Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.

Thứ tư - 27/03/2024 15:14
Sáng ngày 27/3/2024, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. Bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế và Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các đơn vị của ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Trung ương và địa phương. Hàng trăm điểm cầu trực tuyến kết nối từ Bộ Y tế đến các tỉnh, thành phố, các Viện chuyên ngành của 2 Bộ.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Bộ Y tế
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Bộ Y tế
Tại điểm cầu Sở Y tế Bình Định, Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì Hội nghị. Về phía Ngành y tế tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế và các chuyên viên; Lãnh đạo Trung tâm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trưởng Khoa Phòngchống bệnh truyền nhiễm, Khoa Kiểm dịch y tế và các viên chức liên quan của Trung tâm; đại diện Lãnh đạo và Khoa Truyền nhiễm các Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh. Về phía Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có sự tham dự của đại diện các Phòng, Ban liên quan đến công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Chi cục và đại diện các phòng, ban liên quan thuộc Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh.
27 3 Hình 5 Hội nghị trực tuyến
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế Bình Định ( Ảnh: Thùy Vy)

Theo Bộ Y tế, bệnh lây từ động vật sang người gia tăng trong các năm gần đây. Hơn 70% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Tại Việt Nam, trong các bệnh lây truyền từ động vật sang người, cúm gia cầm và bệnh dại thuộc 05 bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013. Với cúm A(H5N1), sau 08 năm kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, trong tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 02 trường hợp mắc mới, trong đó có 01 trường hợp tử vong. Đối với bệnh dại, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp; từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (~170%), thêm vào đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại, trong đó, miền Trung ghi nhận 10 ca tử vong do dại (cao nhất cả nước)…

27 3 Hình 2 Hội nghị trực tuyến
GS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Hai thập kỷ qua, trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, đặc biệt các quốc gia đang phát triển. Phần lớn trong số đó là bệnh lây truyền từ động vật sang người như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A/H5N1, đại dịch cúm A/H1N1, MERS-CoV, Ebola và gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Ở trong nước, nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã và đang lưu hành và có tác động lớn đến sức khỏe người dân như: bệnh dại, cúm A/H5N1, bệnh liên cầu lợn ở người, bệnh Than, bệnh Leptospira (bệnh xoắn khuẩn vàng da). Do nguồn gây bệnh bắt nguồn từ động vật, nên để phòng, chống và kiểm soát các bệnh này không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần một sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền,của người dân, cộng đồng. Năm 2013, sự phối hợp liên ngành y tế - thú y đã có một bước tiến mới thông qua việc ban hành và thực hiện Thông tư Liên tịch y tế - nông nghiệp số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013 về hướng dẫn phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người và đặc biệt là đồng chủ trì Khung Đối tác Một sức khỏe, phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược Quốc gia về Một sức khỏe từ năm 2016 đến nay, tập trung vào phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người; xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030.
27 3 Hình 3 Hội nghị trực tuyến
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị.
 Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: thời tiết diễn biến thất thường, trong khi đó đường biên giới dài, giao lưu thương mại, cùng đó là thói quen giết mổ nhỏ lẻ... là những yếu tố nguy cơ khiến dịch bệnh bùng phát. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 27 ca tử vong do bệnh dại và 1 ca tử vong do cúm gia cầm. Đây là dấu hiệu cảnh báo diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2024. Hiện tỷ lệ tiêm vắc xin dại cho chó mèo chỉ đạt khoảng 30%, chó mèo cơ bản không đeo rọ mõm khi ra đường. Đồng thời, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc này.
Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Tại Hội nghị, các đơn vị từ Trung ương và địa phương đã chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người; trong đó quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm…/.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập245
  • Hôm nay9,384
  • Tháng hiện tại162,077
  • Tổng lượt truy cập52,780,418
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây