Mùa lạnh, cảnh giác hạ thân nhiệt ở người cao tuổi và cách xử trí

Thứ tư - 21/12/2022 09:05
SKĐS - Mùa đông mưa phùn giá lạnh, ở nhiều nơi nền nhiệt dao động 10-15 độ C, nếu không mặc đủ ấm có thể làm nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới mức bình thường (dưới 35 độ C hoặc thấp hơn). Khi giảm thân nhiệt dễ làm tổn thương nhiều cơ quan và gia tăng nguy cơ tử vong nhất là người cao tuổi.
Mùa lạnh, cảnh giác hạ thân nhiệt ở người cao tuổi và cách xử trí

1. Những yếu tố nguy cơ hạ thân nhiệt ở người cao tuổi

Người cao tuổi khả năng kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bị giảm đi so với người trẻ; Người cao tuổi dinh dưỡng kém, mắc nhiều bệnh mạn tính và dùng nhiều loại thuốc nên dễ bị tổn thương hơn do lạnh; Người cao tuổi có xu hướng uống quá ít nước và dễ mất nước ngay cả trong mùa đông lạnh; Những người cao tuổi thiếu hoạt động ở nhà, ăn mặc không thích hợp cho thời tiết lạnh; Nhiều người cao tuổi thường có thói quen tiết kiệm chi phí nên ít dùng máy sưởi ấm.

2. Làm thế nào để xác định hạ thân nhiệt ở người cao tuổi?

Trong giai đoạn đầu của hạ thân nhiệt, da lạnh, có thể có ngón tay và môi xanh, giảm sự tỉnh táo, lú lẫn nhẹ, nói lắp. Tuy nhiên, luôn nhớ rằng những người cao tuổi bị hạ thân nhiệt có thể không rùng mình hay phàn nàn về cảm giác lạnh.

Lưu ý hạ thân nhiệt phải sử dụng nhiệt kế y tế hoặc nhiệt kế điện tử để xác định. Vì sử dụng nhiệt kế không đúng, người già sẽ trở nên ít cảnh giác và sự nhầm lẫn có thể làm trầm trọng thêm hạ thân nhiệt, nguy hiểm cho hệ thống hô hấp và chức năng tim.

Mùa lạnh cảnh giác hạ thân nhiệt ở người cao tuổi và cách xử trí - Ảnh 1.
Người già cần chủ động vận động thích hợp để tăng lưu lượng máu và tăng nhiệt độ cơ thể.
 

3. Trường hợp người cao tuổi sống một mình, xử trí thế nào?

Người sống một mình có thể gặp khó khăn khi làm ấm nóng nhà và chăm sóc cho bản thân (mặc quần áo, ăn, uống). Họ có nguy cơ cao thương tổn do lạnh. Đôi khi, người già sống một mình bị té ngã ở nhà và vẫn còn nằm trên sàn lạnh trong thời gian dài, có thể dẫn đến hạ thân nhiệt nặng.

Do đó, cần thực hiện các giải pháp sau đây: Giữ liên lạc thường xuyên với gia đình, bạn bè, hàng xóm hoặc tình nguyện viên công tác xã hội; Nên thiết lập và đăng ký các chi tiết cá nhân khi sống đơn độc (tên, địa chỉ và số điện thoại) cho các tổ chức quản lý người cao tuổi (câu lạc bộ người cao tuổi, trạm y tế, bác sĩ gia đình...) để được theo dõi sức khỏe định kỳ và liên hệ khi cần thiết.

4. Phải làm gì nếu nghi ngờ bị hạ thân nhiệt ở người cao tuổi?

Gọi trợ giúp y tế ngay lập tức tại nhà và/hoặc đi đến bệnh viện ngay lập tức. Trước khi có sự hỗ trợ y tế, cần: Nhẹ nhàng di chuyển người cao tuổi đến một nơi ấm và khô; Nếu quần áo đang mặc bị ướt phải thay ngay quần áo khô và cuộn người trong chăn để giữ ấm. Để họ nằm yên, không trở người nhiều, cho uống ngay nước ấm (trà gừng ấm, sữa ấm...).

5. Biện pháp nào phòng ngừa hạ thân nhiệt ở người cao tuổi

5.1. Cần sưởi ấm thích hợp và tránh tiếp xúc với lạnh

 

Duy trì nhiệt độ khoảng 24 độ C trong phòng. Mua một nhiệt kế đo nhiệt độ phòng là rất cần thiết; Để cho hệ thống sưởi có hiệu quả, khép kín các cửa nhà (cửa sổ, cửa ra vào...). Không khí trong phòng nên được giữ đủ độ ẩm: tránh không khí quá khô và khó chịu cho hơi thở, trong khi đồng thời tránh không khí quá ẩm ướt có thể gây bệnh.

Kiểm soát sự an toàn của máy sưởi trong nhà, với sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình và các chuyên gia. Nghiêm cấm sử dụng máy sưởi chạy bằng dầu hỏa, vì loại máy này thải ra carbon monoxide - CO, có thể gây mất ý thức; Mặc quần áo đủ ấm và thoải mái để tránh mất nhiệt, nhưng không làm hạn chế đi lại trong nhà.

Điều quan trọng là mặc đủ ấm và ăn uống đầy đủ vào buổi sáng, vì cơ thể vẫn không đủ hoạt động (do sự trao đổi chất thấp) để làm ấm; Vào ban đêm, khi đi ngủ, cần đắp chăn ấm, mặc quần áo đủ ấm, đi tất chân và nhiệt độ phòng đủ ấm (sử dụng máy sưởi an toàn); Tránh ra ngoài trong thời tiết lạnh. Nên theo dõi các dự báo thời tiết và có kế hoạch ra khỏi nhà phù hợp; Khi cần thiết rời khỏi nhà, cần mặc ấm, có áo khoác, đội mũ len và đeo găng tay.

5.2. Giữ thói quen sức khỏe lành mạnh

Uống đủ lượng nước trong mùa đông, uống 6-8 ly nước ấm một ngày, ngay cả khi không cảm thấy khát nước; Tránh uống rượu và đồ uống có chứa caffeine; Ăn thường xuyên, các bữa ăn tương đối nhẹ 5-6 lần một ngày, tránh ăn các bữa ăn nặng và nhiều; Dùng thức uống và thực phẩm nóng giúp bảo vệ thân nhiệt; Khi ở nhà, chủ động vận động thích hợp để tăng lưu lượng máu và tăng nhiệt độ cơ thể.

5.3. Tham khảo ý kiến bác sĩ

Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc có thể làm tăng độ nhạy cảm với thời tiết lạnh (đặc biệt là thuốc ngủ, thuốc an thần và thuốc giảm đau "mạnh") có thể nâng cao các rủi ro khi tiếp xúc với lạnh.

Trường hợp nghi ngờ bị hạ thân nhiệt (giảm nhiệt độ cơ thể) - nếu người già xuất hiện lạnh, kém đáp ứng hay lú lẫn cần gọi trợ giúp y tế ngay lập tức.

Tác giả bài viết: TS.BS Lê Thanh Hải - Theo SK-ĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập213
  • Máy chủ tìm kiếm80
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay28,956
  • Tháng hiện tại265,940
  • Tổng lượt truy cập53,773,234
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây