Phòng một số dịch bệnh xảy ra trong mùa mưa

Thứ hai - 11/11/2019 08:37
Sau các đợt mưa, bão môi trường vệ sinh thường không đảm bảo, các loại bệnh tật, bệnh truyền nhiễm phát sinh mạnh. Nếu không phòng tránh kịp thời dễ phát triển thành dịch, tác động xấu lên sức khỏe con người.
Người dân cần tăng cường xử lý, vệ sinh môi trường để phòng một số dịch bệnh xảy ra trong mùa mưa
Người dân cần tăng cường xử lý, vệ sinh môi trường để phòng một số dịch bệnh xảy ra trong mùa mưa
Trong mùa mưa, vô số vi sinh vật gây bệnh hòa vào nước tràn ra làm ô nhiễm môi trường, lây lan mầm bệnh. Nếu không xử lý kịp thời nguồn nước, môi trường sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì vậy, bà con thấy nước rút đến đâu cần tổng vệ sinh ngay đến đó để nhà cửa nhanh sạch sẽ, khô ráo. Cố gắng khơi thông ao tù, vùng nước đọng nhằm loại bỏ sự sinh sản của muỗi và quản lý tốt chất thải để hạn chế mầm bệnh lây lan. Ở những nơi chưa có nước máy thì cần thau, rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng khơi, sát trùng bằng Cloramin B để làm sạch nước. Nên dự trữ nước sạch, trữ đồ hộp, nước tinh khiết, nước khoáng đóng chai (không bị ngấm nước) đề phòng nước ngập lâu. Dự trữ một số thuốc thông thường (cảm sốt, đường ruột, thuốc nhỏ mắt (mũi), thuốc sát khuẩn, bông, băng, các loại thuốc chống tiêu chảy, kiết lỵ...) để dùng khi cần.
Hinh bai viet Phong mot so dich benh xay ra trong mua mua 1
Cán bộ y tế khám bệnh về da cho bệnh nhân nhi  tại TTYT huyện Phù Cát
Trong vấn đề ăn uống, đứng hàng đầu là bệnh tiêu chảy cấp sẽ lây lan nhanh nếu không ngăn chặn kịp thời, nhất là với trẻ em nếu dùng nước ăn, uống không hợp vệ sinh. Bên cạnh đó là tiêu chảy do vi khuẩn thương hàn, lỵ, E.coli, Campylobacter... liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước uống dùng trong sinh hoạt. Theo các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn. Thực phẩm cần được bảo quản chu đáo, tránh ôi thiu. Tuyệt đối không ăn rau sống, uống nước lã, không đi vệ sinh bừa bãi. Không nên tắm ở ao, hồ, sông vừa bị lũ, lụt. Khi có người bị tiêu chảy cấp cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời…
Bên cạnh đó, các loại bệnh về da trong mùa mưa rất dễ mắc do thiếu vệ sinh, thiếu dịch vụ y tế, thực phẩm, nước uống... Thường hay gặp là bệnh “nước ăn chân” (nấm kẽ chân), gây lở, ngứa rát với triệu chứng đau ngứa rát. Do đó, sau khi lội nước, hãy lau khô kẽ chân. Nếu đã bị nước ăn chân, cần đến trạm y tế ngay để được chữa trị. Vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt khiến nấm dễ phát triển trên da, nhất là vùng bẹn (hay gặp là lác, hắc lào). Bệnh này dễ lây truyền khi phơi chung khăn tắm, quần áo. Khi mắc bệnh cần tự giác đi khám bác sĩ để được chữa trị triệt để, đồng thời điều trị cho cả những người ở gần. Bệnh ghẻ cũng dễ phát sinh và lây lan nhanh, rất ngứa về đêm. Vì vậy, cần đi khám sớm để được bôi thuốc điều trị ghẻ, tránh lây lan cho những người xung quanh. Bên cạnh đó, cơ thể suy yếu, vệ sinh da kém, ngứa gãi vì chấn thương... sẽ làm vi trùng ở da tăng độc tính, gây nhiễm trùng dưới da sinh nhọt, chốc lở... Do đó, cần giữ da sạch, tắm bằng xà bông diệt khuẩn hoặc thuốc tím pha loãng.
Đặc biệt trong những ngày mưa bệnh đau mắt đỏ càng tăng do môi trường sinh hoạt bị ô nhiễm. Vì vậy, số người đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt ở các huyện, thành phố và Bệnh viện Mắt cũng đã gia tăng nhanh. Hiện chưa có thuốc đặc trị và vaccin phòng đau mắt đỏ vì chủng kháng nguyên của loại virut gây bệnh này biến đổi liên tục.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, đau mắt đỏ là bệnh do virut nên rất dễ lây lan qua tiếp xúc. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 7-10 ngày. Bệnh dịch rất dễ lây lan vì ngay trong thời gian ủ bệnh, virut đã có khả năng lây truyền, thậm chí, ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần tiếp theo. Bệnh đau mắt đỏ không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng, sau một tuần bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách hoặc điều trị sau 7-10 ngày bệnh không khỏi rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc. Vì vậy khi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị. Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, phải chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt không nên dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt, luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Nếu bị bệnh cần nghỉ 7 - 10 ngày để cách ly và điều trị dứt điểm, tránh lây sang người khác.
Hinh Bai 11 (1)
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết lây lan trong cộng đồng sau các đợt mưa lũ
Hiện nay ảnh hưởng của các cơn mưa cũng đã tác động trực tiếp đến môi trường, tạo chất xúc tác cho bệnh dịch phát triển nhanh. Thời gian tới, tiếp tục sẽ là mùa mưa bão, vì vậy chúng ta cần tích cực chủ động triển khai các phương án kịp thời phòng chống và ứng phó với các dịch bệnh, hạn chế tối đa những tổn thất do dịch bệnh gây ra. Ngoài các dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên, còn tập trung đề phòng xuất hiện một số bệnh dịch nguy hiểm khác như cúm A(H1N1), cúm A(H5N1), thương hàn, các bệnh về đường tiêu hoá, sốt xuất huyết… Tuy nhiên, điều cần nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh vẫn là ý thức của mỗi người dân. Người dân nên tích cực chủ động trong phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa những tổn thất do dịch bệnh gây ra để bảo vệ sức khoẻ cho mình và gia đình theo các khuyến cáo của Ngành Y tế./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập83
  • Máy chủ tìm kiếm60
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay30,290
  • Tháng hiện tại267,274
  • Tổng lượt truy cập53,774,568
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây