đờm… Thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV2 bằng phường pháp RT-PCR tại Khoa Vi sinh.
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác sàng lọc, phân luồng khám bệnh tại BVĐK tỉnh. (Ảnh Thu Hiền)
Công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện đã được kiểm soát chặt chẽ, bắt buộc toàn bộ người vào bệnh viện phải mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng/sát khuẩn tay nhanh và được kiểm soát thân nhiệt; tái thiết lập các chốt chặn tại cửa vào các khoa, phòng nội trú thực hiện kiểm soát thân nhiệt người vào, sát khuẩn tay nhanh; không cho người nhà đến thăm bệnh, mỗi người bệnh chỉ có 01 người nuôi bệnh; lập danh sách và thực hiện khai báo y tế đầy đủ cho tất cả bệnh nhân và người nuôi bệnh; kiểm soát việc đeo khẩu trang, khai báo y tế và đo thân nhiệt cho toàn bộ khách đến làm việc; thực hiện vệ sinh khoa khám 2 lần/ngày, khử khuẩn 2 lần/tuần; giảm số bệnh nhân nội trú để tạo giãn cách an toàn trong các khoa.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Y tế đã có buổi làm việc cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh tại Sở Y tế có đại diện các sở, ban, ngành. Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế ông Lê Quang Hùng báo cáo với Đoàn về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19,sốt xuất huyết, tay chân miệng,bạch hầu trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay,toàn tỉnh đã ghi nhận 376 ca bệnh tay chân miệng;3.094 ca bệnh sốt xuất huyết, 01 trường hợp tử vong.Số ca bệnh SXH giảm 25% và số ổ dịch giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019 (ghi nhận 4.119 ca bệnh và 216 ổ dịch).Số ca mắc bệnh tay chân miệng cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ ghi nhận 180 ca mắc và 02 ổ dịch).Số ca mắc bệnh tay chân miệng năm 2020 ở mức thấp trong 20 tuần đầu, sau đó tăng dần đến 72 ca/tuần trong tuần 25. Hiện nay, số mắc tay chân miệng vẫn ở mức cao dao động hơn 50 ca/tuần, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.Bình Định chưa ghi nhận ca bệnh sởi và bạch hầu trên địa bàn.Đã giám sát 08 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, 01 trường hợp nghi bạch hầu tại Phù Mỹ, kết quả xét nghiệm đều âm tính.
Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh. (Ảnh Thu Hiền)
Về tình hình dịch bệnh Covid-19, tính đến ngày 5/8, Bình Định chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19, công tác phòng chống dịch vẫn đang được tỉnh triển khai quyết liệt. Ngay từ những ngày đầu, khi dịch bệnh Covid-19xuất hiện, Việt Nam ghi nhận các trường hợp bệnh đầu tiên, tỉnh đã lập ngay các chốt kiểm tra y tế tại các khu vực nhà ga, bến xe, và những địa bàn giáp ranh để kiểm soát người đến/về tỉnh. Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ sở lưu trú thực hiện rà soát các đối tượng về Bình Định từ ngày 1/7 để giám sát theo dõi và thực hiện cách ly theo quy định. Tăng cường giám sát dịch tễ tại cộng đồng, giám sát người từ vùng dịch, người từ nước ngoài về để thực hiện các biện pháp theo dõi cách ly phù hợp.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, toàn ngành đã sẵn sàng chống dịch với tinh thần khẩn trương, quyết liệt,nhưng bên cạnh đó còn gặp phải một số khó khăn. Tại buổi làm việc, Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính hỗ trợtỉnh về môi trường lấy mẫu xét nghiệm và mua sắm trang thiết bị y tế như máy xét nghiệm, khẩu trang N95 và N96.Trong khi đó, công tác mua sắm hiện còn nhiều khó khăn, Bộ cần đưa ra khung giá chung để việc mua trang thiết bị y tế tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai xét nghiệm SARS-CoV2 giúp công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và những địa phương lân cận được đảm bảo.
Đoàn công tác Bộ Y tế đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh tại tỉnh Bình Định, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời lưu ý một số vấn đề trong công tác phòng chống dịch của tỉnh, trong đó có việc cách ly, tiếp nhận và khám sàng lọc bệnh nhân. Để góp phần giúp công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế hiệu quả, Bình Định cần trang bị hệ thống xét nghiệm PCRtại các cơ sở y tế để chủ động trong công tác xét nghiệm, đồng thời giảm áp lực cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh khi phải xét nghiệm 140 mẫu/ngày bằng phương pháp thủ công. Bình Định là địa phương giáp với nhiều tỉnh, thành, mặc dù tỉnh chưa có ca bệnh sởi và bạch hầu nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao nếu không kiểm soát chặt chẽ, do đó tỉnh cần có phương án phòng ngừa hiệu quả./.
Tác giả bài viết: Thu Hiền - Khoa TT-GDSK- Trung tâm kiểm soát bệnh tật