Bác sỹ Trần An Định – Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết: “Các bậc phụ huynh có thể giúp cho trẻ em giữ răng chắc và khỏe bằng cách tập cho trẻ giữ vệ sinh ngay từ những chiếc răng đầu tiên. Chải răng đúng cách và đúng thời điểm: tốt nhất nên chải răng ngay sau khi ăn, ngay cả khi chỉ ăn bánh kẹo. Chọn loại bàn chải mềm, thích hợp theo độ tuổi, tập cho trẻ vệ sinh răng miệng với bàn chải và làm quen với kem đánh răng. Tuy nhiên, khi trẻ được 3 tuổi mới cho trẻ sử dụng kem đánh răng có chứa Fluor vì lúc này trẻ có ý thức được việc không nên nuốt kem đánh răng. Mỗi ngày đánh răng tối thiểu 2 lần trước khi đi ngủ và sau khi ăn sáng vì đây là thời điểm diễn ra hoạt động chính của vi khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Bàn chải đánh răng sẽ chải sạch răng hiệu quả khi được đánh với một lực đủ để chải sạch những vết bẩn mà không gây tổn thương cho răng, lợi. Trước tiên nên đánh ở mặt ngoài răng từ sâu phía răng hàm ra ngoài răng cửa, sau đó đánh phía bên trong của hàm dưới, tiếp đến đánh kỹ phần bên trong của hàm dưới, tiếp đến đánh kỹ phần bên trong của hàm trên, đánh bề mặt răng nơi dùng để nhai thức ăn, nhẹ nhàng đưa bàn chải lên bề mặt lưỡi để loại bỏ những phần mảng bám còn sót lại giúp lưỡi sạch. Đánh đi đánh lại răng tối thiểu 2 phút. Kết thúc bằng việc súc miệng giúp loại bỏ triệt để vi khuẩn và mùi hôi cho răng miệng”.
Để trẻ có hàm răng trắng, đẹp và khám răng miệng định kỳ, lần đầu tiên khi trẻ 6 tháng tuổi, bác sỹ sẽ tư vấn cho bậc phụ huynh cách chăm sóc răng miệng đúng cách cho trẻ. Khi trẻ được 1 tuổi nên đưa khám răng định kỳ 6 tháng một lần kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường ở giai đoạn sớm của trẻ. Các bậc phụ huynh cần phải quan tâm đến việc chỉnh nha càng sớm càng tốt khi trẻ được 6-7 tuổi, những răng vĩnh viễn đầu tiên của trẻ mọc lên, lúc này trẻ cần được theo dõi 6 tháng một lần, biết được nên nhổ răng thời điểm nào, để tránh răng mọc lệch và điều trị sớm khi răng mọc lệch. Hạn chế một số thói quen không tốt cho việc phát triển vùng hàm mặt như: Mút ngón tay hay núm vú, cắn môi dưới vì có thể gây ra tình trạng hô. Chống cằm, cắn môi trên sẽ dẫn đến móm. Nếu trẻ nằm nghiêng một bên lâu ngày có thể làm lệch một bên hàm. Cắn bút, cắn ngón tay có thể làm mẻ răng...
Ngoài ra, các bậc phụ huynh hãy lựa chọn cho trẻ những loại đồ ăn và thức uống không chứa quá nhiều đường. Cho trẻ ăn nhiều hoa quả và rau xanh thay vì kẹo và bánh. Hạn chế cho trẻ ăn các loại quả sấy khô như nho khô rất dễ bám vào các hốc răng và gây sâu răng nếu không được loại bỏ hoàn toàn. Không nên cho trẻ uống các loại nước có chứa đường vào ban đêm hay trước khi ngủ trưa. Khi trẻ được một tuổi mới nên tập dần cho trẻ cách uống nước bằng cốc thay vì sử dụng bình có núm vú
Tác giả bài viết: Thu Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn