Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Tiếp nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng

Thứ hai - 07/12/2020 15:36
Hiện đang là mùa cao điểm, thời tiết thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển. Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Lượng bệnh nhi mắc SXH gia tăng mạnh từ tháng 10 đến nay, mỗi ngày có 8 - 15 trường hợp nhập viện. Đến sáng 04/12/2020, trong 163 bệnh nhi điều trị nội trú, có đến 37 bệnh nhân SXH, trong đó khoảng 40% sốc và sốc nặng, phải hồi sức tích cực. Bệnh diễn biến nặng rất nhanh, ngay cả trong trường hợp bệnh nhân được điều trị tại cơ sở y tế, nhưng không theo dõi sát sao, không xử lý nhanh cũng rất dễ dẫn đến tử vong”.
Bệnh nhi sốt xuất huyết sốc nặng đang được điều trị tích cực tại Khoa Nhi (Ảnh: Thu Phương)
Bệnh nhi sốt xuất huyết sốc nặng đang được điều trị tích cực tại Khoa Nhi (Ảnh: Thu Phương)
        Được biết, ngày 03/12/2020, trong số 12 bệnh nhi đang điều trị tích cực tại đơn nguyên hồi sức khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có đến 5 ca nặng (4 ca sốc, 1 ca sốc nặng). Nguy kịch nhất là bé D.V.T (8 tuổi) được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước ở cuối ngày thứ 3 của SXH, trong tình trạng sốc nặng, mệt, tay chân lạnh, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, đau bụng nhiều, tiểu ra máu… Bệnh nhi bị tổn thương gan rất nặng với hai chỉ số xét nghiệm men gan (ALT, AST) tăng gấp 30 lần ngưỡng bình thường; tiểu cầu giảm thấp dẫn đến xuất huyết, rối loạn đông máu. Dù được can thiệp tích cực, đến sáng hôm sau men gan bệnh nhi tiếp tục tăng cao, tổn thương gan rất nặng, phải thở N-CPAP.
       Bác sỹ Phạm Văn Dũng cho biết thêm: “Nguyên nhân số ca SXH nặng tăng do độc lực vi rút nặng, bệnh diễn biến nặng rất nhanh. Đặc biệt, từ cuối ngày thứ 3 cho đến hết ngày thứ 6 của bệnh SXH là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm không riêng ở trẻ mà còn ở người lớn, dễ dẫn đến thoát dịch gây sốc, trụy mạch; xuất huyết (tiêu hóa, cơ, vùng niêm mạc…); suy tạng (hay gặp nhất là suy gan, tổn thương tim, phổi, não, thận…). Ở giai đoạn này bệnh nhân thường hết sốt dẫn đến chủ quan rằng bệnh đã khỏi, nhưng thực chất bệnh đang chuyển sang giai đoạn nguy hiểm, biểu hiện qua tình trạng trụy mạch (tay chân lạnh mát)”.
       Thời tiết nắng mưa rất dễ tạo thuận lợi cho bệnh SXH bùng phát. Người dân cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng nhiều cách như: đậy kín các dụng cụ chứa nước, không cho muỗi vào đẻ trứng; thả cá lia thia vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; cọ rửa bên trong dụng cụ chứa nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày ít nhất 1 lần/tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.... Bên cạnh đó, người dân có thể phòng chống muỗi đốt bằng cách: mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
      Khi có người bị bệnh, cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Nếu sốt cao trên 38,5 độ C cần hạ sốt bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nằm chỗ thoáng, chườm mát cho người bệnh; đồng thời theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên, thực hiện nghỉ ngơi, dinh dưỡng  theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập66
  • Hôm nay4,314
  • Tháng hiện tại177,113
  • Tổng lượt truy cập52,795,454
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây