Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ bảy - 09/12/2023 12:19
Tại Kỳ họp thứ 14, HÐND tỉnh đã thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực xã hội. Trong đó, có 2 quyết sách quan trọng liên quan đến nhân lực ngành y tế và cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng, quản lý người tâm thần.
Can thiệp nội mạch điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp do tắc động mạch tại BVĐK tỉnh. Ảnh: BVĐK tỉnh
Can thiệp nội mạch điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp do tắc động mạch tại BVĐK tỉnh. Ảnh: BVĐK tỉnh
1. Nghị quyết ban hành Đề án Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh đến năm 2025
Khó và vướng
Đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học có vai trò rất lớn đối với phạm vi, quy mô và chất lượng của dịch vụ y tế. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực y tế đồng thời với việc thực hiện chính sách thu hút, ưu đãi bác sĩ, dược sĩ đại học. Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực y tế của tỉnh vẫn còn hạn chế về số lượng, chất lượng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cung ứng các dịch vụ y tế cho người dân, nhất là đối với các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao và tại tuyến y tế cơ sở.
Trong bối cảnh nguồn thu của các cơ sở y tế bị sụt giảm mạnh trong và sau đại dịch Covid-19, giá dịch vụ y tế hiện nay mới bao gồm 2/4 thành phần cơ cấu giá (chưa tính chi phí cho khấu hao thiết bị và quản lý). Dù tỉnh đã ban hành chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo (theo Quyết định số 41/2019/QĐ-UBND ngày 19.7.2019 của UBND tỉnh), nhưng thực tế các đơn vị sự nghiệp y tế công lập không đủ kinh phí để thực hiện; vì vậy, phần lớn cá nhân viên chức phải tự chi trả chi phí đào tạo (khoảng 75% chi phí đào tạo).
Mặt khác, trong những năm qua, các bệnh viện tuyến tỉnh đã tiếp nhận chuyển giao rất nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu từ các bệnh viện tuyến trên (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội...). Nhiều nhân viên y tế đã tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, các bệnh viện chưa được tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo, nên gặp nhiều khó khăn trong tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật y tế chuyên sâu.
Ưu tiên cho tuyến y tế cơ sở
Từ thực tế đó, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết ban hành Đề án Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu chung là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh, ưu tiên cho nguồn nhân lực tại tuyến y tế cơ sở nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng cung ứng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Phẫu thuật lấy thai ở bệnh nhân điều trị thành công bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại BVĐK tỉnh. Ảnh: BVĐK tỉnh
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 thực hiện đào tạo sau đại học cho ít nhất 200 viên chức (tiến sĩ, chuyên khoa II, thạc sĩ, chuyên khoa I); đào tạo đại học chuyên ngành y tế và liên quan cho ít nhất 200 viên chức. Ít nhất 200 viên chức được đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên thuộc các lĩnh vực: Cấp cứu, nội soi, phẫu thuật, can thiệp tim mạch, điều trị ung thư, phục hồi chức năng…; ưu tiên tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật y tế chuyên sâu từ các bệnh viện tuyến trên cho BVĐK tỉnh và BVĐK khu vực Bồng Sơn.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án gần 43 tỷ đồng. Trong đó, gần 38 tỷ đồng thực hiện đào tạo sau đại học cho viên chức chuyên ngành Y tế và liên quan; gần 5 tỷ đồng dành cho đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên để nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, huyện thuộc tỉnh.
Về nguyên tắc hỗ trợ và sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước: Bố trí kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế để thực hiện chi đào tạo sau đại học cho viên chức (gồm chi phí dịch vụ đào tạo và các khoản chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo, chi hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc, hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung; hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập; chi hỗ trợ các viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo).
Việc bố trí kinh phí thực hiện các đề án chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến tỉnh, huyện do UBND tỉnh phê duyệt.
Định mức chi từ ngân sách nhà nước thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do Trung ương và địa phương quy định liên quan việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo và một số quy định khác có liên quan đã có hiệu lực thi hành và đang áp dụng trên địa bàn tỉnh.
 
 
● Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG:
Đòn bẩy mạnh mẽ để phát triển đội ngũ thầy thuốc
Nhân lực y tế là yếu tố then chốt, đóng vai trò quyết định trong việc cung cấp dịch vụ y tế đảm bảo chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Để có nguồn nhân lực y tế tốt, hay nói cách khác để có những thầy thuốc giỏi thì việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ này là hết sức cần thiết, rất cần có sự hỗ trợ của ngân sách tỉnh đối với hoạt động này, giúp cho các cơ sở y tế gỡ được bài toán “thiếu kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng”.
Đề án Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh đến năm 2025 vừa được HĐND tỉnh thông qua sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ để phát triển đội ngũ thầy thuốc của tỉnh, giúp cho họ thực hiện được ước mơ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; từ đó mang đến cho người dân các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng cao hơn.
 
 Phó Giám đốc BVĐK tỉnh VÕ THÀNH NAM BÌNH:
Góp phần bảo đảm nguồn nhân lực bền vững
Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng nhu cầu chuyên môn và y đức, đồng thời cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng cũng như đãi ngộ đặc biệt.
Đề án Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh đến năm 2025 được thông qua góp phần bảo đảm được nguồn nhân lực mang tính bền vững cho ngành y tế nói chung và BVĐK tỉnh nói riêng. Được hỗ trợ đãi ngộ từ chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế sẽ góp phần để nhân viên y tế, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ yên tâm công tác.
Phát triển số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chuyên môn y tế (đặc biệt là chuyên khoa sau đại học) sẽ giúp BVĐK tỉnh nâng tầm, góp phần để Bệnh viện được xếp hạng đặc biệt. Có thể nhận thấy, khi trình độ nâng lên, năng suất và hiệu quả công việc cũng tăng. Nhiều kỹ thuật khó, ca bệnh khó sẽ được thực hiện ngay từ tuyến cơ sở, góp phần giảm chi phí cho người bệnh và giảm tải cho tuyến trên.
 
 Giám đốc TTYT TX An Nhơn LÊ THÁI BÌNH: Đề án vô cùng cần thiết
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, TTYT TX An Nhơn thực hiện 3 giải pháp: Tăng cường cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân; nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Trong đó, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh TX An Nhơn phấn đấu lên thành phố trước năm 2025, bệnh viện phải được nâng hạng từ hạng 3 lên hạng 2. Trong các tiêu chí của bệnh viện hạng 2, trình độ của nhân viên y tế (kể cả lãnh đạo các khoa, phòng) có vai trò quyết định, vì vậy chúng tôi cần cử đi đào tạo. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc này là thiếu kinh phí; bởi từ năm 2017 đến nay, đơn vị tự chủ tài chính, sau đại dịch Covid-19 nguồn thu của chúng tôi chỉ đủ để trả lương.
Vì thế, Đề án Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh đến năm 2025 vừa được HĐND tỉnh thông qua vô cùng cần thiết cho các đơn vị y tế chúng tôi.

2. Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn - Cơ sở 2
Yêu cầu cấp thiết
Nhịp sống hiện đại với nhiều gấp gáp, vội vã, nhiều căng thẳng, lo âu khiến nhiều người gặp phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Theo thống kê sơ bộ của các địa phương trong tỉnh, toàn tỉnh có hơn 6.300 người khuyết tật thần kinh, tâm thần, trong đó có khoảng 50% là người tâm thần phân liệt.
Bên cạnh đó, thời gian qua, một bộ phận người tâm thần tại cộng đồng đi lang thang, gây rối ANTT, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, một số vụ án liên quan đến người tâm thần dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đã làm hoang mang dư luận.
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn - Cơ sở 2 được kỳ vọng sẽ “gỡ khó” cho các địa phương trong vấn đề quản lý, điều trị, chăm sóc người tâm thần.
- Trong ảnh: Người tâm thần được cán bộ Trung tâm hướng dẫn làm chổi.  Ảnh: NGỌC TÚ
Những năm qua, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) là nơi điều trị, nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bị bệnh tâm thần nặng tại tỉnh Bình Định. Đến nay, Trung tâm đã quá tải, không đủ điều kiện để tiếp nhận thêm bệnh nhân tâm thần.
Theo Sở LĐ-TB&XH, mỗi năm, các địa phương đều có nhu cầu đề xuất gửi người tâm thần phân liệt vào Trung tâm để điều trị, chăm sóc, góp phần ổn định ANTT ở địa phương. Song, trong điều kiện quy mô, khả năng tiếp nhận tại Trung tâm có hạn như hiện tại, Sở chỉ có thể xét nhận những trường hợp không còn người thân hoặc bệnh nhân hung hãn, có khả năng gây án tại cộng đồng để tránh ảnh hưởng đến ANTT địa phương. Số còn lại vẫn phải đề nghị gia đình tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng.
Vì vậy, việc đầu tư triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn - Cơ sở 2 là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.
Thêm điều kiện chăm sóc bệnh nhân
Việc đầu tư Dự án Xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn - Cơ sở 2 tại khu phố Ngọc An Tây (phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn) nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Sở LĐ-TB&XH tỉnh là chủ đầu tư Dự án; thời gian thực hiện từ năm 2024 đến năm 2027. 
Tổng mức đầu tư Dự án hơn 126,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý. Trong đó, nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí 14 tỷ đồng (Kế hoạch vốn được HĐND tỉnh khóa XIII thông qua tại Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 21.9.2023) để ưu tiên thực hiện triển khai xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của Dự án. Trong quá trình điều hành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, sẽ rà soát nguồn vốn của các dự án không sử dụng hết trong giai đoạn hoặc chưa giải ngân hết theo tiến độ cam kết để điều chuyển bổ sung cho Dự án hoặc bổ sung vốn từ nguồn vốn trung hạn khi có bổ sung nguồn. Giai đoạn 2026 - 2030, bố trí phần nhu cầu vốn còn lại của Dự án để triển khai hoàn thành.
Dự án gồm khu hành chính - quản trị (1 khối nhà làm việc hành chính, quản lý) quy mô 80 người; khu khám và điều trị bệnh nhân (1 khối nhà khám bệnh, 1 khối nhà điều trị bệnh nhân). Khu nhà ở bệnh nhân quy mô khoảng 500 người; bao gồm nhà ở bệnh nhân nam quy mô 350 người với diện tích khoảng 3.265 m2 (2 khối nhà ở bệnh nhân kích động, 2 khối nhà ở bệnh nhân cách ly, 5 khối nhà ở bệnh nhân cắt cơn), nhà ở bệnh nhân nữ quy mô 150 người với diện tích khoảng 1.426,5 m2 (1 khối nhà ở bệnh nhân kích động, 1 khối nhà ở bệnh nhân cách ly, 2 khối nhà ở bệnh nhân cắt cơn).
Khu phục vụ cán bộ nhân viên gồm 2 khối nhà ở tập thể cán bộ, nhân viên, 1 nhà ăn tập thể, bếp, kho, 1 nhà khách thân nhân lưu trú ngắn ngày. Khu phục vụ bệnh nhân gồm 1 khối nhà đa năng, 1 khối nhà bếp, kho theo tiêu chuẩn bếp ăn một chiều. Khu các hạng mục công trình phụ trợ, phục vụ khác gồm 1 khối nhà bảo vệ, 1 khối nhà tang lễ; 1 khối nhà kho; 2 khối nhà để xe cán bộ, nhân viên; 1 khối nhà để xe khách; hành lang cầu nối; trạm biến áp; nhà xử lý nước thải và tập trung rác thải; bể xử lý, chứa nước sinh hoạt; đài nước… và các khu TDTT, hạng mục tường rào, cổng ngõ…
Bên cạnh đó là đầu tư trang thiết bị cho điều trị nuôi, dưỡng gồm: Xe chuyên dụng chở bệnh nhân và thân nhân, dụng cụ y tế, phục hồi chức năng, dụng cụ bếp nấu, ăn, giặt, sấy, ủi, giường, tủ, bàn, ghế, dụng cụ thể thao trị liệu…
 
 Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn ĐOÀN THẾ TUẤN:
Nghị quyết có ý nghĩa lớn đối với công tác chăm sóc, điều trị người tâm thần
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn được thiết kế ban đầu với quy mô quản lý, nuôi dưỡng khoảng 300 bệnh nhân. Nhưng, thời điểm hiện tại, số bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm đã vượt 500 người. Việc bệnh nhân tăng nhanh, mật độ người/phòng đông, chỗ ở chật chội trong nhiều năm qua đã gây khó cho công tác quản lý, chăm sóc bệnh nhân. Đặc biệt, thời điểm nắng nóng kéo dài, bệnh nhân dễ lên cơn kích động, công tác quản lý, điều trị gặp khó khăn hơn. Thêm vào đó, tình trạng đông người cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, khó dập tắt.
Việc HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn - Cơ sở 2 sẽ đảm bảo cơ sở vật chất, các điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần trong thời gian tới. Đây là niềm vui đối với những người đã gắn bó lâu năm đối với công tác chăm sóc, điều trị người tâm thần như chúng tôi. Bên cạnh đầu tư về cơ sở vật chất, các trang thiết bị, chúng tôi rất kỳ vọng khi cơ sở 2 đi vào hoạt động, đội ngũ nhân lực sẽ được đảm bảo, phù hợp với quy mô bệnh nhân để việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân được hiệu quả nhất.
 
 Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX An Nhơn ĐẶNG THỊ SƯƠNG:
Mong cơ sở 2 khi hoạt động sẽ gỡ khó cho các địa phương
TX An Nhơn hiện có 887 người tâm thần phân liệt. Thị xã đã đề xuất một số trường hợp đưa vào chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn nhưng vì quá tải nên không thể tiếp nhận.
Thời gian qua, một bộ phận người tâm thần nặng ở trong cộng đồng với nhiều hành vi đáng lo ngại đã làm người dân có phần bất an, lo lắng. Đáng kể, trên địa bàn thị xã vừa xảy ra một vụ án giết người mà thủ phạm là người tâm thần.
Công tác quản lý người tâm thần tại cộng đồng hiện còn nhiều khó khăn. Về phía gia đình bệnh nhân, hầu hết đều khó khăn, không đủ điều kiện để chăm sóc, điều trị theo đúng yêu cầu nên tình hình bệnh ngày một nặng thêm.
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn - Cơ sở 2 được kỳ vọng sẽ “gỡ khó” cho các địa phương trong vấn đề quản lý, điều trị, chăm sóc người tâm thần. Chúng tôi rất mong dự án sẽ được hoàn thành sớm nhất có thể, đi vào hoạt động nhanh nhất để có thêm nơi chăm sóc bệnh nhân tâm thần, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an ninh.
MAI LÃM - NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)
 

Tác giả bài viết: BBT (Nguồn Báo Bình Định)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm55
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay16,147
  • Tháng hiện tại253,131
  • Tổng lượt truy cập53,760,425
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây