Làm hết sức để hạn chế tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Thứ sáu - 09/06/2023 16:09
Trước tình hình nhiều cơ sở y tế trên cả nước gặp khó khăn do thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế, Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế về tình hình này tại tỉnh Bình Ðịnh.

 viewimage*Thưa ông, trước tiên xin được nói về thuốc. Các cơ sở y tế trong tỉnh có đủ thuốc đảm bảo cho công tác điều trị người bệnh không?

- Về thuốc thì hiện đang đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, vì từ tháng 4.2022, chúng tôi đã đấu thầu rồi, hiện tại thiếu loại thuốc nào thì tiếp tục bổ sung ngay loại đó. Và chúng tôi đảm bảo bổ sung kịp thời, không làm ảnh hưởng đến hoạt động điều trị. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho kỳ đấu thầu tiếp theo của năm 2024 - 2025. Tháng 4.2024 thì hết hợp đồng của kỳ thầu 2022 - 2023, bây giờ là tháng 6.2023, chúng tôi gần như đã hoàn chỉnh các danh mục, so với nhiều tỉnh thành khác như vậy là rất sớm. Chuẩn bị một kỳ thầu ít nhất phải mất 9 tháng, đạt tiến độ như vậy là tốt. Hơn nữa, UBND tỉnh cũng rất quan tâm đến vấn đề này.

* Có phải ở mảng hóa chất, vật tư y tế, các đơn vị điều trị trong tỉnh đang gặp khó khăn không, thưa ông?

- Đối với vật tư y tế, cùng với khó khăn chung của cả nước, trong thời gian qua, các cơ sở y tế ở Bình Định cũng gặp một số khó khăn, chủ yếu là về hóa chất xét nghiệm. Tuy nhiên tại Bình Định không có sự thiếu hụt nặng nề như các bệnh viện lớn trên toàn quốc mà chỉ thiếu hụt cục bộ tại một số bệnh viện lớn như BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn.

Điểm khó khăn của chúng ta là trong kỳ đấu thầu vừa rồi, số lượng trúng thầu rất thấp. Ví dụ đấu thầu 100 mặt hàng thì lượng trúng thầu chỉ chiếm 30 - 50%. Mỗi kỳ thầu mất đến vài tháng chuẩn bị nhưng khi đấu thầu thì có một vài loại không đấu thầu thành công. Không thành công thường có mấy lý do như sau: Không có nhà thầu tham dự thầu, tức là mình mua mà không có người bán (chiếm tỷ lệ lớn); rớt về mặt kỹ thuật hoặc là giá (nhóm này chiếm tỷ lệ thấp). Cho nên đấu thầu xong vẫn cứ tiếp tục thiếu, nên cứ phải tổ chức đấu thầu tiếp.

Cấp phát thuốc tại Phòng Khám đa khoa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: T. KHUY

* Vậy ngành y tế có cách nào để gỡ khó, thưa ông?

- Để tháo gỡ khó khăn này, chúng tôi cố gắng giải quyết vấn đề thật uyển chuyển. Theo quy định của pháp luật, chúng ta có thể chuyển các xét nghiệm sang các bệnh viện cùng hạng hoặc bệnh viện có triển khai danh mục kỹ thuật đó theo đúng quy định của Bộ Y tế và BHXH. Ở Bình Định, chất lượng của các cơ sở y tế tư nhân như Bệnh viện Bình Định cũng rất tốt. Mặc dù giá họ làm cao hơn nhưng khi chia sẻ với cơ sở y tế công lập thì họ tiếp nhận và thực hiện các mẫu xét nghiệm bằng giá nhà nước thôi, đấy chính là phối hợp công tư. Và đó cũng là cách để tháo gỡ khó khăn, phục vụ kịp thời cho người bệnh và tốt nhất cho người bệnh.

Hoặc trong bối cảnh thiếu túi máu vừa qua, chúng tôi cũng huy động các DN, các nhà tài trợ như Hội Doanh nhân trẻ, Cảng Quy Nhơn mua túi máu tặng cho BVĐK tỉnh. Nói vậy để thấy là chúng ta có những giải pháp kịp thời, phù hợp cho vấn đề thiếu hụt vật tư; đồng thời chúng tôi cũng theo dõi sát tình hình để chỉ đạo đấu thầu, đấu thầu bổ sung.

Cấp phát thuốc tại nhà thuốc BVĐK tỉnh.  Ảnh: T. KHUY  

* Như ông nói thì các khó khăn chủ yếu là do yếu tố kỹ thuật, không phải do chủ quan hoặc đánh giá sai nhu cầu, do tắc trách. Vậy để đảm bảo có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, ngành y tế tiếp tục triển khai những hoạt động nào?

- Với cơ chế hiện nay, cùng với vấn đề suy thoái kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, dẫn đến thiếu một tỷ lệ nhất định các mặt hàng thuốc, hóa chất, vật tư y tế.

Nhà nước cũng đang tìm cách điều chỉnh quy định pháp luật để có thể hạn chế đến mức thấp nhất các lỗi kỹ thuật như tôi nói ở trên. Tôi rất mong bà con, bệnh nhân thông cảm vì không chỉ ngành Y tế và các ngành liên quan đã nỗ lực làm hết sức, ngay cả UBND tỉnh cũng rất quan tâm. Tỉnh Bình Định cũng như nhiều địa phương khác, cũng gặp một số vướng mắc về mặt pháp lý. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc, tìm cách vận dụng, khai thông chứ không dừng lại, vì dừng lại là có lỗi với đồng bào. Trong ngành, chúng tôi đặt mục tiêu phục vụ người bệnh là trên hết để cố gắng.

Về công tác đấu thầu, thật sự là anh em ngành y tế đã rất chịu khó, không nề hà, khi đấu thầu không đủ nhu cầu thì lập tức chuẩn bị để đấu thầu lại ngay, do vậy mỗi kỳ thầu được chuẩn bị rất sớm để có thể chủ động hơn. Tuy nhiên, với những lý do đã nêu thì chắc chắn dù nỗ lực thế nào thì vẫn sẽ có một khoảng trống nhất định. Đối với một số loại thuốc hiếm, cần gấp, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận mua phục vụ người bệnh. Cũng xin nói thêm là chấp nhận mua không đúng thầu thì BHYT sẽ không thanh toán cho chúng tôi.

Tuy nhiên, tôi tin rằng hết năm nay, với sự thay đổi của một số quy định thì sẽ khắc phục được một số khó khăn như hiện nay. Còn bây giờ, dù rất áp lực nhưng chúng tôi không dừng lại một giây phút nào.

Tác giả bài viết: THẢO KHUY - Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay1,568
  • Tháng hiện tại185,567
  • Tổng lượt truy cập52,803,908
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây