Dịch sốt xuất huyết vào mùa, làm sao để bảo vệ trẻ?

Thứ hai - 16/09/2019 15:14
Thời tiết hiện nay đã bước vào mùa mưa, (mùa hè nắng nóng, oi bức) là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với tốc độ lây lan nhanh chóng. Tất cả các đối tượng đều có thể bị mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ (Trẻ nhỏ, nhất là những trẻ có sức đề kháng kém là đối tượng rất dễ mắc bệnh). Vậy làm thế nào để bảo vệ trẻ trước sự tấn công của dịch bệnh?
Đo huyết áp cho bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Đo huyết áp cho bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Trả lời:
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt, muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu, sống trong nhà, thường ở xó tối và chỗ treo quần áo, muỗi vằn đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước sạch, nước trong. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, phát triển nhiều nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Hiện nay là thời điểm bước vào mùa mưa, thời tiết thuận lợi cho sự sinh sản và hoạt động của muỗi truyền bệnh, là những tháng cao điểm của dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày, đồng thời có một số các biểu hiện như có các chấm/mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan,… Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan, suy gan, thận, viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác và có thể dẫn đến tử vong.
Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề diễn biến bệnh trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống bệnh nhân.
Vì vậy, khi trẻ có một số các triệu chứng: sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; đau cơ khớp, mệt mỏi; da xung huyết, phát ban; chấm xuất huyết dưới da,… thì cần:
- Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và có biện pháp điều trị kịp thời.
- Hạ sốt cho trẻ bằng cách cho uống paracetamol, lau mát bằng nước ấm.
- Khuyến khích trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; Cho trẻ uống nhiều nước; Tránh thức ăn, ước uống có ga, có màu (đen, đỏ, nâu…).
- Đưa trẻ đến khám lại theo lời dặn của bác sĩ hoặc ngay khi có dấu hiệu bệnh tiến triển nặng như: Trẻ hết sốt nhưng bứt rứt, lừ đừ, tay chân lạnh, vã mồ hôi; Nôn nhiều, đau bụng; Nôn ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu mũi, chảy máu chân răng.

Bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ yếu tại các hộ gia đình là:
- Không để trẻ bị muỗi đốt (mặc áo quần dài tay lúc trẻ chơi đùa, nằm ngủ mùng kể cả ban ngày, bôi thuốc phòng muỗi đốt,…).
- Thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình (Đậy kín các dụng cụ chứa nước bằng nắp, vải mùng ngăn không cho muỗi bay vào đẻ trứng; thả cá trong các dụng cụ chứa nước; Lật úp các vật dụng chứa nước nhỏ như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm...; Thu dọn rác phế thải, kể cả dụng cụ chứa nước tự nhiên, nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...) cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng chôn, đốt; Đối với bẫy kiến,: cho dầu hoặc muối vào để ngăn lăng quăng/bọ gậy phát triển; Đối với lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh, điều hòa, …thường xuyên cọ rửa bằng bàn chải thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi bám trên bề mặt và thay nước ít nhất 1 tuần/lần; Xử lý bằng hóa chất diệt ấu trùng muỗi ở những nơi đọng nước như: hố ga thoát nước, hốc cây, kẽ lá cây, bế cảnh và các ổ đọng nước khác để loại bỏ véc tơ truyền bệnh.
- Phối hợp với cán bộ y tế trong quá trình phòng chống dịch bệnh như diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết.
- Khi trẻ có bất kỳ biểu hiện nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tác giả bài viết: Tuyết Nga - Khoa Truyền thông - GDSK- Trung tâm kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập279
  • Máy chủ tìm kiếm222
  • Khách viếng thăm57
  • Hôm nay13,225
  • Tháng hiện tại2,391,049
  • Tổng lượt truy cập44,767,575
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây