Hiệu quả thiết thực từ Dự án “Hỗ trợ người khuyết tật vận động” tại Bình Định
Thứ ba - 02/11/2021 21:27
Dự án “Hỗ trợ người khuyết tật vận động - Vượt lên tất cả” do USAID tài trợ thông qua Tổ chức Trung tâm Quốc tế (IC) được triển khai tại Bình Định trong hai giai đoạn năm 2017 đến 2020 và năm 2019 đến 2022. Sáng ngày 02/11/2021, Sở Y tế phối hợp với IC tổ chức hội thảo trực tuyến Tổng kết hoạt động dự án và lập kế hoạch năm 2022, kết nối các điểm cầu từ các huyện, thị xã, thành phố thực hiện dự án trong tỉnh. BSCKII. Lê Quang Hùng- Giám đốc Sở Y tế đã chủ trì Hội thảo.
Mục tiêu chính Dự án là “Nâng cao khả năng tiếp cận các dụng cụ trợ giúp (DCTG) có chất lượng cho người khuyết tật vận động, từ đó tạo điều kiện cho họ hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống”. Tại hội thảo BSCKII. Lê Quang Hùng đã gửi lời cảm ơn IC và chia sẻ sự quan tâm hỗ trợ từ Dự án đã mang lại những hiệu quả thiết thực về lĩnh vực phục hồi chức năng tại tỉnh, đặc biệt là người khuyết tật tỉnh Bình Định được trợ giúp dụng cụ để giúp họ vượt lên chính mình và hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất.
Dưới sự hướng dẫn của cơ quan tiếp nhận Dự án là Sở Y tế tỉnh Bình Định và cơ quan đầu mối chuyên môn là Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh. Đến nay Dự án đã lần lượt triển khai tại 06 huyện/thị/thành phố gồm Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn và Quy Nhơn. Qua thời gian Dự án triển khai tại Bình Định thật sự đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, hỗ trợ người khuyết tật các dụng cụ trợ giúp để người khuyết tật có điều kiện mưu sinh và tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả đã thực hiện các hoạt động tại 83/99 xã tại 6 huyện/thị/thành phố tham gia Dự án; thực hiện đánh giá nhu cầu dụng cụ trợ giúp cho 4.127 người khuyết tật vận động (đạt 96% chỉ tiêu) thông qua khám sàng lọc tại các cơ sở y tế, tại cộng đồng và tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội (thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định) và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho 2.511 người khuyết tật (đạt 101% chỉ tiêu). Chỉ tính riêng năm 2021 (tháng 10/2020 đến tháng 9/2021), dự án đã khám sàng lọc cho 130 người tại các xã mới thành phố Quy Nhơn và huyện Phù Cát; 445 người khuyết tật vận động đã được trao dụng cụ trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình (bao gồm cả những người đã khám sàng lọc từ năm 2020); thực hiện 1.449 lượt khám lại kiểm tra dụng cụ và tư vấn sử dụng cho 1.236 người khuyết tật. Sau khi khám sàng lọc, người khuyết tật vận động được đoàn khám chỉ định dụng cụ trợ giúp sẽ được Dự án cung cấp dụng cụ và hướng dẫn sử dụng tại Trạm Y tế, một số trường hợp người khuyết tật vận động không thể đến Trạm Y tế, dự án thực hiện trao dụng cụ và hướng dẫn sử dụng tại nhà. Dụng cụ đơn giản như gậy, nạng… thì được tập huấn theo nhóm từ 3-5 người tại Trạm Y tế. Dụng cụ phức tạp và có bánh như khung tập đi, xe lăn, xe lắc… được tập huấn tại nhà cho người khuyết tật, người nhà biết cách sử dụng và bảo quản dụng cụ...
Trong thời gian qua, Dự án đã hỗ trợ cải thiện môi trường nhà ở cho 11 người khuyết tật để việc sử dụng DCTG được thuận tiện. Năm 2021, 23 người khuyết tật đã được khảo sát về khả năng hỗ trợ cải thiện môi trường nhà ở tại 5 huyện của tỉnh. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại tỉnh Bình Định, 23 trường hợp người khuyết tật chưa được nhận hỗ trợ về cải thiện môi trường nhà ở trong năm 2021 sẽ nhận được hỗ trợ trong năm 2022.
Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn dành cho các cán bộ y tế và cán bộ xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến nay một nhóm 10 giảng viên tỉnh và huyện đã được xây dựng thành đội ngũ nòng cốt tập huấn cho tuyến dưới. Đối với cán bộ y tế tuyến tỉnh và huyện, Dự án đã đào tạo 72 người về các kiến thức và kỹ năng liên quan đến DCTG, PHCN và các kỹ năng mềm khi truyền thông, làm việc với người khuyết tật; tổ chức 23 khóa tập huấn kéo dài 2 ngày cho 734 cán bộ y tế xã, nhân viên y tế thôn bản và cán bộ xã hội về các nội dung quản lý và sử dụng dụng cụ trợ giúp, tham gia hoạt động dự án và lồng ghép giới. Tháng 6/2018, Dự án phối hợp với Trung tâm đào tạo chỉnh hình Vietcot tổ chức một khóa tập huấn 5 ngày cho 5 cán bộ, kỹ thuật viên chỉnh hình của xưởng chỉnh hình thuộc Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Quy Nhơn, Bệnh viện Phong - Da Liễu Trung ương và các kỹ thuật viên đến từ các xưởng chỉnh hình phía bắc về các kỹ thuật mới trong sản xuất dụng cụ chỉnh hình. Tính riêng trong năm 2021, 39 bác sĩ, kỹ thuật viên tại Bình Định đã tham gia ít nhất một khóa tập huấn chuyên môn về DCTG với các giảng viên trong nước. Trong đó, nhóm cán bộ chủ chốt về Công nghệ và Dụng cụ trợ giúp (CN & DCTG) tuyến tỉnh (gọi tắt là SME) được thành lập nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường tính sẵn có và khả năng tiếp cận với CN & DCTG có chất lượng cho bệnh nhân và người khuyết tật tại tỉnh. Ngày 8 tháng 6 năm 2021, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã có Công văn 1935/SYT-TCCB thành lập nhóm cán bộ chủ chốt về công nghệ và dụng trợ giúp tuyến tỉnh. Thành viên nhóm SME Bình Định bao gồm 14 y bác sĩ và kỹ thuật viên PHCN đang công tác tại các Bệnh viện đa khoa và chuyên ngành tại tỉnh. Thành viên SME sẽ được hỗ trợ nâng cao chuyên môn thông qua các chương trình đào tạo tập huấn với định hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và trở thành hạt nhân để phát triển lĩnh vực CN & DCTG tại tỉnh, góp phần phát triển dịch vụ trên phạm vi toàn quốc, tư vấn kỹ thuật cho Sở Y tế và các ban ngành liên quan trong việc phát triển, hoạch định chính sách, nâng cao năng lực về lĩnh vực CN & DCTG tại đơn vị công tác cũng như hỗ trợ các đơn vị, cơ quan có nhu cầu trên địa bàn tỉnh/thành phố và tại khu vực. Thành viên SME sẽ được hỗ trợ nâng cao chuyên môn thông qua các chương trình đào tạo tập huấn với định hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và trở thành hạt nhân để phát triển lĩnh vực CN & DCTG tại tỉnh, góp phần phát triển dịch vụ trên phạm vi toàn quốc, tư vấn kỹ thuật cho Sở Y tế và các ban ngành liên quan trong việc phát triển, hoạch định chính sách, nâng cao năng lực về lĩnh vực CN & DCTG tại đơn vị công tác cũng như hỗ trợ các đơn vị, cơ quan có nhu cầu trên địa bàn tỉnh/thành phố và tại khu vực.
Trong 5 năm qua, dự án có những hoạt động nâng cao năng lực hệ thống y tế địa phương thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn và dài hạn. Năm 2018-2019, dự án đã hỗ trợ tỉnh phối hợp với Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng tổ chức một khóa 6 tháng dành cho 20 kỹ thuật viên và phối hợp với Đại học Y Dược Huế tổ chức một khóa đào tạo 12 tháng dành cho 18 bác sĩ về chuyên môn PHCN và dụng cụ trợ giúp góp phần bổ sung nhân lực PHCN cho tỉnh. Từ tháng 6/2021 tới nay, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế như tổ chức Công nghệ trợ giúp Úc (ATA) và Tổ chức Rehabskills Ltd tổ chức các khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu về dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp, xe lăn, kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật... Sau các khóa học này, nhóm SME cấp tỉnh gồm 9 bác sĩ và 5 KTV PHCN sẽ được nhận chứng chỉ về các kiến thức đã học. Cung cấp trang thiết bị PHCN tại cơ sở y tế tuyến huyện: Từ năm 2017 tới nay, dự án đã cấp 03 bộ thiết bị/dụng cụ tập phục hồi chức năng cho Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn, Tuy Phước và thị xã An Nhơn. Đồng thời, sau khi cung cấp trang thiết bị, có các bác sĩ, KTV đã được đào tạo ngắn hạn và dài hạn, các trung tâm có điều kiện mở rộng các dịch vụ PHCN cho bệnh nhân tạo điều kiện luyện tập cho họ tại địa phương thay vì cần phải đi xa. Ngoài ra 6 cơ sở tuyến huyện gồm Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, Quy Nhơn và BV YHCT-PHCN cơ sở 2 cũng đã được cấp bộ dụng cụ mẫu gồm gậy, nạng, xe lăn, khung tập đi,... để làm dụng cụ mẫu trong khám xác định nhu cầu cho người khuyết tật cũng như tập huấn cho tuyến xã về cách sử dụng và quản lý Trong thời gian dịch Covid-19 năm 2021 diễn biến phức tạp tại khắp các tỉnh, thành của Việt Nam đặc biệt là các tỉnh phía Nam, dự án cũng đã hỗ trợ khẩn cấp một số trang thiết bị thiết yếu cho đoàn khám và bệnh viện YHCT-PHCN tỉnh bao gồm 05 máy tạo oxy, 10 máy đo nồng độ oxy, 10 máy đo huyết áp, 02 máy ổn áp điện, 200 bộ đồ bảo hộ chống Covid-19 và 200 mặt nạ N95 góp phần nhỏ cho hoạt động bảo vệ sức khỏe của cán bộ y tế và người dân Bình Định. Trong khuôn khổ hợp tác giữa Dự án, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện Đánh giá năng lực hệ thống cung ứng Dụng cụ trợ giúp quốc gia, lãnh đạo và chuyên gia ngành Phục hồi chức năng của tỉnh Bình Định đã và đang tham gia Ban nghiên cứu và tư vấn về Công nghệ/ Dụng cụ trợ giúp của Bộ Y tế. Với vai trò này, địa phương sẽ hỗ trợ Bộ Y tế và WHO góp ý chuyên môn về dự thảo báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện cung cấp DCTG từ Dự án.
Trong suốt quá trình triển khai dự án từ 2017-2020, những thành công mà dự án đạt được nhờ có sự ủng hộ mạnh mẽ, chỉ đạo, điều hành từ phía UBND tỉnh và các Sở, Ban liên ngành liên quan tại tỉnh Bình Định. Để dự án tiếp tục thành công, dự án IC mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và chỉ đạo của UBND tỉnh và các ban ngành liên quan. Dự kiến, trong năm 2022, IC sẽ tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị cơ bản cho một số đơn vị CNTG tuyến tỉnh và tuyến huyện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ PHCN cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời để đảm bảo tính bền vững và ổn định nhân lực cung cấp dịch vụ DCTG tại tỉnh, Dự án đề xuất duy trì nhóm cán bộ chủ chốt tuyến tỉnh về Công nghệ/ Dụng cụ trợ giúp tỉnh nhằm tăng cường tính sẵn có và khả năng tiếp cận với công nghệ và dụng cụ trợ giúp đạt tiêu chuẩn chất lượng của bệnh nhân và người khuyết tật (người khuyết tật) tại Việt Nam. Với định hướng từ Bộ Y tế, dự án và nhóm chuyên gia về Công nghệ/ Dụng cụ trợ giúp cấp Trung ương sẽ hỗ trợ cập nhật, đào tạo nâng cao chuyên môn với định hướng tiếp cận trình độ quốc tế và trở thành hạt nhân để phát triển lĩnh vực công nghệ/sản phẩm trợ giúp tại Việt Nam. Từ đó, nhóm có thể hỗ trợ Sở Y tế xây dựng mạng lưới cung cấp công nghệ/dụng cụ trợ giúp trong tỉnh; cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chỉ định công nghệ/dụng cụ trợ giúp cho người bệnh/người khuyết tật tại cộng đồng hoặc tại các cơ sở y tế; và xây dựng/triển khai chính sách liên quan công nghệ/Dụng cụ trợ giúp trong tỉnh Bình Định./.