Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả thực hiện trong năm 2017. Năm 2017, công tác phòng, chống HIV/AIDS được quan tâm chỉ đạo và giám sát chặt chẽ: số trường hợp nhiễm HIV mới là 35 trường hợp, tích luỹ từ năm 1993 là 749 trường hợp; số trường hợp AIDS mới là 19, tích lũy từ năm 1993 là 660; số trường hợp tử vong mới là 05, tích lũy từ năm 1993 là 416. Trong năm qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, tiếp nhận và điều trị 08 bệnh nhân, số bệnh nhân tích lũy là 53. Hiện nay, đang điều trị cho 40 người nghiện các chất dạng thuốc phiện, trong đó có 39 nam, 01 nữ.
Được biết, năm 2017, hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân HIV/AIDS được triển khai thường xuyên, đã xét nghiệm HIV lưu động cho tù nhân, công nhân lao động, sinh viên; giám sát 7.006 mẫu máu, phát hiện 35 trường hợp HIV mới. Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tiếp tục được triển khai, Phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã tư vấn cho 428 khách hàng trong đó 287 nam, 141 nữ, kết quả xét nghiệm có 29 trường hợp HIV(+). Hoạt động xét nghiệm khẳng định HIV và xét nghiệm CD4 tại Trung tâm tiếp tục triển khai có chất lượng, đảm bảo cho hoạt động giám sát và điều trị HIV/AIDS. Thực hiện 02 đợt giám sát hoạt động tại các cơ sở y tế có xét nghiệm HIV trong toàn tỉnh và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS các địa phương. Số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia điều trị ARV mới trong năm 2017 là 28 trường hợp. Tính đến cuối năm 2017, số người đang tham gia điều trị ARV là 160, trong đó có 08 trẻ em. Thuốc ARV để điều trị hiện nay Trung ương đang cung cấp đầy đủ.
Bên cạnh đó, trong năm đã tiến hành rà soát và tuyên truyền để người nhiễm HIV/AIDS mua bảo hiểm y tế, số bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế chiếm 60%. Hoạt động Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã thực hiện Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bà mẹ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV, khi HIV(+) sẽ được điều trị thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, việc cung cấp thuốc điều trị được triển khai tại các bệnh viện tỉnh, khu vực và Trung tâm Y tế huyện, thị xã. Năm 2017, đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho trên 3.000 bà mẹ mang thai, khẳng định 03 trường hợp HIV(+), đã điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đạt tỷ lệ 100%.
Hội nghị thông qua Chỉ thị số 10/CT-BYT ngày 26/12/2017 về tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế đang được xác định là một trong những rào cản lớn để người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến việc đạt được mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đã cam kết sẽ đạt được vào năm 2020 và hướng kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại cơ sở y tế là một chuỗi các hoạt động nhằm cải thiện liên tục chất lượng dịch vụ trong các cơ sở y tế. Do vậy, đây là một chu trình, sau mỗi chu trình các cơ sở y tế cần tiến hành đánh giá lại và có thể điều chỉnh để các hoạt động này có hiệu quả hơn. Từ đó, chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS ngày càng được nâng cao.
Năm 2018, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẽ tổ chức ký kết hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị, địa phương để triển khai các hoạt động có hiệu quả và đạt những chỉ tiêu đã đề ra. Các đơn vị, địa phương căn cứ Kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 của tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cụ thể của từng đơn vị, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả.
Một số hình ảnh Hội nghị:
Tác giả bài viết: Tuyết Nga
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn