Ngành Y tế tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm trước tình hình dịch tả heo Châu Phi
Thứ năm - 04/07/2019 16:58
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 02/7/2019, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Bình Định đã tiến hành họp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu. Tại cuộc họp, Lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn hiệu quả dịch tả heo (DTH) châu Phi trên địa bàn tỉnh. Các thành viên Ban chỉ đạo phải thường xuyên đi cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn việc phun thuốc, khử độc sát trùng, rắc vôi xung quanh chuồng trại chăn nuôi và trên các tuyến đường ra vào vùng dịch. Tiến hành lập thêm nhiều chốt kiểm dịch động vật tại các xã, phường để kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán, vận chuyển heo từ vùng có dịch đến vùng chưa có dịch; thành lập tổ xử lý nhanh các ổ dịch và tiêu hủy heo, hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào vùng có dịch.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT tại cuộc họp cho thấy dịch tả heo (DTH) châu Phi ngày càng diễn biến phức tạp khi ổ dịch đã xuất hiện trên đàn heo của 360 hộ tại 49 xã của 9/11 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện An Lão và Vĩnh Thạnh). Loại dịch bệnh này không chỉ xuất hiện tại những hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ mà đã lây nhiễm đến các trang trại chăn nuôi quy mô lớn có sự đầu tư, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh chu đáo. Đàn heo đực giống và heo nái, 2 đối tượng có sức đề kháng tốt, cũng đã bị nhiễm bệnh với số lượng lớn, mật độ đàn heo bị dịch bệnh cao. Công tác phòng chống dịch được triển khai bằng nhiều biện pháp, nhưng ngoại trừ huyện Hoài Ân và Vân Canh làm tốt, các địa phương còn lại chỉ dừng ở mức trung bình. Đáng chú ý là tại huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn, DTH châu Phi đã xuất hiện hầu như toàn bộ các xã, phường, thị trấn, khiến công tác phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.
Đánh giá mức độ nguy hại với nhiều tác nhân có thể làm cho DTH châu Phi diễn biến phức tạp hơn, trong khi vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện công tác phòng chống dịch chưa được giải quyế. Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và hội, đoàn thể, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, phải tích cực tham gia công tác phòng chống dịch. Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó có sản phẩm thịt heo.
Tính đến nay, dịch tả heo Châu Phi đã xuất hiện tại 60 tỉnh, thành trên cả nước. Tại tỉnh ta đã xảy ra cục bộ tại một số địa phương. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và quyết liệt triển khai các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; hướng dẫn chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Trước tình hình đó, Sở Y tế đã ban hành Công văn 1653/SYT-NVY ngày 20/6/2019 về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tả heo Châu Phi chỉ đạo các đơn vị trong ngành gồm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Y tế và Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, cụ thể: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì, phối hợp với các Phòng Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống lớn có sử dụng thịt heo nhiều như nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, căn tin các trường học, bệnh viện…. chú trọng kiểm tra việc xử lý thức ăn thừa tại các cơ sở trên, nghiêm cấm việc cho, bán thức ăn thừa làm thức ăn chăn nuôi heo, xử lý nghiêm các trước hợp vi phạm. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP, chú trọng các biện pháp phòng chống lây lan DTH Châu Phi. Yêu cầu các cơ sở phải thực hiện cam kết chấp hành xử lý thức ăn thừa, tiêu hủy và không được cho, bán thức ăn thừa cho người chăn nuôi sử dụng làm thức ăn cho heo. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền về phòng chống DTH Châu phi cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định…
Theo kế hoạch, từ ngày 01-11/7/2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể có sử dụng thịt và sản phẩm thịt heo tại 8 huyện, thị xã, thành phố (Quy Nhơn, Vân Canh, Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân). Qua những ngày đầu giám sát một số doanh nghiệp có bếp ăn tập thể và khách sạn kinh doanh dịch vụ ăn uống cho thấy: Tại thời điểm giám sát, các cơ sở thực hiện đầy đủ hồ sơ hành chính (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy phép kinh doanh, khám sức khỏe cho nhân viên, nguồn gốc thực phẩm…). Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn còn những tồn tại như chưa thực hiện đúng các quy định về ATTP tại khu vực chế biến, lưu mẫu thức ăn, kho chứa nguyên liệu, dụng cụ chế biến… Đoàn giám sát đã đề nghị chủ cơ sở phải cam kết chấp hành việc xử lý thức ăn thừa, tiêu hủy và không được cho, bán thức ăn thừa cho người chăn nuôi sử dụng làm thức ăn cho heo…
Theo ghi nhận thực tế tại Công ty Cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Hưng Phát, Đoàn giám sát kiểm tra hồ sơ hành chính, pháp lý của cơ sở có đầy đủ Giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có 07 hồ sơ khám sức khỏe cho 07 nhân viên phục vụ bếp, có giấy xác nhận kiến thức ATTP. Kết luận của Đoàn giám sát: khu vực bếp rộng thoáng, bố trí theo nguyên tắc một chiều, có bảo hộ lao động trong quá trình chế biến. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm trong khâu sơ chế, rửa nguyên liệu; vệ sinh cống rãnh, thoát nước chưa đạt yêu cầu; kho bảo quản nguyên liệu (gạo, các loại gia vị và thực phẩm khô…) chưa được vệ sinh sạch sẽ, có côn trùng gây hại. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn giám sát đã kiến nghị với cơ sở: Đề nghị cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bếp ăn tập thể, khắc phục ngay những tồn tại mà đoàn đã nhắc nhở, yêu cầu. Đại diện Công ty đã cam kết trong 15 ngày sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Qua kết quả giám sát ATTP tại một số doanh nghiệp, nhìn chung, các đơn vị đã ý thức hơn trong khâu lựa chọn thịt heo có nguồn gốc, xuất xử rõ ràng. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng, trong thực đơn hàng ngày phải có thịt heo, Bà Nguyễn Thị Thương, Phó Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Quy Nhơn chia sẻ: ”Công tác bảo đảm ATTP Khách sạn rất quan tâm, đặc biệt hiện nay là mùa du lịch, vì vậy công tác vệ sinh ATTP được chúng tôi thực hiện thường xuyên, liên tục. Đối với việc phòng, chống bệnh DTH Châu Phi, chúng tôi đã chỉ đạo Nhà hàng phải xử lý thức ăn thừa tại chỗ, tiêu hủy, thực hiện chặt chẽ và nghiêm cấm nhân viên nhà hàng cho, bán thức ăn thừa cho người chăn nuôi sử dụng làm thức ăn cho heo. Hàng ngày theo yêu cầu của khách, chúng tôi chỉ đạo Nhà hàng phải mua thịt heo và sản phẩm thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và nấu chín kỹ trước khi sử dụng, phục vụ khách.
Hơn ai hết, các chủ doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thực phẩm ra thị trường phải thật sự tôn trọng sức khỏe người tiêu dùng như chính sức khỏe của bản thân mình. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể của các công ty, đơn vị trên địa bàn tỉnh hãy lựa chọn các nhà cung cấp thực phẩm sạch thì như thế mới đảm bảo sức khỏe của nhân viên, khách hàng. Với tinh thần quyết liệt trong phòng chống DTH Châu Phi hiện nay, rất cần sự chung tay của các cơ sở để đẩy lùi dịch bệnh trên người và gia súc./.
Tác giả bài viết: Thu Hiền - Khoa TT-GDSK- Trung tâm kiểm soát bệnh tật